Tài sản lớn nhất của Đảng chính là lòng dân và tham nhũng chính là căn nguyên lớn nhất, có sức mạnh khủng khiếp nhất làm xói mòn lòng tin của người dân một cách nhanh nhất...
Tài sản lớn nhất của Đảng chính là lòng dân và tham nhũng chính là căn nguyên lớn nhất, có sức mạnh khủng khiếp nhất làm xói mòn lòng tin của người dân một cách nhanh nhất. Cho đến thời điểm hiện tại, dù chưa gặp phải một đại án nghiêm trọng nào, nhưng tình trạng tham nhũng ở Lâm Đồng vẫn xảy ra ở một số ngành, lĩnh vực và mới chỉ dừng lại ở mức độ vụ việc nhỏ, theo kiểu “tham nhũng vặt”. Sự quyết liệt, nghiêm minh thông qua những giải pháp có hiệu quả, chính là phương thức được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng chọn lựa để có được sự phòng ngừa hữu hiệu nhất.
Một năm nhìn lại công tác phòng chống, tham nhũng của Lâm Đồng, không khó để chúng ta có thể liệt kê, đánh giá lại những vụ việc tham ô, tham nhũng tại địa phương đã bị phát hiện và xử lý. Và cũng không khó để nhận thấy rõ phản ứng tích cực của người dân thông qua sự đồng tình, ủng hộ từ phía dư luận xã hội.
Không thể tránh khỏi những tồn tại, hạn chế trong cách thức điều hành chỉ đạo, cũng như tiến hành triển khai. Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng tại Lâm Đồng đang đạt được những tín hiệu khả quan trong lộ trình ngắn nhất đem lại lòng tin cho người dân về hình ảnh người cán bộ thực sự là “công bộc” của nhân dân.
Thông qua nhiều kênh, nhiều lĩnh vực, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kiên quyết xử lý nhiều trường hợp, tổ chức, cá nhân vi phạm bằng thái độ cầu thị, lắng nghe từ tiếng nói của người dân, bằng sự nghiêm túc và minh bạch bởi những quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước.
Liệt kê những danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm trước dư luận xã hội luôn là một điều khó. Bởi chúng luôn đem lại nhiều hệ quả xấu, làm mất đi hình ảnh tốt đẹp về đội ngũ cán bộ được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó trọng trách, được người dân tin yêu gửi gắm trách nhiệm thực thi tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của mình. Nhưng đây cũng chính là chìa khóa để mở cửa lòng dân, là sợi dây ngắn nhất để tạo nên sự đồng thuận về niềm tin và sự trung thành tuyệt đối của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự kiến tạo của Chính phủ và trên hết là thượng tôn pháp luật của một xã hội dân chủ, văn minh.
Có thể nhận thấy, số vụ tham nhũng ở Lâm Đồng chủ yếu nằm ở mức độ nhỏ lẻ với số tiền không lớn, chủ yếu là sai phạm của riêng từng cá nhân, chưa phải quy mô theo kiểu hệ thống, đường dây. Các vụ việc sai phạm dàn trải trên nhiều lĩnh vực, đến từ những cán bộ quản lý cấp thấp nhất ở cơ sở. Thông qua công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 7 vụ/7 trường hợp tham nhũng và sai phạm về kinh tế.
Cụ thể, đó là vụ nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Nam (huyện Di Linh), sai phạm trong việc thực hiện Dự án đào ao chống hạn từ năm 2015 với số tiền 36 triệu đồng. Vụ một cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh & xã hội của UBND xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) được Ngân hàng chính sách kí hợp đồng ủy thác để thực hiện quy trình cho vay tại xã nhưng đã lập khống hồ sơ của 16 hộ nghèo, hộ sản xuất vùng khó khăn để chiếm đoạt số tiền 582 triệu đồng. Hay vụ nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX vận tải Di Linh chiếm giữ trái phép số tiền gần 193 triệu đồng của 176 chủ xe... Tất cả các vụ việc kể trên đều đã bị cơ quan CSĐT của huyện khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và đang điều tra.
Bên cạnh số vụ việc sai phạm về tham nhũng, kinh tế phát hiện qua công tác thanh tra và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thì việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng cũng được đặc biệt chú trọng và tiến hành thường xuyên.
Điển hình là vụ nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Đức Trọng sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính với số tiền gần 58 triệu đồng đã chi nhưng không có chứng từ thanh toán. Nguyên một cán bộ Văn phòng Đảng ủy thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) chiếm đoạt gần 149 triệu đồng tiền Đảng phí nhằm sử dụng mục đích cá nhân. 2 trường này đều đã bị VKSND huyện Đức Trọng truy tố tội tham ô tài sản và chuyển hồ sơ sang TAND huyện xét xử.
Riêng tại Di Linh, đã xử lý kỷ luật khiển trách đối với Đảng ủy Công an (CA) huyện; kỷ luật cảnh cáo 4 người, gồm: Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Công an huyện, Phó Trưởng CA huyện, nguyên Phó Trưởng CA huyện, Kế toán CA huyện. Kỷ luật khiển trách 1 Phó Trưởng CA huyện.
Cũng trong năm 2018, thông qua rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội trên địa bàn, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã đề nghị BTV Huyện ủy Lâm Hà chỉ đạo UBND huyện yêu cầu thanh tra huyện chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra CA huyện Lâm Hà 1 vụ việc/2 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng.
Qua một số vụ việc trên cho thấy, những vi phạm, khuất tất của cán bộ, đảng viên đều bị xử lý nghiêm minh. Điều đó cho thấy, tỉnh Lâm Đồng đang có những động thái quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng với sự nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm.
Một đảng bộ hết lòng vì ý nguyện của người dân, một chính quyền thực sự kiến tạo vì đời sống tốt đẹp của người dân… có lẽ là phương thức hiệu quả nhất để giúp Lâm Đồng sớm hoàn thành mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
TUẤN LINH