Di cư là một yếu tố tất yếu trong quá trình phát triển; di cư tạo cơ hội về kinh tế và giáo dục tốt hơn, góp phần cải thiện cuộc sống của người di cư và gia đình họ. Tuy nhiên, vấn đề này đặt ra thách thức và áp lực cho các cấp Trung ương và địa phương không hề nhỏ.
Giải pháp cho vấn đề di dân tự do
[links(right)]
Di cư là một yếu tố tất yếu trong quá trình phát triển; di cư tạo cơ hội về kinh tế và giáo dục tốt hơn, góp phần cải thiện cuộc sống của người di cư và gia đình họ. Tuy nhiên, vấn đề này đặt ra thách thức và áp lực cho các cấp Trung ương và địa phương không hề nhỏ. Cần có nhiều chính sách phù hợp và đồng bộ để đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo môi trường sống, đất đai...; hướng đến đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
|
Toàn cảnh buổi hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về di cư” |
Nếu như giai đoạn trước 1990, người dân thường là di cư theo kế hoạch thì đến nay chủ yếu là di cư tự do. Theo kết quả điều tra di cư nội địa quốc gia 2015, từ năm 2010 đến năm 2015, 13,6% dân số là người di cư, trong đó, 31,6% luồng di cư là di cư thành thị - thành thị, 36,2% là di cư nông thôn - thành thị, 12,6% di cư thành thị - nông thôn, 19,6% di cư nông thôn - nông thôn. Việc di cư chủ yếu xuất phát từ lý do kinh tế (34,7%), tiếp đến là lý do gia đình (25,5%) và 23,4% là vì lý do học tập.
Thấy được di cư là xu hướng tất yếu của quá trình toàn cầu hóa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mỗi quốc gia, trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến vấn đề di cư. Đã có nhiều văn bản của Đảng về vấn đề này. Gần đây nhất, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 về công tác dân số trong tình hình mới nêu 3 mục tiêu và các giải pháp có liên quan đến di cư. Các mục tiêu được đưa ra: “Tỷ lệ dân số đô thị đạt 45%; Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản; 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc”. Những giải pháp được xác định: “Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng với các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ thỏa đáng để thu hút, tạo điều kiện cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài ở các khu vực khó khăn, trọng yếu về an ninh, quốc phòng”, “Ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, người cao tuổi, đồng bào dân tộc ít người, người di cư... đều thực sự bình đẳng về cơ hội tham gia, thụ hưởng thành quả phát triển”.
Về phương diện Luật, tuy hiện nay Việt Nam không có văn bản Luật nào quy định về vấn đề di cư nhưng đã có không dưới 10 văn bản Luật có quy định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người di cư nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người di cư và đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh. Tiêu biểu là Pháp lệnh dân số, Luật Cư trú, Luật Đất đai, Luật Hộ tịch, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Luật lao động...
|
Biểu đồ phân bố phần trăm người di cư sở hữu thẻ bảo hiểm y tế giữa năm 2004 và 2015 theo giới tính |
Trong thời gian qua, di cư tạo cơ hội để người di cư có thêm cơ hội phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống và được tiếp cận các dịch vụ giáo dục tốt hơn. Và hơn hết, là di cư đã góp phần không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nơi đến.
Tuy nhiên, vẫn còn hiện hữu những khó khăn của người di cư trong việc thụ hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận nhà ở, lao động, hộ khẩu. Đồng thời là những thách thức, áp lực đối với chính quyền trung ương và địa phương trong hoạt động quản lý di cư, phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thiện chính sách nhằm đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho người di cư và gia đình họ; bảo đảm phân bố dân số hợp lý giữa các vùng, miền và trật tự, an toàn xã hội, môi trường, đất đai...
Từ thực tiễn nêu trên, với trách nhiệm là cơ quan được Quốc hội giao phụ trách lĩnh vực y tế, dân số, để triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và hoàn thiện pháp luật về quyền con người, về chính sách xã hội, thực hiện công bằng xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, với sự hỗ trợ của Quỹ dân số Liên hợp quốc; Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo tại Đà Lạt về ‟Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về di cư” đạt kết quả đề ra. Qua đó, đã trưng cầu các ý kiến đóng góp và đề ra những giải pháp hữu hiệu trong thời gian đến nhằm xây dựng pháp luật và đề ra các chính sách phù hợp.
Trong đó, yêu cầu trước mắt cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của chính quyền các cấp ở cả nơi đi và nơi đến nhằm giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng dân di cư tự do. Quản lý chặt chẽ dân cư, nắm chắc hộ khẩu, nhân khẩu, biến động về lao động (nhất là cấp xã, thôn, bản), xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm pháp luật diễn ra trên địa bàn. Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bố trí dân cư. Phát huy vai trò vận động các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để vận động bà con không nghe theo các luận điệu xuyên tạc, lôi kéo, kích động làm mất trật tự an toàn xã hội. Thuyết phục đồng bào tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống bền vững để không di cư tự do đi nơi khác.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội thì từ chuyến khảo sát thực địa tại khu tái định cư, ổn định dân di cư tự do Đạ M’Pô, xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông, Lâm Đồng vừa qua, các đại biểu đã tận mắt chứng kiến thực trạng của di cư tự do tại khu vực Tây Nguyên và thấy được những vấn đề cần tiếp tục phát huy; đi đôi với đó là những yếu tố cần phải bàn và tháo gỡ về mặt chính sách ở cấp độ trung ương cũng như địa phương. Đây chính là cơ sở để các đại biểu đề xuất những kiến nghị về chính sách liên quan một cách phù hợp trên cơ sở thực tiễn Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.
Ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, các đại biểu Quốc hội về giải pháp giải quyết dân di cư tự do
Ông Lê Văn Sơn - Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tổ chức lại sản xuất, phát triển các trang trại, tổ hợp tác tại các vùng có dân di cư đến. Tăng cường khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ, ứng dụng biện pháp canh tác bền vững. Các địa phương cần chủ động rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng và phát triển rừng, lồng ghép với chương trình bố trí dân cư. Trước mắt, đến năm 2020 bố trí khoảng 16.891 ha đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do tại các tỉnh Tây Nguyên từ quỹ đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đã giao về cho địa phương quản lý. Trong đó, dự kiến Lâm Đồng là 978 ha, Đắk Lăk là 5.906 ha, Kon Tum là 2.146 ha và Đắk Nông là 5.224 ha. Cần xử lý nghiêm và kịp thời các điểm nóng về tranh chấp đất đai và các đối tượng kích động lôi kéo đồng bào di cư tự do đi phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Ðoàn chuyên trách Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Ðồng
Để thực hiện giải pháp bố trí, sắp xếp ổn định cho hơn 22 ngàn hộ dân di cư tự do chưa được bố trí, sắp xếp; đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sớm cho chủ trương các địa phương rà soát, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các loại đất rừng nhưng thực tế không có rừng. Các loại đất đó đã được các địa phương quy hoạch dự án, bố trí sắp xếp ổn định dân di cư tự do trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên. Qua đó tạo thêm quỹ đất thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về việc cấp hộ khẩu thường trú cho các hộ dân di cư tự do, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ông Giàng A Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
Đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư nghiên cứu, có giải pháp cân đối, bố trí kinh phí để các địa phương hoàn thành các dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do theo kế hoạch, quy hoạch đã được phê duyệt. Cần xây dựng mới một số dự án cấp bách để giải quyết một số địa bàn có đông dân di cư tự do nhưng chưa được bố trí vào các dự án. Đề nghị cần thống nhất giải pháp, khẩn trương xác minh, hoàn thiện hồ sơ, thực hiện việc nhập khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân, đăng ký tạm trú, thường trú... theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân, bảo đảm quản lý chặt chẽ dân cư, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, bảo đảm các cơ sở hạ tầng, điều kiện học tập cho trẻ em trong độ tuổi đến trường, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, cấp thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện công tác kiểm soát dân số, trong địa bàn có dân di cư tự do.
|
AN NHIÊN - NGUYỆT THU