Toàn huyện Bảo Lâm hiện có trên 100 câu lạc bộ, đội văn nghệ, đội cồng chiêng. Các CLB, đội văn nghệ, đội cồng chiêng này, không chỉ là món ăn tinh thần của người dân địa phương, mà còn góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.
Toàn huyện Bảo Lâm hiện có trên 100 câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ, đội cồng chiêng. Các CLB, đội văn nghệ, đội cồng chiêng này, không chỉ là món ăn tinh thần của người dân địa phương, mà còn góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.
|
Một buổi tập đánh chiêng của các thành viên trong Đội Cồng chiêng xã Lộc Ngãi. Ảnh: T.C |
Chú trọng gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống
Nhiều năm qua, CLB Đàn tính hát Then xã Lộc Ngãi và CLB Đàn tính hát Then xã B’Lá luôn đầy ắp tiếng cười của những người yêu văn nghệ, trở thành nguồn cổ vũ, động viên tinh thần với những người nông dân nơi đây. Cứ vào những dịp 2 CLB diễn, người dân lại í ới gọi nhau đến xem, để được thả hồn dõi theo những lời ca, điệu nhạc của những nghệ sĩ nông dân. Ông Bế Đình Lân, CLB Đàn tính hát Then xã Lộc Ngãi, chia sẻ: “Với người Tày, người Nùng, Then không chỉ là khúc hát cầu an lành đầu xuân, mà còn gắn với sinh hoạt tín ngưỡng. Hát Then đàn Tính trở thành nét đẹp văn hóa của người Tày, người Nùng. CLB ra đời là để gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của Then. Chúng tôi sẵn sàng bỏ công sức tập luyện chỉ mong muốn đem lại niềm vui, tiếng cười sảng khoái cho người dân quê”.
Chính tình yêu văn nghệ, khát khao cống hiến đó mà các thành viên CLB Đàn tính hát Then xã Lộc Ngãi có những hoạt động sưu tầm, phục dựng các điệu Then cổ, tổ chức những hội diễn văn nghệ, tham gia các liên hoan nghệ thuật quần chúng... để phát huy vẻ đẹp văn hóa của Then. “Những tiết mục của CLB Đàn tính hát Then xã Lộc Ngãi đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Nét diễn mộc mạc, dung dị, sự xúc động từ giọng hát, điệu đàn chưa phải đã mượt mà nhưng đong đầy tình yêu văn nghệ đem lại cho người xem cảm giác như chính mình đang đứng trên sân khấu kể lại chuyện của mình, kể về cái hay, cái đẹp của quê hương”, bà Lục Thị Kim nói về CLB Đàn tính hát Then của xã mình.
Cũng có cùng mục đích lưu giữ nét đẹp văn hóa Then như CLB Đàn tính hát Then xã Lộc Ngãi, các thành viên CLB Đàn tính hát Then xã B’Lá là lực lượng chính trong các hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở địa phương. Hàng năm, CLB Đàn tính hát Then xã B’Lá tham gia dàn dựng chương trình biểu diễn phục vụ Nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội truyền thống, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Trong nhiều đại hội, hội nghị, hội thi, hội diễn văn nghệ của các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương, CLB Đàn tính hát Then xã B’Lá đều có mặt tham gia biểu diễn. Mặc dù không cầu kỳ như nghệ thuật chuyên nghiệp, song với sự bền bỉ, nhất là lòng đam mê của những thành viên CLB Đàn tính hát Then xã B’Lá đã làm cho Then ăn sâu, bám chắc vào đời sống tinh thần của người dân lao động địa phương.
Với người bản địa Tây Nguyên như người Mạ, người K’Ho thì Không gian văn hóa cồng chiêng là một di sản văn hóa rất đặc biệt. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy di sản này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hiện nay, 12 xã, thị trấn trong tổng số 14 xã, thị trấn của huyện Bảo Lâm đều có đội cồng chiêng, thường xuyên cùng nhau tập luyện và tham gia biểu diễn mỗi khi có các sự kiện văn hóa, văn nghệ do xã, hoặc huyện tổ chức.
Hỗ trợ các sản phẩm văn hóa phục vụ công tác bảo tồn
Theo bà Vũ Thị Thanh Lý, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lâm, với mục đích nâng cao chất lượng các phong trào văn nghệ quần chúng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân, trong năm 2018, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lâm đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng mở 2 lớp truyền dạy cồng chiêng cho gần 100 thanh niên người Mạ, người K’Ho tại các xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Thành, Lộc Nam và mở 2 lớp truyền dạy đàn Tính hát Then, dân ca 3 miền cho đội ngũ văn nghệ quần chúng tại các xã B’Lá, Lộc Ngãi và Lộc An, cũng như thành lập mới 10 đội cồng chiêng. Ngoài ra, trong năm 2018, Bảo Lâm còn trang bị 2 bộ cồng chiêng cho xã Lộc Tân và Lộc Lâm, 12 bộ trang phục truyền thống cho 12 người Mạ trong Đội cồng chiêng xã Lộc Bắc, trang bị 15 bộ âm thanh cho 15 thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và trang bị 3 bộ dàn âm thanh cho Nhà văn hóa xã Lộc Nam, Lộc Bắc, Lộc Bảo. “Ngoài việc quan tâm đầu tư các sản phẩm, thiết chế văn hóa, Bảo Lâm còn chủ động xây dựng, duy trì các CLB, đội văn nghệ, đội cồng chiêng, cũng như cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở, hướng dẫn cách dàn dựng chương trình, nâng cao kỹ năng biểu diễn cho các hoạt động văn nghệ quần chúng. Nhờ vậy, chất lượng biểu diễn của các CLB, đội văn nghệ, đội cồng chiêng được nâng lên rõ rệt. Nhiều tiết mục đã khai thác được nét văn hóa đặc sắc của từng địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn huyện Bảo Lâm cũng đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo động lực để phát triển văn nghệ quần chúng trong vùng dân tộc thiểu số”, bà Vũ Thị Thanh Lý cho biết.
Bằng tình yêu nghệ thuật và niềm tự hào truyền thống văn hóa, các CLB, đội văn nghệ, đội cồng chiêng này đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, không chỉ mang lời ca, tiếng hát, điệu đàn, nhịp chiêng góp vui cho đời mà còn truyền tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân. Vì thế, mỗi tiết mục văn nghệ luôn đậm chất quê hương, trong sáng và chân thật.
TRỊNH CHU