Quyền tự do cư trú của công dân được quy định trong Luật cư trú có hiệu lực đã 10 năm qua. Lâm Ðồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung với tiềm năng đa dạng đã thu hút số lượng lớn dân di cư tự do.
[links(right)]
Quyền tự do cư trú của công dân được quy định trong Luật cư trú có hiệu lực đã 10 năm qua. Lâm Ðồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung với tiềm năng đa dạng đã thu hút số lượng lớn dân di cư tự do. Theo đánh giá của Bộ Công an, hiện nay tình trạng di cư tự do tại khu vực Tây Nguyên đã tương đối ổn định nhưng vẫn còn tiếp diễn và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp gây sức ép lớn đến các vấn đề an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế của vùng và công tác bảo đảm an ninh trật tự.
10 năm “đất lành chim đậu”
Theo thông tin từ Bộ Công an, ở nước ta di cư tự do xuất hiện khá sớm và diễn ra đa dạng, phức tạp. Trong những năm đầu đổi mới nổi lên tình trạng di cư tự do của các DTTS phía Bắc, điểm đến của luồng di cư này tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Những năm gần đây, xuất hiện xu hướng di cư tự do qua biên giới của đồng bào DTTS, chủ yếu là sang Lào. Có khoảng 5.772 hộ với 21.936 khẩu là người Việt Nam di cư tự do từ Campuchia, Lào, Trung Quốc về nước tập trung chủ yếu ở các địa phương: Kon Tum, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị...
|
Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cấp phát thuốc miễn phí cho vùng DTTS trong tỉnh |
Số lượng dân di cư tự do có xu hướng giảm dần qua các năm, không đi theo những đợt nhiều hộ như trước nhưng diễn biến và tính chất rất phức tạp. Đối tượng dân di cư tự do gồm nhiều dân tộc khác nhau, nhưng chủ yếu là đồng bào DTTS, trong đó người Mông chiếm 70 - 80%, địa bàn dân di cư đến chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên và Bình Thuận.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên đã giảm dần qua các năm, cụ thể: Năm 2005 là 2.690 hộ; năm 2016 là 453 hộ. Từ năm 2005 đến năm 2017, tổng số hộ dân di cư tự do đến địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là khoảng 33.592 hộ với 126.727 khẩu. Trong đó: Tây Bắc có 2.306 hộ với 9.224 khẩu di cư tự do đến huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên); Tây Nguyên có 25.732 hộ với 91.703 khẩu; Tây Nam Bộ chủ yếu các hộ di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam là 5.554 hộ với 25.800 khẩu.
Nhìn chung, tình trạng di cư tự do trong thời gian qua tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ vẫn còn diễn ra, diễn biến và tính chất của các đối tượng di cư tự do mỗi vùng có các đặc thù khác nhau. Đối với các hộ dân di cư tự do vào khu vực Tây Nguyên đến từ nhiều tỉnh trong cả nước, chủ yếu là miền núi phía Bắc với thành phần dân tộc khác nhau. Từ năm 2005-2017 tổng số hộ dân di cư tự do đến Tây Nguyên khoảng 25.732 hộ với 91.703 khẩu, trong đó người Kinh 12.485 hộ (chiếm 48,5%), Mông 4.185 hộ (16,2%), Tày 1.635 hộ (6,4%), Thái 357 hộ (1,4%), Mường 759 hộ (2,9%), Nùng 290 hộ (1,1%), Dao 974 hộ (3,8%) và các dân tộc khác 5.074 hộ (19,7%). Trong đó, người Kinh di cư tự do chiếm tỉ lệ lớn nhất và chủ yếu tập trung đến các tỉnh: Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum và người Mông chủ yếu di cư tự do đến các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông.
Tây Nguyên với diện tích tự nhiên lớn khoảng 54.700 km
2, chiếm 16,3% diện tích cả nước; dân số toàn vùng hơn 6 triệu người với hơn 50 dân tộc hiện đang cư trú. Trong đó, đồng bào DTTS tại chỗ (Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Cơ Ho, Xơ Đăng, Mnông, Giẻ Triêng, Mạ, Chu Ru, RaGlai, Rơ Mâm, BRâu) chiếm khoảng 25%; đồng bào Kinh chiếm 64,7%; các DTTS nơi khác đến sinh sống chiếm hơn 10%, phần lớn đến từ các tỉnh phía Bắc (Thái, Dao, Mông, Tày, Nùng, Sán Dìu...).
|
Đồng bào DTTS phía Bắc đến Lâm Đồng được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mổ mắt miễn phí |
Các DTTS ở Tây Nguyên hiện nay không cư trú theo tộc người riêng biệt mà sinh sống xen kẽ, hòa trộn, có sự giao thoa văn hóa với người Kinh và các DTTS từ phía Bắc vào. Các tỉnh Tây Nguyên là địa bàn có đặc điểm địa lý đặc biệt, nhiều dân tộc cùng sinh sống, số lượng dân cư gia tăng cơ học theo mùa vụ cao, đặc biệt tình trạng người di cư tới sinh sống lập nghiệp ngày càng đông, tình hình an ninh chính trị vẫn còn tiềm ẩn một số nguy cơ gây mất ổn định. Những đặc điểm này ảnh hưởng trực tiếp tới công tác đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn. Trong 10 năm qua, Công an các tỉnh Tây Nguyên đã giải quyết đăng ký thường trú cho 300.115 hộ với 1.418.110 khẩu; tách sổ hộ khẩu 172.901 trường hợp; cấp mới sổ hộ khẩu 193.701 trường hợp; cấp đổi sổ hộ khẩu 336.098 trường hợp; cấp lại sổ hộ khẩu 88.280 trường hợp; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu 169.155 trường hợp. Đăng ký tạm trú cho 250.929 hộ với 1.041.000 khẩu; cấp 232.708 sổ tạm trú. Thông báo lưu trú hơn 70 triệu lượt người, khai báo tạm trú 177.475 trường hợp.
Trong tổng thể đó, dân di cư tự do đến Lâm Ðồng không chỉ ở các vùng huyện - nơi thu hút nhiều nhân lực cho sản xuất cây công nghiệp, mà còn di cư vào đô thị Ðà Lạt.
Trong 10 năm qua, Công an Đà Lạt đã tiếp nhận và đăng ký tạm trú cho 41.880 hộ với 157.739 khẩu, cấp 31.082 sổ tạm trú. Bên cạnh đó, chính quyền còn phải giải quyết vấn đề đồng bào di dân trở về làng cũ. Lâm Đồng đã nghiên cứu thực hiện các biện pháp quản lý số nhân khẩu, hộ khẩu là đồng bào DTTS di dân về làng cũ, giải quyết nơi ở và đăng ký thường trú cho 479 hộ với 2.730 khẩu; tổ chức đăng ký tạm trú cho 328 hộ với 1.895 khẩu dân tộc Mông cư trú trên địa bàn tỉnh. Liên quan đến pháp luật về cư trú, cơ quan chức năng đã tiếp nhận, giải quyết dứt điểm 32 đơn khiếu nại, 5 đơn tố cáo, không để các vụ khiếu kiện kéo dài, chuyển cơ quan tố tụng khởi tố 3 vụ có 3 bị can trong lĩnh vực quản lý cư trú.
Huyện Đam Rông thống kê đến tháng 10/2017 tổng số dân di cư tự do đến cư trú sinh sống, làm ăn trên địa bàn huyện là 1.350 hộ với 6.277 khẩu, chủ yếu là DTTS từ 14 tỉnh phía Bắc vào như: Mông 717 hộ với 3.883 khẩu; các dân tộc khác như: Tày, Thái, Thổ, Hoa, Dao, Mường 642 hộ với 2.394 khẩu. UBND huyện đã bố trí định canh, định cư cho 985 hộ với 4.404 khẩu, hiện còn 375 hộ với 1.873 khẩu là dân di cư tự do vào địa bàn huyện sinh sống tại các khu vực là đất lâm nghiệp (Tiểu khu 181, Tây Sơn, 178, 179, 182, 180 - xã Liêng Srônh).
Theo thống kê của Bộ Công an, đến nay, các vùng có dân di cư tự do đến nhiều đã sắp xếp hộ dân ở phân tán vào vùng quy hoạch ổn định đời sống và sản xuất được 75% số hộ, trong đó có khoảng 60% số hộ đã được đăng ký hộ khẩu thường trú. Chỉ tính từ năm 2015 đến 6 tháng năm 2016, Công an các tỉnh Tây Nguyên đã giải quyết đăng ký thường trú cho 4.274 hộ với 16.619 khẩu; đăng ký tạm trú 2.632 hộ với 8.951 khẩu; chưa giải quyết: 5.018 hộ với 20.549 khẩu. Nguyên nhân chưa giải quyết đăng ký thường trú, tạm trú cho các hộ di cư tự do đến địa phương chủ yếu do di dân vào ở các khu vực đất đai chưa ổn định, nhiều hộ cư trú tại các tiểu khu là đất lâm nghiệp, đất tranh chấp giữa dân di cư tự do đến với các đơn vị thực hiện dự án trồng rừng của nhà nước, đất do phá rừng, đất ngoài quy hoạch bố trí dân cư nên không đủ điều kiện về chỗ ở hợp pháp.
Bài 2: Giải pháp cho vấn đề di dân tự do
AN NHIÊN - NGUYỆT THU