Sinh viên với pháp luật

09:11, 13/11/2018

Là ngôi trường có hơn 10 ngàn sinh viên, Đoàn Trường Đại học Đà Lạt đã có nhiều cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật của đoàn viên, sinh viên. 

Là ngôi trường có hơn 10 ngàn sinh viên, Đoàn Trường Đại học Đà Lạt đã có nhiều cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật của đoàn viên, sinh viên. 
 
Phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả cho sinh viên. Ảnh: V.Hùng
Phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả cho sinh viên. Ảnh: V.Hùng
Lần đầu tiên tham dự một Phiên tòa giả định ngay tại trường, Lê Thị Cẩm Linh - sinh viên năm nhất Khoa Du lịch hào hứng nhưng cũng không kém phần căng thẳng. Linh cho hay: “Qua Phiên tòa giả định này, em hiểu biết hơn về pháp luật, biết được hành vi nào là phạm pháp để tránh không vi phạm”.
 
Còn với Nguyễn Hữu Hiếu - sinh viên năm 2 Khoa Môi trường lại trầm ngâm: “Có những hành vi tưởng là bình thường nhưng lại vi phạm pháp luật. Đúng là chỉ cần thiếu hiểu biết về pháp luật là có thể vi phạm ngay”.
 
Chưa khi nào Phòng Hội thảo - thư viện Trường Đại học Đà Lạt lại đông sinh viên vào buổi tối như vậy. Tất cả đều háo hức và có phần nghiêm túc như ở trong một phiên tòa thật sự. Theo anh Phan Tuấn Anh - Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội sinh viên: “Có nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật dễ nhớ, dễ hiểu và gần gũi, và Phiên tòa giả định cũng không nằm ngoài mục đích này. Đây vừa là sân chơi bổ ích, vừa tạo điều kiện cho các bạn sinh viên nhà trường củng cố kiến thức pháp luật và tiếp cận thực tiễn pháp luật. Qua đó, hình thành chuẩn mực ứng xử văn minh, phù hợp với các quy tắc của pháp luật”.
 
Với tình huống giả định thường gặp trong giới trẻ: một chàng trai bị người yêu chia tay, vì muốn bạn gái quay lại nên đã rủ em trai cùng bạn dựng lên một vụ bắt cóc, sau đó, đóng vai anh hùng cứu mỹ nhân để bạn gái cảm động quay lại. Và ngay trong vụ bắt cóc, người bạn đã thực hiện hành vi đồi bại với cô gái. Để rồi sau đó, cả chàng trai cùng em trai và người bạn này phải chịu hình phạt của pháp luật vì những hành vi phạm pháp của mình. Ngay trong Phiên tòa giả định, các bị cáo độ tuổi 9X vẫn còn ngơ ngác vì không biết hành vi của mình lại vi phạm pháp luật - cũng là trường hợp của nhiều bạn trẻ phạm pháp vì thiếu hiểu biết pháp luật. 
 
Trong vai Đồng - chàng trai bị người yêu chia tay, Việt Anh - sinh viên năm hai Khoa Luật học cho rằng: “Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ, kể cả sinh viên cũng còn thiếu hiểu biết về pháp luật. Vì vậy, dễ vi phạm từ những hành vi tưởng chừng đơn giản. Trong tình huống giả định, cả chàng trai bị người yêu chia tay, người em trai và người bạn đều nghĩ dựng vụ bắt cóc giả là không vi phạm, nhưng rồi sự việc đi quá xa và cả ba trở thành kẻ phạm tội phải chịu hình thức xử lý của pháp luật”.
 
Để sinh viên nắm bắt kịp thời về pháp luật, ngay trong tuần sinh hoạt công dân đầu năm học, Trường Đại học Đà Lạt đã đưa nội dung phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật vào. Bên cạnh đó, trong những hoạt động đều được lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là Luật Hình sự. Và Phiên tòa giả định là nơi giúp sinh viên dễ tiếp cận với pháp luật nhất như nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Thị Loan - Phó khoa phụ trách Khoa Luật học: “Phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền pháp luật sinh động và hiệu quả nhất. Thông qua các vụ án thực tiễn mà Phiên tòa giả định mô phỏng lại, sinh viên nắm kiến thức pháp luật nhanh và hiểu hành vi như thế nào là vi phạm để tránh cũng như khi vi phạm sẽ bị áp dụng chế tài nghiêm khắc. Đây cũng là hình thức để sinh viên luật rèn luyện kỹ năng thực hành pháp luật. Qua đó, giáo dục, tuyên truyền pháp luật để sinh viên Khoa Luật nói riêng và sinh viên toàn trường nói chung có tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tuyên truyền pháp luật, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”. 
 
Kết thúc Phiên tòa giả định, ý kiến được nhiều sinh viên đưa ra: “Phải biết được kiến thức về pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Nếu không có kiến thức, không hiểu biết về pháp luật đó là một điều đáng lo ngại. Vì vậy, cần phải học tập, rèn luyện, trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức về pháp luật để bảo vệ cho bản thân, gia đình và góp phần ổn định xã hội”.
 
VIỆT HÙNG