Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới năm 2019, thời điểm đúng 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Cùng cả nước, Lâm Đồng vẫn luôn duy trì và xác định, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" phải là hoạt động thường xuyên, tạo động lực phát triển nền kinh tế bền vững.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới năm 2019, thời điểm đúng 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Cùng cả nước, Lâm Đồng vẫn luôn duy trì và xác định, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" phải là hoạt động thường xuyên, tạo động lực phát triển nền kinh tế bền vững.
|
Thương hiệu hồng ăn trái Đà Lạt. Ảnh: D.Q |
Tỷ lệ sử dụng hàng Việt cao
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa dẫn đầu đoàn kiểm tra làm việc tại Lâm Đồng đánh giá, qua khảo sát thị trường Lâm Đồng, ông nhận thấy cư dân địa phương sử dụng hàng Việt là chính. Đặc biệt, với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, cư dân sử dụng hàng Việt tới trên 90%. Đây là một con số đáng mừng chứng tỏ người tiêu dùng đã quan tâm, tin cậy và sử dụng các mặt hàng sản xuất trong nước. Đồng thời, con số này cũng chứng minh nhà sản xuất đã đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm.
Vừa qua, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Lâm Đồng tổ chức báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh năm 2017, 2018. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; ông Nguyễn Trọng Ánh Đông, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Lâm Đồng; ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tham gia hội nghị với sự có mặt của đầy đủ thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Lâm Đồng.
Trong hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải và thành viên đoàn kiểm tra đã nêu những kết quả Lâm Đồng đã thực hiện được trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời chia sẻ nhiều thông tin mới như phát triển thương mại điện tử, chống hàng giả và gian lận thương mại, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp... Ông Đỗ Thắng Hải đánh giá Lâm Đồng đã rất tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho biết, Lâm Đồng luôn coi việc thực hiện Cuộc vận động là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài, đồng hành cùng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong xây dựng nền sản xuất bền vững.
|
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Lâm Đồng tiến hành thường xuyên với mục tiêu xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng Việt, đưa tới người tiêu dùng những sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng. Song song với việc xây dựng thương hiệu, phân phối hàng hóa tới tay người tiêu dùng là hoạt động đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn với người tiêu dùng.
Lâm Đồng đã tổ chức chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại 12 huyện, thành phố với 22 đợt bán hàng Việt về nông thôn, mỗi đợt bán hàng thu hút 20-40 doanh nghiệp và hàng chục ngàn người đến tham quan, mua sắm, doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Lâm Đồng xây dựng điểm bán hàng Việt tại thành phố Đà Lạt song song với việc hỗ trợ các doanh nghiệp như Saigon Co.op tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn. Đây là mô hình được ông Đỗ Thắng Hải đánh giá rất cao và đề nghị Lâm Đồng làm báo cáo điển hình để nhân rộng tới các tỉnh, thành trong cả nước.
Xây dựng kênh sản xuất - tiêu thụ liên kết chặt chẽ
Không chỉ dừng lại ở hoạt động kêu gọi lòng tự hào dân tộc, sử dụng hàng hóa nội địa, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, chúng ta phải xây dựng được một nền sản xuất bền vững, làm ra hàng hóa đạt chất lượng phục vụ người tiêu dùng, đó mới là cách vận động nhân dân ủng hộ hàng Việt lâu dài.
Với riêng Lâm Đồng, sự hỗ trợ của Nhà nước, sự cố gắng của doanh nghiệp đầu mối và nông dân đã giúp địa phương xây dựng được nhiều hàng hóa tốt mang thương hiệu Đà Lạt, Lâm Đồng, không chỉ cung cấp nội địa mà còn tham gia xuất khẩu. Lâm Đồng xây dựng được 24 thương hiệu trong đó 21 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền gồm 13 nhãn hiệu chứng nhận, 8 nhãn hiệu tập thể. Thông qua cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, UBND tỉnh đã công nhận và cấp Giấy chứng nhận cho 27 sản phẩm. Thông qua các hoạt động hỗ trợ cũng như xúc tiến thương mại, thương hiệu các sản phẩm Đà Lạt - Lâm Đồng được phổ biến rộng rãi, xuất hiện trong hệ thống phân phối hiện đại trên toàn quốc đồng thời tham gia xuất khẩu. Nổi bật có các mặt hàng rau, hoa, dệt may, cà phê nhân, chè…
Trong nhiều hệ thống siêu thị hiện đại, rau Đà Lạt chiếm tới 52% tổng lượng rau củ cung cấp.
Quan trọng hơn, ông Đỗ Thắng Hải đánh giá, Lâm Đồng đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rất chặt chẽ. Việc sản xuất theo chuỗi liên kết giúp chất lượng sản phẩm được đảm bảo và thu nhập cho người nông dân ổn định cũng như tránh được tối đa cảnh “được mùa mất giá”. Ông Đỗ Thắng Hải đánh giá các chuỗi liên kết sản xuất của Lâm Đồng rất hiệu quả, là mô hình cần được nhân rộng.
Vận động nhân dân ủng hộ hàng Việt song song với xây dựng chuỗi sản xuất hợp lý, làm ra hàng hóa đạt chất lượng, phù hợp với người tiêu dùng là con đường bền vững để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trở thành hoạt động gần gũi, góp phần xây dựng thị trường hàng hóa lành mạnh, vươn lên cạnh tranh với khu vực và thế giới.
DIỆP QUỲNH