Vệ sinh tay phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện

09:11, 13/11/2018

Từ năm 2005, Tổ chức Y tế thế giới bắt đầu phát động chiến dịch vệ sinh tay toàn cầu nhằm giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện và cải thiện việc thực hành vệ sinh tay trong nhân viên y tế. Nghiên cứu về "Ðánh giá chương trình tăng cường vệ sinh tay từ năm 2016 - 2017" của BS Ngô Thị Thử và điều dưỡng Lê Thị Diễm Nhi (Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Hoàn Mỹ Ðà Lạt) cho thấy còn nhiều vấn đề báo động trong phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Từ năm 2005, Tổ chức Y tế thế giới bắt đầu phát động chiến dịch vệ sinh tay toàn cầu nhằm giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện và cải thiện việc thực hành vệ sinh tay trong nhân viên y tế. Nghiên cứu về “Ðánh giá chương trình tăng cường vệ sinh tay từ năm 2016 - 2017” của BS Ngô Thị Thử và điều dưỡng Lê Thị Diễm Nhi (Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Hoàn Mỹ Ðà Lạt) cho thấy còn nhiều vấn đề báo động trong phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
 
Khoa Phẫu thuật luôn đảm bảo tốt nhất về vệ sinh bàn tay phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Ảnh: A.Nhiên
Khoa Phẫu thuật luôn đảm bảo tốt nhất về vệ sinh bàn tay phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Ảnh: A.Nhiên

Tuân thủ chương trình vệ sinh tay trong chăm sóc phục vụ người bệnh là yếu tố then chốt nhằm ngăn ngừa vi sinh vật gây bệnh, làm giảm mắc bệnh lây nhiễm chéo cho bệnh nhân và người nhà trực tiếp chăm sóc người bệnh, nhân viên y tế. 
 
Nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu xác định tỉ lệ tuân thủ chương trình vệ sinh tay chung của nhân viên y tế khi thăm khám chữa trị và chăm sóc phục vụ người bệnh tại BV Hoàn Mỹ Đà Lạt từ năm 2016 - 2017 với 11.549 cơ hội cần phải vệ sinh tay ở tất cả các đối tượng: bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ lý ở hầu hết các khoa phòng: phẫu thuật, nội, sản, ngoại, hồi sức cấp cứu, phòng khám, nhi, cận lâm sàng, xét nghiệm. Trong đó, số cơ hội có tuân thủ vệ sinh tay đó là 7.857. Bằng phương pháp tiến cứu mô tả, kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tuân thủ vệ sinh tay chung đạt 68%. 
 
Tỉ lệ tuân thủ vệ sinh tay theo từng khoa phòng cao nhất là Khoa Phẫu thuật 73,66% và thấp nhất là khoa Xét nghiệm 64,41%. Tỉ lệ tuân thủ vệ sinh tay theo đối tượng cao nhất là điều dưỡng 72,1%; thấp nhất là bác sĩ, hộ lý 50,9%. 
 
Tỉ lệ tuân thủ vệ sinh tay theo thời điểm cao nhất là 88,5% (vào tháng 3) và thấp nhất là 56,1% (vào tháng 6, thời điểm có số bệnh nhân tăng). Loại vệ sinh tay, tỉ lệ rửa tay nhanh chiếm 81,5%; rửa tay bằng xà phòng và nước là 18,5%; tỉ lệ mang găng tay thay thế rửa tay cho thấy mang găng mới chiếm 11,3% và mang gang cũ là 3,7% trong tổng số cơ hội cần phải vệ sinh tay.
 
Phân tích thời điểm trước khi tiếp xúc bệnh nhân thì nhân viên y tế có tỉ lệ rửa tay thấp hơn so với thời điểm sau khi tiếp xúc, điều này cho thấy nhân viên y tế có ý thức bảo vệ bản thân, tuy nhiên, việc phòng ngừa lây nhiễm cho người bệnh còn thấp. Nhân viên y tế sử dụng loại sát khuẩn tay chiếm tỉ lệ cao 81,5%; rửa tay bằng xà phòng và nước chỉ chiếm 18,5%.
 
Qua nghiên cứu về nhiễm khuẩn bệnh viện cho thấy sự lây truyền bệnh qua trung gian bàn tay là chủ yếu. Do đó, một trong những khuyến cáo nhằm giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là thực hành rửa tay khi chăm sóc bệnh nhân. Chấp hành đúng những kỹ thuật vệ sinh tay trong chăm sóc bệnh nhân là yêu cầu then chốt nhằm ngăn ngừa lây truyền vi sinh vật gây bệnh, làm giảm mắc bệnh cho người bệnh và nhân viên y tế. Hiệu quả của vệ sinh tay đã bắt đầu từ những năm 1800 trên thế giới đưa vệ sinh tay vào thực hành trong bệnh viện. Đến nay, mặc dù vệ sinh tay được khuyến cáo là biện pháp đơn giản và hiệu quả, chi phí thấp trong phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, nhưng thực tế tỉ lệ tuân thủ vệ sinh tay không cao. Có khoảng cách lớn giữa kiến thức, thái độ hành vi vệ sinh tay trong nhân viên y tế.
 
Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt, đã phát động phong trào tuân thủ quy trình vệ sinh tay và giám sát tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện từ năm 2015. Tuy nhiên, tỉ lệ vệ sinh tay trong một số khoa, phòng hoặc thời điểm cần vệ sinh tay còn chưa thực hiện thường xuyên.
 
Theo BS Ngô Thị Thử, qua nghiên cứu cho thấy việc không tuân thủ vệ sinh tay còn chiếm 32% trong đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, tỉ lệ này cần phải được khắc phục. Đặc biệt, tại thời điểm trước tiếp xúc bệnh nhân và sau sờ môi trường xung quanh bệnh nhân, tỉ lệ tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế rất thấp (trước tiếp xúc bệnh nhân đạt 56,1% vệ sinh tay, sau sờ môi trường xung quanh bệnh nhân chỉ đạt 57,9% vệ sinh tay). Tiếp theo là đối tượng hộ lý, tỉ lệ tuân thủ vệ sinh tay rất thấp 50,9%. Các yếu tố trên cũng là một trong những yếu tố góp phần làm giảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế. 
 
Nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, vận động, huấn luyện, tăng cường giám sát chặt chẽ việc tuân thủ vệ sinh tay khi cần thiết trong khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh. Tiếp tục thực hiện giám sát tuân thủ vệ sinh tay trong việc khám chữa bệnh tại bệnh viện; bổ sung những vị trí cần có bồn rửa tay và đảm bảo các phương tiện vệ sinh tay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và khách hàng khi cần vệ sinh tay.
 
AN NHIÊN