Năm 2018, bác sĩ Liêng Jrang Marisell - Trưởng trạm Y tế xã Ðạ Sar - huyện Lạc Dương là một trong 66 cán bộ y tế tuyến cơ sở trong toàn quốc tham dự hội nghị của Bộ Y tế biểu dương cô đỡ thôn bản tiêu biểu, đại diện cho gần 3.000 cô đỡ thôn bản từ các vùng miền khác nhau của cả nước, đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Năm 2018, bác sĩ Liêng Jrang Marisell - Trưởng trạm Y tế (TYT) xã Ðạ Sar - huyện Lạc Dương là một trong 66 cán bộ y tế tuyến cơ sở trong toàn quốc tham dự hội nghị của Bộ Y tế biểu dương cô đỡ thôn bản tiêu biểu, đại diện cho gần 3.000 cô đỡ thôn bản từ các vùng miền khác nhau của cả nước, đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Từ cô đỡ thôn bản
|
Bác sĩ Marisell tại TYT xã Đạ Sar. Ảnh: A.Nhiên |
Kể từ khi những cô đỡ thôn bản đầu tiên được đào tạo cách đây 25 năm, đến nay mô hình này đã được nhân rộng trên nhiều tỉnh. Liên minh Châu Âu (EU) là nhà tài trợ ODA lớn nhất và là đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Trong 20 năm qua, EU hỗ trợ Bộ Y tế trong nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, trong đó, hoạt động cô đỡ thôn bản là một trong những hợp tác quan trọng này. Cô đỡ thôn bản là những người DTTS được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương. Họ được đào tạo về y tế trong 6 tháng để có thể cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ mang thai tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Do cùng sống trong cộng đồng bản địa, hiểu phong tục tập quán, có cùng ngôn ngữ, cô đỡ thôn bản đã dễ dàng tiếp cận để tuyên truyền và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản, buôn làng.
Liêng Jrang Marisell sinh năm 1971, tại xã Đạ Sar - Lạc Dương, năm nay là tròn 20 năm Marisell theo nghề y. Từ tháng 3/1998 đến tháng 5/2000, chị công tác tại TYT xã Đạ Sar; rồi được chuyển sang công tác tại TYT xã Đạ Nhim 6 năm. Tháng 9/2006, chị học Đại học Y khoa tại Trường Đại học Tây Nguyên. Tốt nghiệp BS đa khoa, Marisell trở về công tác tại TYT xã Đạ Chais từ tháng 8/2010 đến tháng 3/2011. Từ 8/3/2011 đến nay, Marisell công tác tại TYT xã Đạ Sar.
Ðến bác sĩ trưởng trạm y tế
Hiện Marisell là Trưởng TYT xã Đạ Sar phụ trách quản lý, điều hành TYT hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, khám chữa bệnh, khám lập hồ sơ quản lý sức khỏe hộ gia đình. Chị chia sẻ: “Tôi luôn ý thức rằng sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình, yêu nghề, tôi không quản ngại khó khăn để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ngày càng tốt hơn”.
Với kinh nghiệm công tác ở tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là trải nghiệm thực tế liên tục thường xuyên ở 3 xã Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais của huyện Lạc Dương, Marisell có nhiều đóng góp tích cực trong việc xây dựng mạng lưới y tế cơ sở ổn định, phát triển. Từ 2012 đến nay, BS Marisell đã nhận được nhiều giấy khen của xã Đạ Sar, UBND huyện Lạc Dương và Sở Y tế về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 03 về Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xuất sắc trong phong trào thi đua nâng cao y đức, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...
Việc đi học để nâng cao trình độ chuyên môn từ nữ hộ sinh sơ học lên bác sĩ đa khoa đối với chị Marisell không dễ dàng gì. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn muôn vàn khó khăn: Mẹ bị ung thư tuyến lệ, chồng đi học tại TP HCM, con còn nhỏ nhưng với lương tâm, trách nhiệm và lòng yêu nghề của bản thân cũng như được sự quan tâm của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương, Sở Y tế Lâm Đồng nên Marisell đã quyết tâm vượt khó học y sĩ đa khoa và sau đó là học bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Tây Nguyên và tốt nghiệp bác sĩ vào tháng 10/2010.
Sau khi tốt nghiệp, chị trở về nhận công tác tại TYT xã Đạ Chais, đến tháng 3/2013 do yêu cầu công tác cũng như để tạo điều kiện chăm sóc cho gia đình, chị được chuyển về công tác tại TYT xã Đạ Sar cho đến nay với cương vị là trưởng TYT.
Điểm đặc biệt của TYT xã Đạ Sar là triển khai nhiệm vụ lập hồ sơ khám quản lý sức khỏe cho toàn dân trong xã theo đề án thí điểm của tỉnh mà Đạ Sar đã được chọn là 1 trong 3 xã trên toàn tỉnh Lâm Đồng thực hiện đề án này. Với đặc điểm của xã gồm có 6 thôn với tổng số hộ là 1.220 hộ/ 5.053 nhân khẩu, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ là 90,4 %, chủ yếu sống bằng nghề nông, trình độ dân trí không đồng đều, địa bàn rộng, không tập trung, nên việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao để đạt kế hoạch đề ra là một nhiệm vụ rất khó khăn. Với nhân lực hiện có của trạm là 5 người, trong đó: 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 nữ hộ sinh trung học, 1 điều dưỡng trung học, 1 dược sĩ trung học; ngoài ra, có 1 chuyên trách dân số và 6 y tế thôn bản, 11 cộng tác viên dân số. Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm chị đã xây dựng kế hoạch hoạt động tổng thể; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; bám sát nội dung cần triển khai cũng như xuống địa bàn từng thôn để nắm tình hình và triển khai nhiệm vụ chuyên môn.
Nhiều năm liền, tại địa bàn xã không để dịch xảy ra, triển khai hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cán bộ TYT có khả năng chuyên môn để thực hiện thường xuyên được khoảng 342/485 các dịch vụ kỹ thuật trong khám chữa bệnh, thực hiện sơ cứu, cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế được phép thực hiện tại tuyến xã đạt 70,5%. Hàng năm, trạm đã khám khoảng 10.000 lượt bệnh nhân. Tổ chức thực hiện Đề án thí điểm khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân được triển khai tại xã Đạ Sar. Kết quả lập phiếu điều tra toàn dân là 5.051/5.053 người, đạt 99,96%. Tổng số khám và thực hiện cận lâm sàng 4.982/5.051 trường hợp, đạt 98,63%. Nhập phần mềm của Tập đoàn Viettel cung cấp, cập nhật phần mềm quản lý sức khỏe. Kinh phí huyện đầu tư hơn 55 triệu đồng và tỉnh chi phí xét nghiệm hơn 347 triệu đồng để thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân trong xã.
Xã Đạ Sar đã được công nhận xã nông thôn mới, TYT đủ điều kiện duy trì Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã; duy trì xã tiên tiến về y học cổ truyền. Với những kết quả trên, BS Marisell đã được Sở Y tế chọn là cá nhân và TYT xã là tập thể tiêu biểu được Bộ Y tế tặng bằng khen.
BS Marisell cho biết: “Tôi rất vinh dự được công tác trong ngành y tế, một nghề rất cao quý, tự hào nhưng cũng là một nghề rất vất vả, đầy chông gai và thử thách, đòi hỏi thời gian học rất dài, phải nghiêm khắc, phải chính xác. Bản thân tôi công tác trong ngành y tế từ tháng 3/1998 với chuyên môn là một nữ hộ sinh sơ học, nên khi thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân. Vì vậy, tôi xác định phải đi học để nâng cao trình độ, có như vậy mới phục vụ nhân dân tốt hơn”. |
AN NHIÊN