Không kỳ thị và phân biệt đối xử với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS

08:11, 12/11/2018

Chỉ thị 10/CT-BYT của Bộ Y tế (ngày 26/12/2017) về tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế là bước tiến mở đường cho người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời và hiệu quả.

Chỉ thị 10/CT-BYT của Bộ Y tế (ngày 26/12/2017) về tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế là bước tiến mở đường cho người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời và hiệu quả.
 
Thực hiện các test tại Phòng xét nghiệm khẳng định HIV tỉnh (quy trình dễ phát sinh kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV). Ảnh: A.Nhiên
Thực hiện các test tại Phòng xét nghiệm khẳng định HIV tỉnh (quy trình dễ phát sinh kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV). Ảnh: A.Nhiên

Công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã đạt được mục tiêu 3 giảm: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện hàng năm; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS; giảm số người tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế) vào năm 2020 và hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu này, hiện còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, trong đó kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế đang được xác định là một trong những rào cản quan trọng nhất, khiến người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV không thể tiếp cận các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
 
Để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế, cải thiện chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 10, yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế cả nước chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn ngành thực hiện những nội dung: Xây dựng kế hoạch hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV dựa trên tình hình thực tế của đơn vị, tổ chức triển khai các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Tổ chức tập huấn về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, dự phòng chuẩn trong các cơ sở y tế cho cán bộ, nhân viên, nhất là các cán bộ y tế trực tiếp cung cấp các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Rà soát lại các quy trình cung cấp dịch vụ dễ phát sinh kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế như quy trình xét nghiệm HIV và trả kết quả xét nghiệm; quy trình khám bệnh, chữa bệnh; quy trình lưu trữ hồ sơ, bệnh án; quy trình bảo mật thông tin cá nhân người bệnh, qua đó điều chỉnh, cập nhật các quy trình để tránh kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Xây dựng và phổ biến bộ quy tắc thực hành về chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS hoặc lồng ghép các nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong quy tắc ứng xử của công chức, viên chức y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Khuyến khích sự tham gia của các nhóm cộng đồng, người nhiễm HIV vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi giám sát việc thực hiện giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế. 
 
Nhiều người nhiễm HIV/AIDS vẫn chưa biết được tình trạng nhiễm HIV, chỉ có xét nghiệm HIV mới biết được một người có bị nhiễm HIV hay không. Dịch vụ xét nghiệm HIV hiện nay đã được triển khai rộng rãi trên toàn quốc với hơn 1.300 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV ở 100% các huyện; cả nước có 138 Phòng xét nghiệm khẳng định HIV ở tất cả các tỉnh và một số huyện vùng sâu, vùng xa. Theo ước tính, cả nước có khoảng 250.000 người nhiễm HIV còn sống, có gần 200.000 người biết được tình trạng nhiễm HIV. Còn hơn 50.000 người nhiễm chưa biết tình trạng bị nhiễm HIV, đây là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng do không được tư vấn, tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị sớm ARV để bảo vệ sức khỏe cho chính họ và giảm lây truyền HIV ra cộng đồng. 
 
Tại Lâm Đồng, theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2018, tỉ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm HIV của mình chỉ chiếm 68% (với 717 ca/1.055 người), kế hoạch năm 2018 phấn đấu đạt 85%. Tỉ lệ người nhiễm HIV do y tế quản lý được điều trị ARV đạt 78,8% (với 565 ca/717 người), mục tiêu năm 2018 đạt 80%. Tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức thấp 0,04% (cả nước dưới 0,3%).
 
Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động thông tin giáo dục thay đổi hành vi trong phòng lây nhiễm HIV/AIDS như: cấp phát tài liệu truyền thông phòng chống HIV/AIDS tại 575 doanh nghiệp, cơ sở vui chơi giải trí trong toàn tỉnh; cấp 37.000 bản cam kết triển khai phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư năm 2018; triển khai phong trào toàn dân phòng chống HIV/AIDS tại 118 xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS cho cán bộ y tế.
 
Trên phạm vi toàn quốc, việc điều trị ARV hiện đã được mở rộng với 470 cơ sở điều trị ARV ở các tỉnh, thành phố, các huyện và 652 cơ sở cấp thuốc ARV tại các trạm y tế xã. Thuốc ARV hiện nay đang được các dự án tài trợ cấp miễn phí và sẽ được cấp thông qua BHYT kể từ năm 2019. Việc điều trị ARV đã được Bộ Y tế quy định mở rộng cho tất cả mọi người được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ điều trị ngay mà không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có gần 130.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV, đạt khoảng 65% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV. Vẫn còn khoảng 60.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV chưa tham gia điều trị ARV.
 
BS Bùi Văn Lượng - Trưởng Khoa Quản lý Điều trị HIV/AIDS thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Đồng cho biết: Các cơ sở y tế không phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS vì tất cả bệnh nhân có thẻ BHYT được thanh toán BHYT như người không nhiễm tùy vào quy định đối tượng, mức hưởng và đảm bảo bí mật danh tính (theo Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người HIV/AIDS). Thẻ BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV cũng giống như thẻ cho các đối tượng khác, bệnh nhân cầm thẻ BHYT đi khám chữa bệnh bình thường như mọi người. 
 
Một bệnh nhân ở Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS thuộc Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng cho biết: “Tôi biết mình bị nhiễm HIV và đã 3 năm điều trị ARV, gần 1 năm nay tôi có thẻ BHYT mua theo diện đối tượng được BHYT chi trả 80%. Mỗi tháng 1 lần, tôi tới phòng khám nhận thuốc không phải xếp hàng bốc số mà có hẹn trước với bác sĩ. Tôi có góp ý nhỏ là việc chờ đợi lấy thuốc còn mất nhiều thời gian, thường phải chờ một buổi mới nhận được thuốc ARV”.
 
AN NHIÊN