Cùng với Lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Ðà Lạt còn lưu trữ nhiều nguồn phóng xạ tại đây với công tác đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân luôn được đặt lên hàng đầu.
Cùng với Lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Ðà Lạt còn lưu trữ nhiều nguồn phóng xạ tại đây với công tác đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân luôn được đặt lên hàng đầu.
|
Vận hành hệ thống phân tích hiện đại trong phòng thí nghiệm tại Viện Hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: V.T |
Vận hành lò an toàn
Năm 2018 đánh dấu một bước tiến mới trong hoạt động của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Theo Ban Giám đốc Viện, trong năm 2018, Lò phản ứng đã vận hành 16 đợt dài ngày ở công suất 500 kW, thêm một số đợt ngắn ngày để sản xuất đồng vị phóng xạ và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Tính tổng cộng, Lò phản ứng đã hoạt động 2.200 giờ ở công suất 500 kW, tăng 48% so với năm 2017.
Dù tăng giờ vận hành nhưng công tác an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ luôn được đảm bảo; việc kiểm tra, bảo dưỡng và duy tu định kỳ các hệ công nghệ vận hành lò phản ứng được tuân thủ nghiêm ngặt.
Trong năm 2018, Viện đã sử dụng kinh phí 650 triệu đồng để duy tu và nâng cấp các hệ thống công nghệ lò phản ứng tại đây như hệ điều khiển lò, hệ đo liều cố định, hệ kiểm tra các thông số công nghệ của lò phản ứng (các máy đo mức và báo mức; máy đo lưu lượng và nhiệt độ); các thiết bị cùng hệ thống điện, hệ thống bơm, quạt thông gió; hệ thống gió trạm xử lý thải lỏng; bình trao đổi nhiệt và bể tháp làm mát nhà; hệ xử lý thải lỏng và hệ cấp nước lò, hệ thống điều kiện hóa thải bùn lỏng, hệ hóa hơi…
Việc theo dõi ăn mòn thùng lò và các cấu kiện trong bể lò được đơn vị thực hiện định kỳ 2 lần trong năm, đồng thời thường xuyên kiểm tra các thông số liên quan đến chất lượng nước trong các đợt chạy lò.
Viện đến nay đã và đang duy trì chương trình đảm bảo chất lượng vận hành và khai thác lò phản ứng; hoàn thiện quy phạm vận hành cũng như cập nhật và ban hành một số quy trình bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị và hệ thống công nghệ của lò.
Nhiệm vụ hàng đầu
Đảm bảo an toàn bức xạ luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, được Viện quan tâm đặc biệt.
Hiện, Viện đang quản lý 974 nguồn phóng xạ tại đây, bao gồm 116 nguồn phóng xạ đang sử dụng (trong đó có 47 nguồn phóng xạ trên mức miễn trừ), 858 nguồn phóng xạ không được sử dụng đang được lưu trữ tại kho nguồn của Viện.
Nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, quản lý lưu giữ tập trung nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, đảm bảo an toàn và an ninh nguồn phóng xạ, trong năm 2018 Viện đã tiếp nhận 27 nguồn phóng xạ đã qua sử dụng từ các cơ sở bức xạ trong nước về lưu giữ tại đây.
Cũng trong năm 2018, Viện đã tổ chức lại nhân sự chuyên trách công tác đảm bảo an toàn bức xạ, đề cử lại nhân sự phụ trách an toàn bức xạ của các đơn vị trực thuộc.
Theo Ban Giám đốc, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định của pháp luật trong việc khai báo, xin cấp phép sử dụng các nguồn phóng xạ, giấy phép tiến hành hoạt động bức xạ; công tác đào tạo về an toàn bức xạ cho nhân viên, kiểm soát liều chiếu cá nhân…
Trong năm, thông qua nhiệm vụ cấp Bộ với kinh phí 210 triệu đồng, Viện đã kiểm soát liều chiếu ngoài cho khoảng 150 nhân viên bức xạ của Viện; kiểm soát định kỳ hằng tháng nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt và suất liều tại khu vực lò phản ứng và các phòng thí nghiệm; kiểm soát nồng độ phóng xạ I-131 tại 3 vị trí trong khu nhà chính vào các đợt sản xuất đồng vị phóng xạ.
Viện cũng thực hiện việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm cho khoảng 170 nhân viên bức xạ của Viện. Thông qua kiểm soát liều chiếu cá nhân đối với nhân viên nên trong năm 2018 không ghi nhận có bất kỳ trường hợp cá nhân nào có liều hiệu dụng tích lũy vượt mức qui định.
Trong công tác đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên, Viện đã tuân thủ đúng theo các nội dung quy định của Cục An toàn bức xạ hạt nhân; các loại giấy phép hoạt động của cơ sở bức xạ được đăng ký và gia hạn theo đúng quy định hiện hành.
Như Ban Giám đốc Viện khẳng định, Lò phản ứng trong nhiều năm nay luôn được vận hành an toàn, không xảy ra một sự kiện bất thường nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân viên vận hành cũng như với môi trường xung quanh.
Trong năm 2019 này, Viện cho biết sẽ tiếp tục tổ chức từ 12 - 14 đợt chạy lò dài ngày cho lò phản ứng, mỗi đợt từ 120 - 150 giờ cho nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất đồng vị phóng xạ cũng như cho nhiều hoạt động khác.
Viện trong vận hành và khai thác lò, sẽ tiếp tục chương trình đảm bảo chất lượng (QA) đồng thời cập nhật các quy trình, quy phạm trong vận hành và khai thác Lò phù hợp với yêu cầu mới; khai thác hiệu quả các thiết bị hiện đại tại Viện.
Viện trong công tác an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh và xử lý thải phóng xạ, sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra an toàn bức xạ, an toàn điện và an toàn lao động trong đơn vị, đảm bảo tần suất kiểm tra 4 tháng/ lần, đồng thời đẩy mạnh công tác bảo vệ an ninh cho cơ sở hạt nhân.
VIẾT TRỌNG