Thứ 6, 18/04/2025, 12:26

Ðào tạo nghề theo tiêu chuẩn Vương quốc Anh

08:12, 10/12/2018

Là một trong 4 trường cao đẳng trên cả nước được lựa chọn tham gia thí điểm đánh giá theo tiêu chuẩn của Vương quốc Anh, Trường Cao đẳng Nghề Ðà Lạt đang nỗ lực cải tiến chất lượng giáo dục nghề nghiệp để trở thành trường chất lượng cao.

Là một trong 4 trường cao đẳng trên cả nước được lựa chọn tham gia thí điểm đánh giá theo tiêu chuẩn của Vương quốc Anh, Trường Cao đẳng Nghề Ðà Lạt đang nỗ lực cải tiến chất lượng giáo dục nghề nghiệp để trở thành trường chất lượng cao.
 
Chương trình đào tạo nghề Công nghệ ô tô được chọn làm điểm khi tham gia thí điểm đánh giá theo tiêu chuẩn Vương quốc Anh. Ảnh: T.Hương
Chương trình đào tạo nghề Công nghệ ô tô được chọn làm điểm khi tham gia thí điểm đánh giá theo tiêu chuẩn Vương quốc Anh. Ảnh: T.Hương

Việc làm là thước đo chất lượng
 
Theo số liệu khảo sát của Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên nhà trường tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%. Từ năm học 2017 - 2018, trường tổ chức đào tạo theo phương pháp tích lũy tín chỉ, rút ngắn thời gian học tập và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên (HSSV) sớm tham gia thị trường lao động. Công tác đào tạo luôn phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp từ khi HSSV nhập học đến khi tốt nghiệp theo quy trình: Góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo; Tham gia vào quá trình đào tạo; Cộng tác trong việc đào tạo kỹ năng tay nghề, thực tập giai đoạn, thực tập tốt nghiệp cho HSSV; Tuyển dụng HSSV vào làm việc sau khi tốt nghiệp. 
 
Lý giải điều này, ông Trương Duy Việt - Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt cho hay, yếu tố việc làm cho HSSV sau khi ra trường được nhà trường chú trọng theo hướng: quan hệ doanh nghiệp - giới thiệu việc làm - chất lượng HSSV; trong đó, lấy mục tiêu cuối để thúc đẩy những mục tiêu đầu. Nhà trường luôn xác định: lấy việc làm của HSSV là thước đo đánh giá chất lượng đào tạo. Để làm được điều này, Cao đẳng Nghề Đà Lạt thường xuyên tổ chức tư vấn nghề nghiệp - ngày hội việc làm cho HSSV bằng cách kết nối với các doanh nghiệp, kết nối với cựu HSSV nhà trường. Đặc biệt, trường mời doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo và ký hợp đồng để doanh nghiệp đào tạo HSSV. Thông qua đó, dựa theo đánh giá, phản hồi của doanh nghiệp để cải tiến chất lượng cũng như phương thức đào tạo. Chính điều này là “mắt xích” quan trọng kết nối nhà trường - doanh nghiệp - sinh viên, giúp HSSV dễ tìm được việc làm sau khi ra trường; kể cả đã có những thỏa thuận việc làm khi HSSV chưa tốt nghiệp.
 
Cũng theo ông Việt, để nâng cao tay nghề và tạo điều kiện cho HSSV trải nghiệm thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội, nhà trường đã thay đổi tỷ lệ đào tạo lý thuyết - thực hành 30:70 bằng 30:40:30. Nếu trước đây, HSSV học lý thuyết 30%, thực hành 70% tại trường thì tỷ lệ thực hành nay được chia theo 40% tại trường và 30% tại doanh nghiệp. Chính điểm cải tiến này đã giúp nhiều HSSV tiếp cận với thực tế sản xuất và cũng từ đó, dễ tìm được việc làm ngay tại doanh nghiệp thực tập. “Em học nghề Công nghệ ô tô vì yêu thích cơ khí và thấy đây là nghề đang phổ biến hiện nay. Mỗi năm nhà trường đưa đi thực tập nhiều đợt tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất giúp em tiếp xúc trực tiếp trên máy cũng như học hỏi kinh nghiệm thực tế. Em đã được một công ty cơ khí mời về làm việc sau khi ra trường”, Vũ Ngọc Công - sinh viên năm 3 lớp Công nghệ ô tô, Khoa Cơ khí động lực chia sẻ. 
 
Không những vậy, nhà trường tăng cường tổ chức đào tạo các lớp ngắn hạn, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, liên kết đào tạo với một số trường cao đẳng, đại học trong cả nước nhằm đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Giảng viên tham gia giảng dạy tại các khoa chuyên môn thường xuyên nâng cao tay nghề tại doanh nghiệp.
 
Cải tiến chất lượng tổng thể
 
Nội dung thí điểm đánh giá trường cao đẳng theo tiêu chuẩn của Vương quốc Anh trong Dự án EU VET Toolbox năm 2018 do Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Đức tài trợ. Chương trình EU VET Toolbox thực hiện bởi 4 tổ chức của EU là Hợp tác kỹ thuật Bỉ, Hội đồng Anh, GIZ và LuxDev của Luxembourg. Đây là một chương trình mới nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các nước đối tác của EU. Dự án triển khai từ cuối năm 2017 đến tháng 9/2022. Mục tiêu của dự án nhằm xác định mức độ các trường được đánh giá hiện nay đáp ứng như thế nào theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó giúp trường xây dựng kế hoạch phát triển để trở thành trường chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả đánh giá cũng giúp các cơ quan quản lý đề ra các giải pháp để đạt mục tiêu về trường chất lượng cao tiếp cận trình độ quốc tế và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói chung để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
 
Các trường thực hiện thí điểm đánh giá theo tiêu chuẩn của Vương quốc Anh phải cải tiến chất lượng tổng thể, đặc biệt coi trọng cải thiện công nghệ quản lý. Trong đó, thông qua đánh giá chất lượng đứng lớp của giảng viên để tạo cho người học những dịch vụ tốt nhất theo phương châm “Lấy người học làm trung tâm” hay “Tôn trọng cơ hội học tập ngang nhau của tất cả người học”. 
 
Khi tham gia thí điểm đánh giá theo tiêu chuẩn Vương quốc Anh, các trường cao đẳng, trường nghề ở Anh sẽ cử chuyên gia sang hỗ trợ kinh nghiệm cho giảng viên; đồng thời, giảng viên được tham gia học tập kinh nghiệm tại Anh. Những nội dung được hỗ trợ gồm: xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, cải tiến nghiệp vụ quản lý và nghiệp vụ sư phạm theo chu trình quản lý tổng thể.
 
“Một trong những thuận lợi của Cao đẳng Nghề Đà Lạt trước khi tham gia thí điểm là trường được ưu tiên đầu tư tập trung trở thành trường chất lượng cao. Nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm quốc tế, các phương pháp giảng dạy tiên tiến cho đội ngũ giảng viên bằng cách mời chuyên gia quốc tế sang tập huấn, trao đổi kinh nghiệm. Đến nay, hều hết giảng viên nhà trường đã được đào tạo nghiệp vụ theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Việt cho biết thêm. 
 
TUẤN HƯƠNG