Nông dân hưởng lợi từ các chương trình, dự án

08:11, 16/11/2018

Trong những năm qua, huyện Di Linh đã tập trung triển khai các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực tại địa phương để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tạo bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.  

Trong những năm qua, huyện Di Linh đã tập trung triển khai các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực tại địa phương để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tạo bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
 
Trù phú xã nông thôn mới Hòa Bắc. Ảnh: B.T
Trù phú xã nông thôn mới Hòa Bắc. Ảnh: B.T

Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp
 
Từ Chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, trong những năm qua, tổng kinh phí mà huyện Di Linh đã triển khai đầu tư hơn 19 tỷ đồng để hỗ trợ các hạng mục đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc và quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể là nông dân trong huyện đã được hỗ trợ trên 1.400 tấn phân bón, 376 máy nông nghiệp các loại, trên 5 tấn lúa giống, 430 con bò giống và được giao khoán chăm sóc, quản lý, bảo vệ 976 ha rừng. 
 
Với Chương trình 135, nguồn kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ nông dân trong huyện gần 8 tỷ đồng để phát triển sản xuất; hỗ trợ 653 tấn phân bón, 57 con bò giống, 54 con dê giống, 200 máy nông nghiệp các loại và 2,5 tấn ống dẫn nước tưới chống hạn.
 
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ nông dân trực tiếp sản xuất hơn 4,7 tỷ đồng để mua 25,2 tấn phân bón, 16,7 tấn lúa giống, trên 10.000 cây mắc ca giống, trên 200 con bò giống, 20 heo giống, 47 máy bơm nước chống hạn cà phê, 25 mát xịt thuốc, 36 máy cắt cỏ. 
 
Đối với Chương trình phát triển sự nghiệp nông nghiệp địa phương, ngân sách của huyện đã cân đối chi 2,3 tỷ đồng để mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và tổ chức nhân rộng các mô hình điển hình trồng trọt và chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững.
 
Ngoài các chương trình và dự án nói trên, trong 10 năm trở lại đây,  ngân sách Nhà nước còn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp 13,3 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân trong huyện phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả khả quan. 
 
Trong đó, nguồn vốn này được ưu tiên hỗ trợ tái canh cây cà phê, đa dạng hóa cây trồng (trồng xen các loại cây ăn trái với cây cà phê), chăn nuôi bò sữa và bò thịt cao sản; đồng thời, hỗ trợ đầu tư các đề án phát triển nông thôn, như Đề án giảm tổn thất sau thu hoạch, Đề án hỗ trợ trang trại điển hình tiên tiến, Đề án phát triển kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác)…
 
Việc triển khai các chương trình và dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Di Linh đặc biệt quan tâm hỗ trợ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, việc giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội đã thực hiện đạt hiệu quả, đảm bảo yêu cầu mà Đảng bộ huyện đã đề ra. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện (theo tiêu chí mới) còn 6,14%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 10,65%. Mức sống chênh lệch giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với mức sống dân cư ở khu vực trung tâm huyện lỵ giảm dần.    
 
Và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn
 
Với phương châm “Nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư”, hàng năm, huyện Di Linh triển khai tốt các nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia cùng với các nguồn lực của huyện huy động được để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nông thôn, như xây dựng đường giao thông, trường học, nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, đào ao hồ thủy lợi nhỏ… Tổng kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2017 trên 250 tỷ đồng. 
 
Nhờ vậy, toàn huyện đã trải nhựa được 92 km đường huyện; nhựa hóa và bê tông hóa 140 km đường trục xã, liên xã; cứng hóa 142 km đường trục thôn, xóm; nâng cấp, làm sạch (không còn lầy lội) 92 km đường ngõ, xóm. Hiện nay, 100% số xã trong huyện đều có đường xe ô tô (đường nhựa) đến khu vực trung tâm xã. Toàn huyện đã xây dựng mới 7 hồ thủy lợi vừa, 1 hệ thống kênh mương, 3 đập dâng. Nông dân tự đào 6.000 ao hồ nhỏ, 2.500 giếng khoan để lấy nước chống hạn cho cây trồng vào mùa khô. Cũng từ các nguồn lực nói trên, ở vùng nông thôn đã cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng nhiều phòng học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và các công trình cấp nước sinh hoạt…
 
Từ các chương trình, dự án và các nguồn lực của địa phương huy động, người nông dân trong huyện được trực tiếp hưởng lợi; đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng cao; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Toàn huyện đã có 9 xã đạt các tiêu chí và đã được công nhận “xã nông thôn mới”. Trong năm 2018 này, huyện Di Linh phấn đấu có thêm 3 xã (Liên Đầm, Tân Lâm, Tân Thượng) đạt chuẩn xã nông thôn mới. Hiện nay, huyện Di Linh đang triển khai lộ trình xây dựng “thôn nông thôn mới kiểu mẫu” để tiến tới xây dựng “xã nông thôn mới kiểu mẫu”. Theo đó, từ nay đến 2020, 18 xã trong toàn huyện đã đăng ký phấn đấu xây dựng 23 thôn đạt “thôn nông thôn mới kiểu mẫu”. 
 
XUÂN LONG