30 năm vì sức khỏe Nhân dân

09:01, 31/01/2019

Từ một bệnh xá được xây dựng bằng tranh tre vách nứa, đến nay Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đạ Tẻh đã được đầu tư khang trang. Từ chỗ đội ngũ y, bác sỹ vừa thiếu, vừa yếu đến nay nguồn nhân lực này đã tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn. Sự chuyển biến rõ rệt đó gắn liền với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ tại TTYT huyện Đạ Tẻh trong suốt thời gian 30 năm hình thành và phát triển. 

Từ một bệnh xá được xây dựng bằng tranh tre vách nứa, đến nay Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đạ Tẻh đã được đầu tư khang trang. Từ chỗ đội ngũ y, bác sỹ vừa thiếu, vừa yếu đến nay nguồn nhân lực này đã tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn. Sự chuyển biến rõ rệt đó gắn liền với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ tại TTYT huyện Đạ Tẻh trong suốt thời gian 30 năm hình thành và phát triển. 
 
Điều trị cách ly cho bệnh nhi tại TTYT huyện Đạ Tẻh trong dịch cúm A H5N1. Ảnh: Đ.Anh
Điều trị cách ly cho bệnh nhi tại TTYT huyện Đạ Tẻh trong dịch cúm A H5N1. Ảnh: Đ.Anh
Cầm cuốn kỷ yếu 30 năm hình thành và phát triển TTYT huyện Đạ Tẻh, ông Vũ Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm không khỏi xúc động, bởi lẽ ông là một trong những người đầu tiên có mặt ở nơi đây và chứng kiến những bước chuyển không ngừng của TTYT huyện. Đến nay, TTYT huyện Đạ Tẻh được xếp hạng là trung tâm y tế huyện hai chức năng bao gồm các phòng chức năng, các khoa phòng, hệ dự phòng và 11 trạm y tế xã, thị trấn. Với hệ thống tổ chức như hiện tại, ít ai nghĩ rằng cách đây 30 năm hoạt động y tế tại huyện Đạ Tẻh đã phải rất chật vật để chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
 
Tiền thân của TTYT huyện Đạ Tẻh là Bệnh xá nông của Nông trường Hà Giang. Năm 1987, huyện Đạ Tẻh tách ra thành 2 huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên nên từ đó bệnh viện đã được mang tên phù hợp và đáp ứng yêu cầu của huyện Đạ Tẻh lúc bấy giờ. Ngày 19/11/1988, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định thành lập TTYT huyện Đạ Tẻh trên cơ sở hợp nhất các đơn vị y tế của huyện là phòng y tế huyện và bệnh viện huyện. Những năm đầu thành lập, TTYT huyện Đạ Tẻh chỉ có 3 bác sĩ. Có nhiều bác sĩ nhận quyết định về công tác rồi lại phải bỏ đi luôn vì điều kiện làm việc quá khó khăn. Sau 30 năm, trang thiết bị y tế tại Trung tâm đã được đầu tư tốt, năng lực của đội ngũ đến đâu thì trang thiết bị được đầu tư đến đó, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân. Về năng lực chuyên môn, hiện tại TTYT có 30 bác sĩ; trong đó, có 2 bác sĩ chuyên khoa, 11 bác sĩ có trình độ sau đại học. Lực lượng bác sĩ này chủ yếu được đào tạo tại chỗ và từ nguồn cử tuyển. Tuy nhiên, theo ông Vũ Thanh Hương thì hiện Trung tâm vẫn cần đào tạo thêm các bác sĩ chuyên khoa như gây mê, hồi sức...
 
Ngoài các khoa phòng chuyên môn, Đội y tế dự phòng và Đội chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng là lực lượng quan trọng để giám sát chặt chẽ, phòng chống từ cơ sở những dịch bệnh có nguy cơ xảy ra. Năm 2015, tại xã Đạ Pal đã xảy ra dịch cúm A H5N1. Tuy nhiên, nhờ sự phản ứng kịp thời của Đội y tế dự phòng cũng như công tác chăm sóc, chữa bệnh tại TTYT được thực hiện hiệu quả nên dịch bệnh đã được khoanh vùng và ngăn chặn kịp thời chỉ trong thời gian 1 tuần. Đến tháng 9/2018, một lần nữa dịch cúm A H1N1 lại xuất hiện với lượng bệnh nhân nhập điều trị tại TTYT tăng đột biến. Ngay lập tức, Đội y tế dự phòng và TTYT huyện đã khoanh vùng và xử lý dịch bệnh trong thời gian 30 ngày. Để có được những kết quả này, không chỉ năng lực chuyên môn của y, bác sỹ tại TTYT ngày càng được đào tạo chuyên sâu mà hàng năm, đội ngũ y tế thôn, y tế xã cũng được TTYT tập huấn, nâng cao tay nghề. Nhờ đó, một số dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng... đã được phát hiện và khống chế kịp thời. 
 
Bác sĩ Hồ Phương, Trưởng Khoa Nhi TTYT huyện Đạ Tẻh là một trong những người có mặt từ những ngày đầu hình thành Trạm y tế liên xã Triệu Hải - Quảng Trị trong giai đoạn 1984 đến năm 1988. Với ông, đến nay hoạt động của TTYT đã thay đổi rõ rệt cả về cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực làm việc. Trước đây, cả hệ thống bệnh viện toàn nhà gỗ, không có điện xử lý trang thiết bị y tế mà tất cả đều phải xử lý bằng bếp dầu. Trong trí nhớ của ông, những ngày đầu làm việc tại đây thì mọi việc rất khó khăn, vất vả nhưng anh em đều nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt công việc. Còn đến hiện tại, dù điều kiện làm việc, điều kiện về nhân lực còn một số hạn chế nhưng không phải là trở ngại lớn đối với anh em. Từ khi mới thành lập, do cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị còn sơ sài, đơn vị chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên y tế thiếu cả về số lượng cũng như chất lượng cho nên việc thu dung khám chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu còn nhiều hạn chế. Từ năm 2004, TTYT huyện Đạ Tẻh được xây dựng mới và đưa vào sử dụng. Các trạm y tế cũng lần lượt được nâng cấp, trang thiết bị được đầu tư từng bước, đội ngũ y tế được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Do đó, việc thu dung điều trị người bệnh ngày càng nhiều, chất lượng điều trị được nâng cao, các dịch vụ kỹ thuật đã được phát triển tăng dần đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân, công tác phòng bệnh luôn được chủ động, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Chính vì thế, hàng năm, TTYT huyện Đạ Tẻh được đánh giá hoạt động xuất sắc.
 
ĐÔNG ANH