Ươm mầm non nơi vùng sâu

09:11, 09/11/2018

Yêu nghề, mến trẻ, nỗ lực trong công tác, nhiệt tình trong phong trào... là những cụm từ Ban giám hiệu, đồng nghiệp cũng như phụ huynh nhận xét về cô giáo Cil Múp Brỡn - giáo viên Trường Mầm non Ðưng K'Nớ, huyện Lạc Dương.

Yêu nghề, mến trẻ, nỗ lực trong công tác, nhiệt tình trong phong trào... là những cụm từ Ban giám hiệu, đồng nghiệp cũng như phụ huynh nhận xét về cô giáo Cil Múp Brỡn - giáo viên Trường Mầm non Ðưng K’Nớ, huyện Lạc Dương.
 
Cô Brỡn luôn đem hết tâm huyết để dạy dỗ, chăm sóc trẻ. Ảnh: V.Hùng
Cô Brỡn luôn đem hết tâm huyết để dạy dỗ, chăm sóc trẻ. Ảnh: V.Hùng

Không phải tự nhiên mà cô giáo Cil Múp Brỡn được mọi người dành nhiều tình cảm như vậy. Đối với những đứa trẻ tận xã vùng sâu, vùng khó khăn nhất của huyện Lạc Dương này, cô Brỡn thực sự như mẹ hiền ở trường. Hơn 7 năm công tác ở mảnh đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn Đưng K’Nớ, hơn ai hết, cô Brỡn hiểu rõ những thiệt thòi của trẻ em nơi đây: cơm ăn, áo mặc còn chưa đủ nói gì đến chuyện được chăm sóc đủ đầy, được đến trường học cái chữ… Bản thân cô ngày nhỏ cũng vậy, hết theo cha mẹ lên nương làm rẫy lại vào rừng đốn củi đốt than. Nhưng Brỡn lại quyết tâm theo đuổi “con chữ” để trở thành một giáo viên mầm non góp phần chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ trong buôn làng. Sau khi học xong chuyên ngành Mầm non, cô được phân công về công tác ở phân trường xa nhất của Trường Mầm non Đưng K’Nớ. “Đó cũng là niềm vui, là ước mơ đã thành hiện thực với mong muốn “ươm” thêm những “mầm non” trên vùng đất còn nhiều khó khăn này”, cô Brỡn chia sẻ. 
 
Ðể trẻ thích đến trường, trong lớp cô luôn thay đổi hình thức các hoạt động, luôn tạo cái mới cho trẻ thích thú và chăm đến lớp. Bên cạnh các hoạt động học, cô tìm tòi, chịu khó để tạo ra môi trường phong phú theo từng chủ đề giúp trẻ dễ dàng trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ xung quanh. 
Trong công tác giảng dạy, cô luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và kiến thức đã được học tập để chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Không quản ngại khó khăn, vất vả, cô băng rừng vượt suối tìm đến từng nhà để vận động trẻ ra lớp. Để trẻ thích đến trường, trong lớp cô luôn thay đổi hình thức các hoạt động, luôn tạo cái mới cho trẻ thích thú và chăm đến lớp. Bên cạnh các hoạt động học, cô tìm tòi, chịu khó để tạo ra môi trường phong phú theo từng chủ đề giúp trẻ dễ dàng trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ xung quanh. Để trẻ được sống trong môi trường mầm non thân thiện, thích đến lớp, cô không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào giảng dạy thực tế tại lớp học của mình. Tuy là một trường vùng sâu vùng xa, nhưng trẻ Trường Mầm non Đưng K’Nớ đã được cô dạy và rèn luyện tốt những kỹ năng, kiến thức chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một.
 
“Với những nỗ lực trong việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ, lớp do cô Brỡn chủ nhiệm luôn duy trì sĩ số trẻ từ đầu năm học đến cuối năm học đạt 100%, tỷ lệ trẻ tăng cân đều hàng quý. Tất cả các cháu đến lớp đều thích tham gia các hoạt động, phát huy được tính tích cực, năng động và sáng tạo trong quá trình chơi và học. Lớp học do cô Brỡn chủ nhiệm nhiều năm liền được chọn làm lớp điểm của trường, là lớp học thân thiện, học sinh tích cực. Đồng thời, là một giáo viên trẻ, cô xây dựng tổ chức tốt các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và đạt kết quả cao”, cô Nguyễn Thị Nông - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đưng K’Nớ nhận xét.
 
Ngoài công việc giảng dạy, chăm sóc trẻ tại lớp của mình, với vai trò Chủ tịch công đoàn, cô Brỡn vận động đoàn viên thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do trường, ngành phát động. Cô cũng là “đầu tàu” tham gia vào các hội thi, hội thảo và luôn đạt các giải cao. Cô tham gia thi “Gia đình và sức khỏe trẻ thơ” cấp huyện và đại diện cho huyện tham dự hội thi “Gia đình và sức khỏe trẻ thơ” cấp tỉnh, tham gia thi giáo viên tài năng duyên dáng, thi nghiệp vụ sư phạm trẻ... Với sự cần mẫn, chăm chỉ chịu khó học hỏi trong công việc nên cô đã đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục của bản thân như đạt “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, danh hiệu “Giáo viên giỏi cấp huyện” nhiều năm liền. Cô cũng là “hạt nhân” trong phong trào văn nghệ, cô còn hướng dẫn, bồi dưỡng trẻ trong trường tham gia các chương trình văn nghệ nhân các ngày lễ hội của trường, các hội thi của trẻ do các cấp tổ chức. 
 
Đối với cô giáo mầm non vùng sâu Đưng K’Nớ - Cil Múp Brỡn: “Mong muốn tất cả trẻ em độ tuổi mầm non trong buôn làng đều được đến trường, được dạy dỗ, chăm sóc đầy đủ để phát triển toàn diện”. Ngày ngày, trên con đường đến trường quen thuộc, niềm tin về một ngày mai tươi sáng của trẻ vùng sâu vẫn mãi cháy trong cô.
 
VIỆT HÙNG