Để Chương trình 135 mang lại sự đổi thay đúng nghĩa

09:01, 31/01/2019

Lâm Đồng là địa bàn có trên 24% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2018, toàn tỉnh có 11 xã, 110 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Cũng như những năm trước đây, trong năm 2018, nguồn vốn từ Chương trình 135 tiếp tục góp phần đổi thay bộ mặt và đời sống bà con DTTS tại các khu vực khó khăn.

Lâm Đồng là địa bàn có trên 24% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Năm 2018, toàn tỉnh có 11 xã, 110 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Cũng như những năm trước đây, trong năm 2018, nguồn vốn từ Chương trình 135 tiếp tục góp phần đổi thay bộ mặt và đời sống bà con DTTS tại các khu vực khó khăn.
 
Nguồn vốn 135 được cấp hàng năm đã thêm “vật lực” để xã Lát nâng cấp cơ sở hạ tầng, góp phần tiến nhanh về đích NTM cuối năm 2018. Ảnh: N.N
Nguồn vốn 135 được cấp hàng năm đã thêm “vật lực” để xã Lát nâng cấp cơ sở hạ tầng, góp phần tiến nhanh về đích NTM cuối năm 2018. Ảnh: N.N
Các chương trình, dự án được triển khai đúng tiến độ
 
Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, tổng kinh phí thực hiện Chương trình 135 năm 2018 là trên 40,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Trong đó, vốn đầu tư phát triển trên 30 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 10 tỷ đồng theo quyết định của UBND tỉnh về việc phân bổ chi tiết vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 
 
Cụ thể, về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng vốn bố trí năm 2018 là trên 30 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã đầu tư xây dựng khoảng 115 công trình (90 công trình đường giao thông nông thôn, 4 công trình nước, 18 công trình nhà văn hóa, 3 công trình san gạt mặt bằng). Trong đó, có 5 công trình chuyển tiếp từ năm 2017; giải ngân đạt 100% kế hoạch. Hơn 1,5 tỷ đồng là số tiền được đầu tư để duy tu bảo dưỡng 11 công trình các loại; giải ngân đạt 100% kế hoạch. Cũng trong năm qua, hơn 7,3 tỷ đồng là số tiền được dùng để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Đã có trên 1.900 hộ thuộc đối tượng thụ hưởng được hỗ trợ 238 tấn phân bón, hơn 12 ngàn cây trồng, 960 vật nuôi, 154 máy móc nông cụ sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật...; giải ngân đến nay đạt 95%. Về vấn đề nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng, tổng vốn bố trí năm 2018 là 1,6 tỷ đồng. Ban Dân tộc đã tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho 396 lượt cán bộ cơ sở và cộng đồng. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm về công tác triển khai thực hiện Chương trình 135 cho 36 lượt cán bộ tại các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung. Tỷ lệ giải ngân và thanh quyết toán đạt 70% so với kế hoạch.
 
Ông Bon Yo Soan - Phó Ban Dân tộc tỉnh đánh giá: Việc phân bổ nguồn vốn 135 mang tính dân chủ, công khai và có sự tham gia của cộng đồng. Các nội dung triển khai được công khai, họp dân để phổ biến cho  người dân biết, bàn bạc, góp ý và thống nhất lựa chọn các hạng mục đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên những công trình khó khăn, bức xúc trong cộng đồng, những công trình có tính cấp thiết. Ban giám sát xã, cộng đồng là cơ quan thường xuyên và trực tiếp giám sát từ việc lập thủ tục, chọn nhà thầu, thi công các hạng mục xây dựng và hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, phân bón... đến với người dân. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh được tiến hành thường xuyên hàng năm và theo đúng quy định. Đối với những xã đặc biệt khó khăn được phân cấp làm chủ đầu tư đều có thành lập Ban quản lý dự án của xã để giúp UBND xã quản lý và tổ chức triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn. Ngoài ra, các xã đều có thành lập Ban giám sát gồm đại diện các ngành, đoàn thể của xã và một số người có uy tín trong cộng đồng tham gia; do chủ tịch hoặc phó chủ tịch HĐND xã làm Trưởng Ban giám sát. Ban giám sát có trách nhiệm giám sát quá trình thi công, chất lượng công trình, giám sát việc quản lý, khai thác và bảo quản công trình khi đã đưa vào sử dụng. Chính vì vậy, trong năm qua, các chương trình dự án thuộc Chương trình 135 được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo về chất lượng và góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh.
 
Từ nguồn vốn 135, đã góp phần nâng cấp đáng kể chất lượng hệ thống điện, đường, trường, trạm ở Đam Rông. Ảnh: N.N
Từ nguồn vốn 135, đã góp phần nâng cấp đáng kể chất lượng hệ thống điện, đường, trường, trạm ở Đam Rông. Ảnh: N.N
Để Chương trình 135 thực sự phát huy hiệu quả
 
Điều đáng mừng về việc thực hiện Chương trình 135 trong năm 2018 là ngoài sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; điều quan trọng đóng vai trò quyết định chính là sự tham gia tích cực của người dân. Thực hiện chương trình ý nghĩa này, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước đã huy động được nguồn lực trong Nhân dân; nhất là phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, tinh thần của người dân được thực hiện thông qua việc hiến đất, giải phóng mặt bằng, huy động ngày công, tổ chức thi công... Điều đó làm cho chính sách đầu tư của Chương trình 135 năm 2018 nói riêng và những năm qua nói chung đã góp phần đáng kể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các huyện, xã, thôn nghèo của tỉnh; làm thay đổi diện mạo vùng DTTS và vùng ĐBKK. Đó thực sự là yếu tố góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm của tỉnh từ 54,2 triệu đồng năm 2017 lên 59,4 triệu đồng vào cuối năm 2018.
 
Đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào DTTS ngày càng cải thiện, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, các khu vực. Không còn hộ đói giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn tiếp cận đa chiều từ 3,91% (cuối năm 2017) đến cuối năm 2018 giảm còn 2,85%. 
 
Năm 2018, xã Đa Quyn - huyện Đức Trọng, xã Lộc Nam - huyện Bảo Lâm và xã Lát - huyện Lạc Dương đã vươn lên thoát khỏi diện xã 135. Ông Hồ Đăng Thành - Bí thư Đảng ủy xã Đa Quyn phấn khởi nói: “Việc Đa Quyn về đích NTM và thoát khỏi xã thuộc diện 135 là một trong những thành tích đáng mừng nhất trong năm 2018. Với các chính sách của Chương trình 135 nói riêng và các chính sách của Trung ương, địa phương nói chung đã góp phần đưa Đa Quyn từ xã nghèo của huyện với tỷ lệ hộ nghèo cao xuống còn 6,89%, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS là 5,4%. Thu nhập bình quân đầu người 35,6 triệu đồng/người/năm. Không còn hộ đói. Đặc biệt, nguồn vốn 135 được cấp hàng năm đã giúp xã đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, góp phần quan trọng đưa Đa Quyn về đích NTM”. Và tương tự, tại xã Lát - huyện Lạc Dương, ông Trần Đình Thể - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: nguồn vốn 135 đầu tư hỗ trợ sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện mạnh mẽ để xã Lát giảm số hộ nghèo xuống còn 35 hộ, chiếm 5,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35,6 triệu đồng/người/năm. Qua đó, góp phần đưa xã Lát thành cái tên tiếp theo của huyện Lạc Dương về đích NTM.
 
Và từ nguồn vốn 135, cơ sở vật chất cũng như đời sống của bà con DTTS khó khăn trên địa bàn tỉnh được nâng lên đáng kể. Song vẫn còn những công trình được xây dựng nhưng không được sử dụng hiệu quả và nhanh chóng xuống cấp. Những chương trình hỗ trợ sản xuất chưa thực sự có hiệu quả. 
 
Và để nguồn vốn 135 thật sự phát huy hiệu quả, để Chương trình 135 đúng nghĩa là một trong những chính sách quan trọng nhất trong hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội tại các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK vùng DTTS và miền núi; các đơn vị liên quan cần có phương án để tránh việc thực hiện dự án dàn trải, chưa tập trung, định mức phân bố không ổn định nên hiệu quả đầu tư chưa cao. Phải khắc phục được những hạn chế trong công tác quản lý những chương trình đầu tư tại các xã ĐBKK. Đơn cử như việc chưa lồng ghép tốt giữa các chương trình đầu tư cùng địa bàn, cùng đối tượng thụ hưởng. Các công trình được đầu tư cần có biện pháp bảo trì, bảo dưỡng; tránh hư hỏng, gây lãng phí. Đời sống bà con vẫn chưa hết những khó khăn chồng chất…Sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp được đánh giá đã có song chưa mạnh, chưa đậm đặc. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ còn rất xa vời trong mục tiêu đẩy lùi cái nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Và điều đáng nói là yếu tố ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo vẫn là vấn đề của một bộ phận bà con DTTS khó khăn.
 
Những nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được các địa phương và các đơn vị liên quan chỉ ra, đó là những nhiệm vụ đặt ra cho những người có trách nhiệm trong thực hiện Chương trình 135 năm 2019 để nguồn vốn 46.079 triệu đồng thực sự là đòn bẩy mạnh mẽ trong phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS.
 
NGỌC NGÀ