Ðược triển khai từ năm 2009, "Quyết tâm thư của đại biểu già làng các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên" đã được Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Ðồng cụ thể hóa bằng nhiều phần việc, từ đó khẳng định và phát huy vai trò của già làng trong cộng đồng, xã hội.
Ðược triển khai từ năm 2009, “Quyết tâm thư của đại biểu già làng các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên” đã được Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh Lâm Ðồng cụ thể hóa bằng nhiều phần việc, từ đó khẳng định và phát huy vai trò của già làng trong cộng đồng, xã hội.
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến (đứng thứ hai từ phải qua) thăm hỏi người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Ngọc Ngà |
Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 700 già làng, sinh sống hầu hết tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là những người có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền; tham gia xử lý, giải quyết mâu thuẫn trong các mối quan hệ thuộc về phong tục tập quán trong đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Đồng thời, các già làng đi đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tại cộng đồng và địa bàn dân cư.
Ngày 31/3/2009, tại TP Plây Ku, tỉnh Gia Lai, 47 đại biểu đại diện già làng các DTTS tỉnh Lâm Đồng đã tham dự Hội nghị biểu dương Già làng khu vực Tây Nguyên, cùng các đại biểu của hội nghị thảo luận và ký cam kết thực hiện “Quyết tâm thư của đại biểu già làng các DTTS khu vực Tây Nguyên”.
Quyết tâm thư gồm 5 nội dung, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng và củng cố niềm tin với Đảng, với Bác Hồ và Nhà nước; nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực vận động bà con xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với các thế lực thù địch; phát huy vai trò của người cao tuổi.
Ngay sau khi Quyết tâm thư được ký kết, các già làng tỉnh Lâm Đồng đã gặp mặt, tuyên truyền sâu rộng nội dung đến các thôn, buôn để đồng bào các DTTS hiểu thêm về nội dung của Quyết tâm thư. Hội NCT nhanh chóng cung cấp tài liệu, chủ động lồng ghép tuyên truyền, vận động Nhân dân học tập và thực hiện Quyết tâm thư thông qua các buổi sinh hoạt tổ chức Hội và sinh hoạt các câu lạc bộ của NCT... ở các thôn, buôn đồng bào DTTS.
Theo đánh giá của Hội NCT tỉnh, sau 10 năm thực hiện Quyết tâm thư, bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, các già làng đã phát huy vai trò gương mẫu thực hiện, đồng thời là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, giáo dục bà con, dòng tộc, buôn làng hiểu được mục đích và ý nghĩa của Quyết tâm thư và vận động đồng bào cùng nhau thực hiện. Từ đó, Quyết tâm thư đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của bà con đồng bào DTTS và tạo ra những sự thay đổi nhất định, xuất hiện nhiều cá nhân già làng và tập thể tiêu biểu.
Đến nay, khi về với các thôn đồng bào DTTS, hình ảnh những con đường sạch đẹp với những ngôi nhà mới khang trang đã không còn lạ lẫm. Bởi ở những nơi như xã Đa Nhim (Lạc Dương), xã Tân Châu (Di Linh),... bà con đã không ngừng học hỏi và đổi mới trong lao động sản xuất, tiết kiệm trong sinh hoạt, rèn luyện bản thân và xây dựng gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Bà con biết trồng và bảo vệ rừng, không phát rừng làm rẫy trái phép. Nhiều già làng mặc dù tuổi cao nhưng vẫn là tấm gương sáng, làm việc hết mình và động viên bà con thi đua lao động sản xuất, thực sự là chỗ dựa tinh thần cho buôn làng.
Nhờ công tác phối hợp tuyên truyền, vận động của Hội NCT với các tổ chức đoàn thể mà đồng bào DTTS trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Nhiều xã, thôn vùng đồng bào DTTS có sự đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới, nếu như không có sự đồng thuận và ủng hộ hết mình ấy, quá trình thay đổi bộ mặt nông thôn sẽ chẳng thể dễ dàng. Những con số như Thôn 5, xã Tà Nung đóng góp trên 1,1 tỷ đồng, 450 ngày công; thông Krăng Gọ 2 (Ka Đơn, Đơn Dương) đóng góp 77 triệu đồng xây dựng 4,5 km đường bê tông và đường điện thắp sáng; thôn Tu La (Đạ M’Rông, Đam Rông) hiến 2.000 m2 đất xây trạm y tế xã,... đều là những minh chứng cụ thể nhất cho tinh thần cống hiến và xây dựng của bà con đồng bào DTTS.
Bà con ở hầu hết các thôn, buôn DTTS bây giờ đều đã hình thành nên ý thức bảo vệ môi trường, chăn nuôi có chuồng trại, xây dựng và sử dụng các công trình sinh hoạt hợp vệ sinh. Tang ma gọn nhẹ, xóa bỏ hủ tục thách cưới, xóa bỏ những hủ tục lâu đời,...; từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, từng bước xây dựng cộng đồng văn hóa lành mạnh. Những già làng như Điểu K Lộc, Điểu K Ít ở Cát Tiên; già K’Sen, Y Sang ở Di Linh,... còn trăn trở với những làng nghề truyền thống, và vẫn đang hàng ngày tuyên truyền cho con cháu trong thôn, buôn giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
10 năm là một chặng đường đủ dài để tạo nên những thay đổi. Tuy nhiên, theo ông Đàm Xuân Đêu - Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh thì việc thực hiện Quyết tâm thư trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể như phần lớn các già làng đã lớn tuổi, trình độ hạn chế; địa bàn ở thôn, buôn rộng, đi lại khó khăn nên ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động...
Mặc dù vậy, với tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”, bằng cách này hay cách khác, các già làng trên khắp mảnh đất Nam Tây Nguyên vẫn đang hàng ngày cố gắng quyết tâm thực hiện tốt Quyết tâm thư, như lời khẳng định của già Liêng Hot Ha Brơng (thôn Đạ Dâng, Liên Hà, Lâm Hà): “Chúng tôi được bà con ví là cây cao bóng cả của buôn thôn, đã được Đảng và Nhà nước giao trọng trách thì nhất định chuyện gì cũng phải làm gương cho bà con nhìn vào, học tập và làm theo”.
VIỆT QUỲNH