Xã Đà Loan bị ngập lụt nặng nề do mưa lũ

05:11, 19/11/2018

(LĐ online) - Do ảnh hưởng của bão số 8, từ đêm 17/11 đến đêm ngày 18/11/2018 nước lũ dâng cao gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn toàn xã Đà Loan (huyện Đức Trọng).

(LĐ online) - Do ảnh hưởng của bão số 8, từ đêm 17/11 đến đêm ngày 18/11/2018 nước lũ dâng cao gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn toàn xã Đà Loan (huyện Đức Trọng).
 
Diện tích hoa màu của người dân bị nhấn chìm trong nước
Diện tích hoa màu của người dân bị nhấn chìm trong nước
Cụ thể, từ đêm 17/11 đến ngày 18/11/2018 trên địa bàn xã Đà Loan xảy ra mưa to, đến đêm ngày 18/11 nước lũ dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng, bao gồm các khu vực: Dọc suối Đa Quyn, các nhánh suối lẻ, khu vực thôn Đà Thành, Đà Phước, Đà Lâm, Đà Giang, Đà Thuận, Đà An và một số khu vực khác.
 
Mưa lũ đã làm nhiều diện tích hoa màu, nhà ở, tài sản của người dân bị chìm trong biển nước và ảnh hưởng đến giao thông tại khu vực, gồm các thôn: Đà Thành, Đà An, Đà Phước, Đà Lâm, Đà Giang, Đà Thuận, Sóp... Nhiều tuyến đường giao thông bị ngập lụt, trong đó đoạn cầu Bà Bống trên tuyến DT729 bị ngập 1,5 m. Đến nay, tuy nước đang rút dần nhưng giao thông vẫn đang bị gián đoạn. Ngoài ra, 45 nhà dân (cấp 4) bị ngập, trong đó có nhiều nhà bị ngập sâu 1,5 m; trên 90 ha diện tích canh tác nông nghiệp bị ngập nước; 3,5 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi. Theo thống kê sơ bộ của xã, đã có 01 trâu, trên 200 con gia cầm bị trôi, chết; 48 giếng nước sinh hoạt bị ngập (có nguy cơ ô nhiễm). 
 
Gần 50 ngôi nhà của các hộ dân cũng chìm trong biển nước
Gần 50 ngôi nhà của các hộ dân cũng chìm trong biển nước
Sáng 19/11, khi chúng tôi có mặt tại đây, nhiều người dân vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị Nguyễn Thị Thảo Tuyền (Thôn 2, xã Đà Loan) cho hay: “Khoảng 4 giờ sáng nay, cả nhà tôi đang ngủ thì chợt tỉnh vì nước tràn vào nhà,  lúc đó phải huy động cả nhà dậy để dọn đồ lên cao, đến khoảng 6 giờ sáng thì nước dâng lên đến tận đầu gối”. Cô Nguyễn Thị Hồng (Thôn 2) cũng cho hay: “Nước lũ dâng cao làm ngập hết nhà, chuồng bò có 5 con, giờ chỉ hy vọng nước mau rút để ổn định cuộc sống”. Còn cô Nguyễn Thị Hoa (Dịch vụ nấu ăn Hoa) cho biết: “Tôi sinh sống và kinh doanh dịch vụ nấu ăn tại đây đã 24 năm, nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến tình trạng ngập lụt như vầy”. Cũng do ngập lụt, nước dâng cao nên một số em học sinh phải nghỉ học do Phân trường Đà An, cầu Bà Bống bị ngập.   
 
Trước thực trạng trên, ông Đặng Văn Tùng – Chủ tịch UBND xã Đà Loan cho biết,  UBND xã đã chỉ đạo lực lượng chức năng trực 24/24, nắm bắt thông tin liên tục, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, rà soát các phương án phòng chống mưa bảo theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp di dời các hộ dân khu vực ven suối và vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị đe dọa để di dời đến nơi an toàn, thông báo nhân dân tự bảo quản vật tư, giống cây trồng; đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa đối với các hồ chứa nước. 
 
Nước dâng ngập cầu Bà Bống, lực lượng chức năng phải dùng xuồng đưa người dân qua cầu
Nước dâng ngập cầu Bà Bống, lực lượng chức năng phải dùng xuồng đưa người dân qua cầu
Ngoài ra, lãnh đạo xã Đà Loan cũng đã chỉ đạo, phân công lực lượng, chủ động khơi thông dòng chảy, thoát nước, khắc phục hư hỏng nhà ở, đường giao thông, chủ động vệ sinh môi trường các khu dân cư bị ngập, trợ giúp làm vệ sinh nhà cửa sau khi nước rút. 
 
“Với phương châm "bốn tại chỗ", địa phương đã huy động lực lượng và vật tư, phương tiện tại chỗ để cứu người, cứu tài sản, vật nuôi cũng như bảo đảm an toàn các hồ đập, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ðồng thời, kịp thời bố trí sơ tán người ở những nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Tại các tuyến giao thông bị ngập hay bị ách tắc do "đứt" đường, địa phương cùng Ban nhân dân thôn và lực lượng công an, dân quân tự vệ đang tổ chức lập barie, chốt chặn hai đầu, ngăn không cho người qua lại…” - ông Đặng Văn Tùng cho biết thêm.
 
Thy Vũ