Thứ 3, 15/04/2025, 20:53

Nữ giới tạo ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng

08:12, 10/12/2018

"Ai cũng có thể có tố chất và khả năng làm lãnh đạo, bất kỳ là nam giới hay nữ giới" - chỉ cần đam mê và nỗ lực - Ðó là thông điệp mà Cuộc thi "Women can lead - Tại sao không?" do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Báo Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức, vừa diễn ra tại Trường Ðại học Ðà Lạt, muốn truyền tải đến đông đảo học sinh, sinh viên và toàn xã hội.
 

“Ai cũng có thể có tố chất và khả năng làm lãnh đạo, bất kỳ là nam giới hay nữ giới” - chỉ cần đam mê và nỗ lực - Ðó là thông điệp mà Cuộc thi “Women can lead - Tại sao không?” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Báo Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức, vừa diễn ra tại Trường Ðại học (ÐH) Ðà Lạt, muốn truyền tải đến đông đảo học sinh, sinh viên (HSSV) và toàn xã hội.
 
Sinh viên Trường ĐH Đà Lạt được truyền cảm hứng với triển lãm ảnh “Nữ giới có thể làm được”. Ảnh: V.Quỳnh
Sinh viên Trường ĐH Đà Lạt được truyền cảm hứng với triển lãm ảnh “Nữ giới có thể làm được”. Ảnh: V.Quỳnh

Chung tay xóa bỏ định kiến giới
 
“Women can lead - Tại sao không?” là giai đoạn 2 của chiến dịch “Bình thường hay bất thường - Howabnormal” đã được UNDP và Báo Sinh viên Việt Nam tổ chức thành công trong năm 2016, với chuỗi chương trình “Ngày hội chung tay xóa bỏ định kiến giới” tại 13 cụm trường ĐH có đông SV trên toàn quốc.
 
Giai đoạn 1 của chương trình đã thu hút 30.000 SV và 52 nhà làm phim trẻ tham gia, từ đó đã có 17.000 người, trong đó chủ yếu là thanh niên cam kết xóa bỏ định kiến giới. Mục đích chính của chuỗi chương trình là không để những định kiến về giới, đặc biệt là nạn phân biệt đối xử nam nữ, cản trở sự phát triển của bất cứ ai trong xã hội.
 
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng ban Thư ký Tòa soạn Báo Sinh viên Việt Nam cho biết: Cuộc thi nhằm khuyến khích thanh niên, SV các trường tìm kiếm, phát hiện nhân vật, xây dựng các sản phẩm truyền thông nêu cao sự chủ động trong công việc, khả năng tạo ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, quyền theo đuổi đam mê, phát huy thế mạnh của nữ giới, sự bình đẳng trong trách nhiệm và công việc gia đình...
 
Phát biểu tại vòng Chung kết Khu vực Tây Nguyên của cuộc thi, bà Nguyễn Việt Lan - Cán bộ truyền thông của UNDP đã chia sẻ những cảm nghĩ về vai trò của phụ nữ trong thời đại ngày nay: “Một khi chúng ta đã quyết tâm và đam mê thì bất kể nam giới hay nữ giới đều có thể thực hiện được những điều mà họ mong muốn”. Bà cũng gửi gắm lời khuyên đến các SV Trường ĐH Đà Lạt: “Tất cả những người đang ngồi ở đây đều còn rất trẻ, đều đang ở độ “tuổi vàng” của cuộc đời, các bạn không được để cho bất kỳ một rào cản nào cản trở những ước mơ và đam mê của mình. Hãy sống, đam mê và làm việc hết mình. Đến một ngày, chúng ta nhất định sẽ thành công”.
 
Truyền cảm hứng lãnh đạo cho nữ giới
 
Tại vòng Chung kết Khu vực Tây Nguyên Cuộc thi “Women can lead - Tại sao không?”, 5 đội thi là HSSV, thanh niên đến từ các đơn vị: Thành Đoàn Bảo Lộc, Trường ĐH Đà Lạt, Trường THPT Chuyên Thăng Long và Trường THPT Herman Gmeiner Đà Lạt đã mang đến các sản phẩm truyền thông với các nhân vật phong phú, đa dạng độ tuổi và ngành nghề. Nếu như đội thi 1 của Trường ĐH Đà Lạt giới thiệu về gương một nữ cán bộ Đoàn năng động thì đơn vị Thành Đoàn Bảo Lộc lại giới thiệu về tấm gương của một người phụ nữ tâm huyết với công tác từ thiện suốt bao năm qua.
 
Điểm đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên là ngoài SV các trường cao đẳng, ĐH, còn có sự tham gia của các em học sinh đến từ các trường THPT tại TP Đà Lạt - Đây là điều chưa khu vực nào có được. Điểm chung của Trường THPT Chuyên Thăng Long và Trường THPT Herman Gmeiner là đều đưa ra clip trong chương trình Shark Tank - Thương vụ Bạc tỷ để truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các bạn trẻ.
 
Nếu Trường THPT Chuyên Thăng Long mang đến clip về Shark Thái Vân Linh - người phụ nữ duy nhất trong 4 “ghế nóng” của chương trình để truyền đi thông điệp: Hình ảnh Shark Linh cũng như những nữ doanh nhân thành công khác trên thương trường đã là một sự khẳng định rằng phụ nữ có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo. Công việc của phụ nữ hiện đại không chỉ là ở nhà, nấu cơm, giặt giũ, mà họ còn có quyền và có khả năng làm những điều lớn lao hơn thế rất nhiều. Trong khi đó, Trường THPT Herman Gmeiner lại tổng hợp một vài trường hợp nữ starup đã gọi vốn thành công trong chương trình để khẳng định: Trong khi “làn sóng” khởi nghiệp đang mạnh mẽ như hiện nay, không chỉ có nam giới mà nữ giới cũng có thể khởi nghiệp, thậm chí là làm tốt hơn nam giới.
 
Giải nhất của cuộc thi đã thuộc về đội 2 của Trường ĐH Đà Lạt với phóng sự thực hiện một cuộc phỏng vấn cùng câu hỏi: “Bạn muốn lãnh đạo của mình là nam hay nữ?”, sau đó là cuộc phỏng vấn với một nữ lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank Đà Lạt về những thách thức, cơ hội của một người phụ nữ, từ đó chứng minh một điều rằng: Trong cuộc sống xã hội hiện nay, nam hay nữ đều bình đẳng trong mọi hoạt động xã hội. Chỉ cần mỗi con người chúng ta đều cố gắng, nỗ lực và phấn đấu thì ai cũng có thể làm bất cứ điều gì mình muốn để đạt được sự thành công, giúp ích và đóng góp cho gia đình và xã hội.
 
Trong khuôn khổ chương trình còn có triển lãm ảnh “Nữ giới có thể làm được” (Women Can Do). Ở đó, rất nhiều nữ SV đã được truyền cảm hứng, rằng: Bạn không cần một danh hiệu hoặc một vị trí chính thức để làm một người lãnh đạo. Một thái độ tích cực ở gia đình và trong công việc, sự thể hiện niềm đam mê có thể truyền cảm hứng cho người khác... đều là những cách tuyệt vời mà người phụ nữ thể hiện khả năng lãnh đạo của mình. Lý Thị Thắm (SV lớp Kế toán K39, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Đà Lạt) chia sẻ suy nghĩ: “Bạn muốn xóa bỏ định kiến giới thì người quyết định chính là bạn. Người phụ nữ phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động và dám chịu trách nhiệm về hành động của mình. Đồng thời, nam giới cần cảm thông và hỗ trợ cho phụ nữ”.
 
VIỆT QUỲNH