Ðó là những lớp học tại Trường Khiếm thính tỉnh, nơi mà thầy cô không giảng bài bằng lời nói, và không có tiếng ê a đọc bài của học sinh. Thay vào đó, bài học được các thầy, các cô truyền đạt bằng ngôn ngữ ký hiệu. Và kiến thức nằm trên chuyển động của những ngón tay.
Ðó là những lớp học tại Trường Khiếm thính tỉnh, nơi mà thầy cô không giảng bài bằng lời nói, và không có tiếng ê a đọc bài của học sinh. Thay vào đó, bài học được các thầy, các cô truyền đạt bằng ngôn ngữ ký hiệu. Và kiến thức nằm trên chuyển động của những ngón tay.
|
Cô Nguyễn Thị Thùy Hương giảng bài bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: V.Quỳnh |
Ở Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng có 3 giáo viên đặc biệt, bởi họ cũng là những người khiếm thính như các em học sinh. Sự giống nhau giúp các thầy cô đồng cảm hơn, thấu hiểu hơn và gần gũi hơn với trò. Họ đều có những lý do riêng để lựa chọn nghề dạy học, và lựa chọn gắn bó với học sinh khiếm thính Lâm Đồng.
Chúng tôi gặp cô Nguyễn Trần Thủy Tiên lần đầu tiên không phải tại trường khiếm thính, mà là trong một dự án dành cho người khiếm thính. Cô gái 34 tuổi tự tin và bản lĩnh, dù chỉ nói chuyện được bằng bàn tay. Tiên bảo rằng, may mắn của cô là được tiếp cận với ngôn ngữ ký hiệu từ khi còn rất nhỏ. Bởi “Hồi nhỏ, ở trường cũng chỉ dạy chúng tôi nói chứ không dạy ngôn ngữ ký hiệu, điều này khiến nhiều học sinh gặp khó khăn. May mắn của tôi là được bố mẹ mua từ điển ngôn ngữ ký hiệu rồi tự dạy cho con. Chính vì vậy tôi hiểu được tầm quan trọng của ngôn ngữ ký hiệu và cảm giác bây giờ của các em học sinh” - cô Tiên chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm tiểu học, cô Thủy Tiên tiếp tục giành học bổng học thạc sĩ ở Mỹ. Khi về nước, Thủy Tiên tham gia vào các dự án phi chính phủ giúp đỡ, hỗ trợ cho cộng đồng người điếc. Trong những lần đến với học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng, Tiên nhận thấy rằng trẻ khiếm thính Lâm Đồng thiệt thòi hơn rất nhiều so với các em ở TP Hồ Chí Minh - nơi cô sinh sống, một trong số đó là trong trường chỉ mới có 1 giáo viên là người khiếm thính. Đó chính là lý do thôi thúc cô gái trẻ quyết định ở lại Đà Lạt, và đây đã là năm thứ 2 cô gắn bó với trẻ em khiếm thính nơi đây.
Còn với thầy Võ Duy Quang (30 tuổi), 5 năm gắn bó với học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng không phải là thời gian dài, nhưng đủ để mang cho thầy bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ. Thầy Quang có một mối liên hệ đặc biệt với trường, không chỉ vì thầy là học sinh cũ của trường, mà còn vì câu chuyện về hành trình dài của nghị lực và khát vọng vươn lên của thầy đã truyền cảm hứng và động lực cho rất nhiều học sinh. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Đồng Nai (chuyên ngành Cao đẳng Sư phạm tiểu học, Khoa Giáo dục đặc biệt), bằng cả nhiệt huyết và sự thông hiểu của mình, thầy đã tiếp thêm nghị lực để các học trò khiếm thính Lâm Đồng thêm tự tin, dám ước mơ và thực hiện mơ ước.
Hầu như giáo viên nào ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng cũng công nhận rằng, từ khi thầy Quang về trường, học sinh có nhiều thay đổi, tiến bộ hơn. Là giáo viên khiếm thính đầu tiên trong trường, thầy Quang có một mối liên hệ đặc biệt với các em học sinh, bởi đồng cảm nên nhiều yêu thương. Và bởi hiểu được tấm lòng của người thầy nên học sinh cũng rất hay tâm sự những chuyện mà trước đó, các em không thể nói được với ai. Ngoài công việc chuyên môn là giảng dạy, thầy Quang còn phụ trách thêm nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh trong trường. Theo thầy Quang: “Giáo viên khiếm thính rất đồng cảm với học sinh của mình nên dễ truyền đạt cảm xúc, suy nghĩ và kiến thức, đồng thời cũng dễ nắm được tâm tư, tình cảm của các em. Nghĩa là 2 bên hiểu nhau dễ dàng hơn”.
Khuôn mặt thật hiền, và tà áo dài thướt tha, dịu dàng là hình ảnh đầu tiên khi chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Thùy Hương (29 tuổi). Năm thứ 2 sống tại Đà Lạt và giảng dạy tại trường khiếm thính, cô Hương đã dần quen với khí hậu, với con người và tình cảm của các em học sinh nơi đây. Cô bảo rằng, mình có cảm tình nhất định với ngôi trường này, có lẽ bởi chồng cô - một kiến trúc sư đã cho cô đủ động lực rời quê hương Đồng Nai lên Đà Lạt sinh sống - từng là một học sinh cũ của trường. Với cô Hương, ngoài việc giảng dạy ngày thường, vào tối thứ tư hàng tuần, cô còn dạy thêm buổi học phụ đạo và các em học sinh vẫn theo học nhiệt tình, đầy đủ. Điều đó khiến cô vui và cảm động.
Học sinh kể và tâm sự với cô Thùy Hương về nhiều thứ. Và cô cũng kể cho các em nghe câu chuyện của chính mình, rằng hồi nhỏ, nhà cô cách rất xa trường học. Cô theo học trong nhà dòng, gia đình không ai biết ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính nên cô không có ai giúp đỡ, một mình cô cố gắng tự học để vươn lên và trở thành giáo viên của các em như bây giờ. Những đôi mắt học sinh chăm chú theo dõi câu chuyện được kể bằng tay, và sáng ngời với niềm tin rằng mình cũng sẽ có thể biến giấc mơ thành hiện thực.
3 giáo viên khiếm thính cũng chính là những người dạy ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh, phụ huynh và giáo viên trong trường khiếm thính. Và học sinh tự quy định ký hiệu riêng cho tên thầy cô, dựa vào những đặc trưng dễ nhận biết của mỗi người. Gần gũi và thân thiết. Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ rằng: “3 thầy cô thật sự là 3 tấm gương sáng cho học sinh trong trường noi theo. Từ khi có các thầy cô và chuyển đổi sang dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu, học sinh rất hồ hởi vì được thể hiện những suy nghĩ của mình. Giáo viên trong trường khi đã học được ngôn ngữ ký hiệu thì sẽ áp dụng vào bài giảng và hiệu quả hơn so với cách dạy thông thường. Việc giảng dạy của giáo viên cũng trở nên dễ dàng hơn”.
VIỆT QUỲNH