Thứ 2, 21/04/2025, 15:16

Vận hành trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình

08:12, 10/12/2018

Lâm Ðồng có 3 xã thuộc huyện Ðơn Dương được Bộ Y tế lựa chọn triển khai mô hình điểm về y tế cơ sở giai đoạn 2018 - 2020: thị trấn Thạnh Mỹ (vùng 1), xã Quảng Lập (vùng 2) và xã Ðạ Ròn (vùng 3). Cả 3 xã điểm đã được công nhận xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. 
 

Lâm Ðồng có 3 xã thuộc huyện Ðơn Dương được Bộ Y tế lựa chọn triển khai mô hình điểm về y tế cơ sở giai đoạn 2018 - 2020: thị trấn Thạnh Mỹ (vùng 1), xã Quảng Lập (vùng 2) và xã Ðạ Ròn (vùng 3). Cả 3 xã điểm đã được công nhận xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. 
 
Các trạm y tế tổ chức khám sức khỏe cho người cao tuổi ít nhất 1 lần/năm. Ảnh: A.Nhiên
Các trạm y tế tổ chức khám sức khỏe cho người cao tuổi ít nhất 1 lần/năm. Ảnh: A.Nhiên

Năm 2017, Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 26 trạm y tế (TYT) thuộc 8 tỉnh, thành phố (trong đó Lâm Đồng có 3 xã điểm nêu trên). Đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, đào tạo chuyên môn, bổ sung bác sĩ cho TYT, bổ sung danh mục kỹ thuật, thuốc… Đến nay, nhiều TYT xã điểm đã có những thành quả rất tích cực thu hút được người bệnh đến khám và điều trị. 
 
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, có khoảng 80% - 90% người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Ðây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mãn tính, những bệnh nhẹ, tránh tốn kém tiền bạc, tránh bị bệnh nặng mới đi chữa bệnh.
 
Tuy nhiên, thực tế người dân trong nước chưa tin tưởng TYT xã nên vượt tuyến không cần thiết: 35,4% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở TYT. Có bệnh viện tuyến Trung ương khám tới 5.000 - 6.000 bệnh nhân /ngày trong khi tuyến xã chỉ khám cho 2 - 3 người/ngày. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các sở y tế cần phải đưa nhân lực xuống TYT xã và trung tâm y tế huyện; sớm phê duyệt danh sách danh mục kỹ thuật, thuốc tại TYT xã, làm việc với BHXH tỉnh để thanh toán. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu thêm về vai trò của y tế cơ sở.
 
Bộ Y tế đưa ra lộ trình năm 2019 mỗi tỉnh triển khai ít nhất 15% số TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; giai đoạn 2019 -2020 mỗi tỉnh triển khai ít nhất 30% số TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; phấn đấu hoàn thành trong 5 năm (từ 2019 - 2023) đạt 100% TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
 
Các TYT xã triển khai các nhiệm vụ chuyên môn mới: Quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính như: tiểu đường, huyết áp, hen phế quản; lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân (tổ chức khám sức khỏe người cao tuổi ít nhất 1 lần/năm; tổ chức khám quản lý sức khỏe cho tất cả học sinh các cấp trên địa bàn; tổ chức khám quản lý sức khỏe tuổi 17 cho thanh niên chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ quân sự) và theo dõi, quản lý, cấp thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm, mạn tính, chăm sóc giảm nhẹ ung thư... Quản lý sức khỏe các đối tượng ưu tiên (điều tra lập danh sách quản lý tất cả các bệnh mạn tính, bệnh lây nhiễm, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, người cao tuổi, người không có điều kiện đến cơ sở y tế, người bệnh nặng, người neo đơn di chuyển khó khăn). 
 
Lâm Đồng đã tổ chức thực hiện mô hình điểm tại 3 xã điểm bằng các giải pháp củng cố tổ chức bộ máy, nhân lực; hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo mô hình chuẩn; giải pháp về tài chính cho y tế cơ sở; đảm bảo cung ứng, quản lý, sử dụng thuốc, vắc xin; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động để vận hành TYT xã theo nguyên lý y học gia đình, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân. Thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản: công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; vệ sinh môi trường; y tế học đường; phòng chống tai nạn thương tích; khám, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật; phòng, chống bệnh, dịch và quản lý bệnh không lây nhiễm; dân số - kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm; hoạt động y, dược học cổ truyền tại trạm.
 
Triển khai theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh về nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020, trong khuôn khổ dự án Giáo dục và đào tạo cán bộ y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (dự án HPET 3) đã đào tạo cho 21 giảng viên tuyến tỉnh về “Bác sĩ, y sỹ hoạt động theo nguyên lý y học gia đình”; 30 giảng viên tuyến tỉnh về “Điều dưỡng, nữ hộ sinh hoạt động theo nguyên lý y học gia đình”. Đây là nguồn nhân lực giảng viên cho tỉnh để tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng tiếp tục tổ chức đào tạo nhân lực cho các TYT triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. 
 
Dự án HPET 3 tỉnh Lâm Đồng đã đào tạo cho 54 điều dưỡng, 63 hộ sinh về nguyên lý y học gia đình, trong đó có 3 hộ sinh và 1 điều dưỡng tại 3 xã điểm (Thị trấn Thạnh Mỹ: 1 hộ sinh; Đạ Ròn: 1 hộ sinh; Quảng Lập: 1 hộ sinh và 1 điều dưỡng) và đang tiếp tục đào tạo cho 29 điều dưỡng, 30 hộ sinh và 20 y sĩ. Dự kiến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động y học gia đình cho các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh của các TYT sẽ tiếp tục thực hiện và hoàn thành trong năm 2019.
 
Theo đánh giá qua 1 năm xây dựng xã điểm, TYT Thạnh Mỹ thực hiện được 79% gói dịch vụ y tế cơ bản; TYT Quảng Lập thực hiện được 84% gói dịch vụ y tế cơ bản và có 15/64 dịch vụ BHYT không thanh toán; TYT Đạ Ròn thực hiện được 72% gói dịch vụ y tế cơ bản. Tỷ lệ thực hiện dịch vụ thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả còn thấp, nguyên nhân do nhân lực cần tiếp tục được đào tạo; còn thiếu phương tiện, trang thiết bị; không có bệnh nhân. Một số dịch vụ thực hiện được chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán (do chưa có cán bộ chuyên khoa); một số dịch vụ thực hiện được vượt ngoài danh mục gói cơ bản. 
 
Danh mục thuốc thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản tại TYT Thạnh Mỹ đạt 61%; TYT Quảng Lập đạt 62%; TYT Đạ Ròn có 92/241 thuốc danh mục đạt 38%. Các TYT điểm chưa tổ chức được nhà thuốc, quầy thuốc tại trạm do chưa có nhân lực và cần bổ sung thuốc trong danh mục, theo thực tế khám chữa bệnh, bổ sung thuốc huyết áp, tiểu đường, nên có quầy thuốc để bán thuốc cho nhân dân.
 
Sở Y tế Lâm Đồng đã phân vùng các xã, phường, thị trấn theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cụ thể: Vùng 1: có 28 phường, thị trấn (18 phường, 10 thị trấn). Vùng 2: có 21 xã, thị trấn (19 xã, 2 thị trấn). Vùng 3: có 98 xã để tiếp tục nhận rộng TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
 
AN NHIÊN