CN, 13/04/2025, 06:41

Thu nhập từ vũ điệu cồng chiêng

08:12, 14/12/2018

Nhiều năm nay không ít người ở thị trấn Lạc Dương có thêm thu nhập từ nghề múa hát cồng chiêng phục vụ cho khách du lịch hằng đêm.

Nhiều năm nay không ít người ở thị trấn Lạc Dương có thêm thu nhập từ nghề múa hát cồng chiêng phục vụ cho khách du lịch hằng đêm.
 
Păng Ting Hậu (bên phải) cùng một du khách
Păng Ting Hậu (bên phải) cùng một du khách

Nghề làm thêm
 
Quần Jean, áo thun, chân đi giày thể thao, trông Păng Ting Hậu không khác gì với các sinh viên Đại học Đà Lạt vẫn ngày ngày đến trường. Nhưng chỉ khi về với buôn làng trong chiều tối tại thị trấn Lạc Dương dưới chân núi Lang Biang này, cô sinh viên đại học năm 4 mới trở lại là một cô gái người Lạch, dịu dàng với bộ váy áo truyền thống của dân tộc mình để đi múa.
 
Păng Ting Hậu bắt đầu đi múa như là một việc làm thêm của mình từ lúc còn học phổ thông, nhưng ngày đó thỉnh thoảng mới đi, chỉ khi vào đại học cô mới chính thức thành một thành viên của Câu lạc bộ Cồng chiêng K’Sin tại đây. 
 
“Cũng tùy theo mùa, mùa này thì hơi vắng khách du lịch nên cả tháng được vài đoàn, nhưng dịp tết và mùa hè thì rất đông, nhất là mỗi khi Đà Lạt có lễ hội làm không kịp thở luôn” - Păng Ting Hậu cười vui.
 
Về thu nhập, theo Păng Ting Hậu, cũng “tạm ổn” vì tùy theo số đoàn phục vụ mà các thành viên được nhiều hay ít tiền. Những tháng cuối năm này vắng khách thì chừng vài trăm nghìn đồng, còn mùa hè thì có tháng đến vài triệu đồng là chuyện thường. Số tiền này giúp Păng Ting Hậu đủ trang trải áo quần, tiền tiêu vặt, tiền dụng cụ học tập, chi phí cho xăng xe đi lại từ nhà cô ở thị trấn Lạc Dương đến trường đại học ngoài Đà Lạt.
 
Với lại theo Păng Ting Hậu, đây là một công việc mà cô yêu thích, vì mỗi tối cô lại được làm quen với rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ đồng lứa từ khắp các tỉnh, thành trong nước. Bài múa cô biểu diễn cũng là những vũ điệu truyền thống của cộng đồng đồng bào dân tộc cô mà hầu như ai ai trong làng cũng biết từ nhỏ; cô vui vì thấy khách du lịch thích thú với nền văn hóa bản địa của cộng đồng dân tộc mình. Cũng chính vì vậy, Păng Ting Hậu đã không ngần ngại chọn khoa du lịch để học tại đại học với mong muốn sau này mình sẽ tiếp nối mọi người nơi đây phát huy vốn văn hóa bản địa để làm du lịch cộng đồng ngay trên đất nhà của mình.
 
Trong mỗi đội múa có 12 người, đến một nửa là nam. Anh Păng Ting Jonh là một trong 6 người trong đội múa nam như thế. 
 
Năm nay 28 tuổi, Păng Ting Jonh vốn là một nông dân ngày ngày gắn bó với cả mẫu đất trồng rau của gia đình mình và nhiều năm nay còn là vũ công trong đoàn múa cồng chiêng mỗi khi đêm về. 
 
“Với công việc làm thêm này trung bình mỗi tháng anh cũng kiếm thêm trên dưới 3 triệu đồng.  “Được cái là công việc làm thêm này rất ổn định” - Jonh nói. 
 
Việc làm cho nhiều người 
 
Là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời của những cộng đồng đồng bào thiểu số Tây Nguyên, cồng chiêng lúc đầu chỉ phục vụ cho những ngày diễn ra lễ hội. Nhưng điểm độc đáo là cộng đồng đồng bào Lạch dưới chân núi Lang Biang đã biết sử dụng nét sinh hoạt văn hóa cồng chiêng để làm du lịch, tạo việc làm, tăng thêm thêm thu nhập, biến văn hóa ấy trở thành hàng hóa phục vụ cho mình, đồng thời cũng là một cách lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa đó.
 
Theo nhiều người ở thị trấn Lạc Dương, sinh hoạt cồng chiêng đã được sử dụng để làm du lịch cộng đồng tại những thôn làng dưới chân núi Lang Biang từ cuối những năm 80, nhưng lúc đó vẫn còn tự phát, nhỏ lẻ, nhưng đến nay có tổng cộng 11 câu lạc bộ đang hoạt động tại thị trấn.
 
Theo UBND thị trấn Lạc Dương, để thành lập một câu lạc bộ hay nhóm sinh hoạt cồng chiêng như thế phải hội đủ nhiều điều kiện, từ không gian sinh hoạt đến trang phục, công cụ, con người. Để có du khách, các câu lạc bộ, nhóm cồng chiêng này thường giữ mối liên hệ với các hướng dẫn viên du lịch hoặc các nhà tổ chức du lịch tại Đà Lạt để thống nhất chương trình trước. 
 
Thông thường đêm diễn sinh hoạt cồng chiêng sẽ được tổ chức vào buổi chiều tối, các đoàn du khách từ Đà Lạt vào sẽ được mời vào nhóm, xem đội múa biểu diễn và sau đó mời du khách cùng tham gia với đội múa quanh bếp lửa hồng, nghe tiếng hát của các nghệ nhân trong đội, vừa múa vừa thưởng thức rượu cần cùng thịt nướng.
 
Theo chị Păng Ting Hot Drik - trưởng một nhóm múa, các thành viên trong câu lạc bộ phải cần chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ cho những đêm diễn như thế, từ âm thanh, ánh sáng, củi lửa, rượu cần… Cứ mỗi đoàn khách như thế mỗi nhóm sẽ có thu nhập từ 1 triệu đến 2 triệu, nếu vào mùa cao điểm, lượng khách du lịch đông thì một đêm họ có thể có tới 3 đoàn tham gia. Sau khi kết thúc một đêm thì tiền thu nhập được trừ vào các chi phí và chia cho từng người tùy theo nhiệm vụ của mỗi người trong nhóm.
 
Theo những người quản lý Câu lạc bộ cồng chiêng nơi đây, chỉ trong thị trấn Lạc Dương và quanh vùng đã có trên 11 câu lạc bộ hoạt động nên sự cạnh tranh khách là không tránh khỏi. Một quản lý ở một nhóm cồng chiêng cho biết, chính sự cạnh tranh đó cũng có mặt tốt của nó khi làm cho các nhóm phải tích cực đầu tư cho câu lạc bộ của mình từ trang phục, đạo cụ, thực phẩm cho đến bài hát được chọn, vũ điệu dân tộc truyền thống và các nhóm các câu lạc bộ đã ngày càng làm tốt hơn trong phục vụ khách.
 
Vẫn còn có không ít vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay để sinh hoạt cồng chiêng được quy củ hơn. Như ông Nguyễn Thư Bính, Cán bộ văn hóa UBND thị trấn Lạc Dương cho biết, thị trấn lâu nay có dự định đưa các nhóm sinh hoạt cồng chiêng ra khỏi khu dân cư bởi vì họ gây ra tiếng ồn lớn trong làng, tuy nhiên đây là loại hình du lịch cộng đồng, điều này quả rất khó thực hiện. 
 
Nhưng với những người như Păng Ting Hậu, anh Păng Ting Jonh, cồng chiêng đã đem lại làm cho mình và cả những người khác, có thêm công việc, góp phần cải thiện cuộc sống. 
 
VIẾT TRỌNG - LÊ ÐÔNG