Ðong đầy kỉ niệm về Làng hoa Hà Ðông

08:11, 26/11/2018

Những bằng khen, bằng công nhận hay đơn giản là những món đồ dùng thô sơ, cũ kỹ của ông cha để lại đều được ông Phan Hữu Giản (78 tuổi, Làng hoa Hà Ðông, Phường 8, TP Ðà Lạt) cố gắng tìm kiếm, gìn giữ bấy lâu nay và biến chúng trở thành bộ sưu tập cho làng hoa đầu tiên của thành phố Ðà Lạt…
 

Những bằng khen, bằng công nhận hay đơn giản là những món đồ dùng thô sơ, cũ kỹ của ông cha để lại đều được ông Phan Hữu Giản (78 tuổi, Làng hoa Hà Ðông, Phường 8, TP Ðà Lạt) cố gắng tìm kiếm, gìn giữ bấy lâu nay và biến chúng trở thành bộ sưu tập cho làng hoa đầu tiên của thành phố Ðà Lạt…
 
Ông Phan Hữu Giản ôn lại kỉ niệm qua những hình ảnh. Ảnh: T.Hiền
Ông Phan Hữu Giản ôn lại kỉ niệm qua những hình ảnh. Ảnh: T.Hiền

Trong căn nhà cấp 4 đã được xây dựng từ lâu, chúng tôi được tiếp xúc và trò chuyện với ông Phan Hữu Giản - nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt để tìm hiểu về vùng đất, con người ấp Hà Đông, và nhìn ngắm lại những món kỉ vật từ thời xa xưa được ông trưng bày tại Nhà Văn hóa Làng hoa Hà Đông. 
 
Là người gốc Hà Nội nhưng vì tính chất công việc, năm 1987, ông Phan Hữu Giản được thuyên chuyển công tác vào Vùng Kinh tế mới của Lâm Đồng và làm Bí thư đầu tiên của huyện Lâm Hà. Cho đến năm 1993, ông tiếp tục làm việc và sinh sống tại Đà Lạt. Tính đến nay, cũng đã được 25 năm ông gắn bó với con người và mảnh đất cao nguyên này.
 
Đà Lạt thường được ông gọi với cái tên thân thương là “Quê hương mới”, không chỉ bởi ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại tỉnh Lâm Đồng như: Bí thư huyện Lâm Hà - Vùng Kinh tế mới, nơi được xem là “Cửa ô thứ 6 của Hà Nội”; Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng... mà còn bởi những tình cảm gắn bó, yêu thương và kỷ niệm của ông với đất và người nơi này. Ở vị trí nào, công việc nào, ông Phan Hữu Giản cũng luôn phấn đấu để xây dựng quê hương thứ hai của mình ngày một phát triển hơn. 
 
Khi nhắc đến tên Làng hoa Hà Đông, ông chia sẻ: “Vốn dĩ có tên là Làng hoa Hà Đông vì muốn thể hiện sinh động mối quan hệ đặc biệt giữa Hà Nội và Lâm Đồng. Đây cũng là kết quả của chủ trương di dân có tổ chức từ Hà Đông vào khai hoang, mở rộng sản xuất rau, hoa phục vụ yêu cầu xây dựng thành phố nghỉ dưỡng du lịch. Đây cũng là một mối duyên giữa Hà Nội và Lâm Đồng, nói đúng hơn là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Lâm Đồng có đất đai màu mỡ, Hà Nội lại có kinh nghiệm trồng hoa, hai yếu tố đó kết hợp với nhau để tạo nên Làng hoa Hà Đông, phát triển và được nhiều người biết đến như bây giờ”.
 
Sau cả quãng thời gian dài cống hiến và lăn xả với công việc, ông Phan Hữu Giản đau đáu với việc làm sao để có thể lưu giữ những dấu ấn nổi bật về quá trình thành lập Làng hoa Hà Đông. Hà Đông đến nay đã có bề dày hình thành và phát triển hơn 80 năm. Đó là khoảng thời gian của cả một đời người với đủ những biến cố, tình cảm và kỷ niệm của bà con nơi đây. Tuy nhiên, qua thời gian và việc di chuyển nhiều nơi, nhiều chỗ khiến nhiều món đồ bị thất lạc và có một số thứ không tìm lại được. Đó là một sự mất mát về tinh thần khiến ông luôn trăn trở và tiếc nuối. Thế nên, ông cố gắng tìm kiếm lại từng món đồ với mong muốn làm sao cho bà con và cả con cháu sau này có thể hiểu được về quê hương mình - quê cũ và quê mới. Ông cho hay: “Lúc còn trẻ thì mình còn đóng góp sức lực, vật chất nhưng khi về già tôi đóng góp bằng tinh thần. Hơn thế nữa, tôi không muốn những điều ý nghĩa ấy bị lãng quên và mai một đi vì đây là bằng chứng sống cho sự cố gắng và gây dựng của cán bộ, người dân từ xưa đến nay”.
 
Sau gần 10 năm gây dựng phòng lưu niệm, ông Phan Hữu Giản đã bàn giao cho người quản lý mới vào năm 2017 nhưng ông vẫn thường xuyên lui tới để được ngắm nhìn và nhớ lại khoảng thời gian về trước. Được ông dẫn vào phòng lưu niệm truyền thống của nhà văn hóa, chúng tôi nhìn thấy những hình ảnh, bằng khen được treo ngay ngắn trên tường, phía dưới là chiếc tủ kính dùng để trưng bày những vật dụng: đèn pin, bát dĩa, sách vở... của thế hệ trước để lại. “Để có được những kỉ vật này, tôi đã tìm đến các cụ cao tuổi để hỏi thêm về những di sản, di vật các cụ để lại còn những cái gì. Bên cạnh đó, tôi cũng động viên được một số gia đình đang lưu giữ những hình ảnh, hiện vật như: cuốc, cày, máy bơm,... rồi tôi hệ thống lại và được bộ sưu tập như bây giờ” - ông Giản nói.
 
Tâm huyết, gắn bó, dày công sưu tầm các kỉ vật, ông Giản luôn thấy mình là người may mắn khi được tiếp xúc và giữ gìn những dấu ấn một thời mà cha ông còn để lại. Người đàn ông sắp vào tuổi bát thập vẫn đang hàng ngày tiếp tục tìm kiếm, với mong muốn sẽ có được thêm nhiều món đồ hơn nữa để làm phong phú bộ sưu tập về Làng hoa Hà Đông. Nâng niu từng món kỷ vật, ông chia sẻ niềm hy vọng rằng nơi lưu giữ những kỉ vật này sẽ được nâng cấp và mở rộng hơn, để thế hệ mai sau biết nhiều hơn về lịch sử của một làng hoa truyền thống.
 
THU HIỀN