Có một hội thi do Ðà Lạt phát động lâu nay được đông đảo cộng đồng dân cư thành phố không chỉ tự nguyện tham gia mà còn thực hiện rất tốt.
Có một hội thi do Ðà Lạt phát động lâu nay được đông đảo cộng đồng dân cư thành phố không chỉ tự nguyện tham gia mà còn thực hiện rất tốt.
|
Bà con tại Thánh Mẫu, Phường 7 tham gia bảo vệ môi trường. Ảnh: Văn Báu |
Tham gia đông đảo
Một thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Lạt, đơn vị phụ trách Hội thi “Xanh - sạch - đẹp” - 2018 cho biết, đã có trên 93% hộ gia đình đăng ký hưởng ứng, trong đó có trên 37% số hộ gia đình tại thành phố với trên 15.200 hộ dân đăng ký tham gia. Cùng đó, toàn bộ 249 khu dân cư trên địa bàn; toàn bộ trường học; khoảng 89% số công sở cơ quan, đơn vị; 95,5% cơ sở tôn giáo với 86 đền chùa, nhà thờ… cũng cùng vào cuộc nhằm chào mừng 125 năm thành phố hình thành và phát triển.
Phát động ngay từ đầu năm 2018, đây đã lần thứ 13 Đà Lạt tổ chức cuộc thi hằng năm ở 2 cấp - cấp phường, xã và cấp thành phố với mục tiêu hướng đến một đô thị xanh và sạch hơn. Có 5 nhóm tham gia dự thi, bao gồm: nhóm các cơ quan đơn vị, nhóm trường học, nhóm cơ sở tôn giáo, nhóm khu dân cư và nhóm các gia đình với những tiêu chí cụ thể đề ra từ đầu cho từng nhóm. Đó là việc xây dựng các khu dân cư với các tuyến đường trồng hoa và cây xanh, các con đường và suối không rác; xây mới hoặc đầu tư, tôn tạo các công trình xanh - sạch - đẹp đã có lâu nay; trồng hoa, cây cảnh trong khuôn viên nhà ở, trong cơ quan đơn vị, khu dân cư, cơ sở tôn giáo, trường học…
Trên cơ sở những tiêu chí này, như Ban tổ chức Hội thi cho biết, trong năm 2018 nhiều khu dân cư trong thành phố đã thực hiện rất tốt việc vận động người dân trên địa bàn ra quân “Ngày chủ nhật xanh” với trên 6.400 lượt người tham gia, phát quang tổng cộng trên 42 km đường; nạo vét, khơi thông khoảng 35 km suối và cống rãnh, thu gom bùn đất, rác thải.
Nhiều cộng đồng dân cư nơi có các con suối đi qua, các cấp cơ sở trong năm đã tăng cường vận động người dân ký cam kết không vứt rác, phụ phẩm nông nghiệp xuống suối; vận động thực hiện văn minh đô thị, không lấn chiếm lề đường làm nơi buôn bán ở các tuyến phố; vận động tự tháo dỡ các bảng quảng cáo sai quy định; không vứt rác ra đường, bỏ rác đúng giờ quy định…
Các khu dân cư, các thôn, xóm cũng vận động dân trồng thêm hoa, cây xanh, cây cảnh trong khuôn viên và ven đường trước nhà để làm đẹp khu phố; vận động người dân đóng góp để xây dựng các công trình dân sinh như làm đường giao thông nông thôn, hội trường sinh hoạt, bắc đèn chiếu sáng, nâng cấp đường hẻm, bắc camera an ninh… Tổng cộng người dân Đà Lạt trong năm 2018 đã đóng góp trên 18,2 tỷ đồng, hiến trên 2.000 m
2 đất cho các công trình công cộng này.
Với công sở, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở tôn giáo…; các cấp cũng vận động trồng thêm hoa, thảm cỏ, cây xanh, trồng dây leo lên hàng rào, xây dựng các bồn cảnh, các công trình làm đẹp cảnh quan…
Tổng cộng Đà Lạt đã trao 638 giải thưởng cho các gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở tôn giáo trong năm 2018, trong đó có 560 giải cấp phường - xã (bao gồm 416 giải gia đình, 113 giải khu dân cư, 31 giải cơ sở tôn giáo) và 78 giải cấp thành phố cho 5 nhóm (với 6 giải nhất, 12 giải nhì, 17 giải ba và 44 giải khuyến khích).
Cho một thành phố xanh và sạch hơn
Theo ông Trần Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Cuộc vận động “Xanh- sạch - đẹp” phát động tại Đà Lạt lâu nay không chỉ dừng lại ở từng hội thi hằng năm mà đây là một hoạt động thường xuyên, liên tục, được kế thừa và phát triển trong nhiều năm nay với mục tiêu khơi dậy, phát huy nội lực, nhằm giữ gìn, tôn tạo thành phố du lịch này theo hướng văn minh, thân thiện, phát triển bền vững.
Như đánh giá của Mặt trận thành phố, hội thi cho đến nay qua 13 lần tổ chức đã tạo nên những tác động tích cực trong cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần chuyển biến nhận thức của người dân trên địa bàn, phát huy được các nguồn lực trong xã hội, tạo sự đồng thuận từ các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở tôn giáo cũng như của các cộng đồng dân cư trong công tác chỉnh trang đô thị, giữ gìn môi trường sinh thái, đưa Đà Lạt ngày càng xanh, sạch và đẹp hơn.
Tuy nhiên, như ông Trần Đình Dũng chỉ ra, vẫn còn không ít hộ dân trong thành phố dường như vẫn đứng ngoài cuộc với cuộc vận động này; rất nhiều con phố, ngõ hẻm, đoạn suối còn rác thải vứt bừa bãi; tình trạng đổ phế liệu không đúng nơi quy định; bỏ rác chưa đúng giờ trên nhiều con đường; nhiều gia đình có cơ sở sản xuất, chăn nuôi trong khu dân cư chưa có biện pháp cụ thể để xử lý rác thải, phụ phẩm nông nghiệp, cứ vứt bừa xuống suối…
Cùng đó, việc đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng mô hình khu dân cư tự quản về vệ sinh môi trường, xây dựng các tuyến đường văn minh đô thị kiểu mẫu, khu dân cư không rác, phường không rác; việc thành lập tổ kiểm tra vệ sinh môi trường tại các phường - xã để thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở, đề nghị xử phạt các trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường vẫn còn chưa được hệ thống chính trị phường xã, tổ dân phố, thôn quan tâm chú trọng.
Chính vì vậy, Ủy ban Mặt trận thành phố trong dịp này đã kêu gọi các cấp chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị cùng toàn thể người dân trong thành phố tích cực tham gia phong trào “Xây dựng Đà Lạt văn minh, thân thiện, hiện đại, thành phố thông minh”, gắn kết với Hội thi “Xanh - sạch - đẹp” lần thứ 14 - 2019 ngay từ đầu năm, đặc biệt khi năm nay lại diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII.
Trong nhiều giải pháp nêu ra, theo ông Dũng, Đà Lạt nên kiên trì xây dựng mô hình “Tổ nhóm tự quản về vệ sinh môi trường” ở từng phường, xã, địa bàn khu dân cư nhằm động viên người dân, nhắc nhở phê bình các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình bỏ rác không đúng giờ, đúng nơi qui định.
Ông Dũng cũng đề nghị các cơ quan, phòng - ban chức năng của Đà Lạt, các phường - xã cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường ở địa bàn khu dân cư, từng bước có phương án vận động người dân thực hiện đề án phân loại rác thải ngay từ gia đình trước khi xử lý tập trung; đồng thời đề nghị Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt và thành phố cần đầu tư trang thiết bị phục vụ thu gom, xử lý rác thải; bố trí thêm các thùng đựng rác có nắp đậy tại các điểm tập kết rác, bố trí phương tiện thu gom rác hợp lý hơn trên các tuyến đường, kể cả ở các xã vùng ven và kịp thời giải quyết những đề nghị, đề xuất của các khu dân cư liên quan đến đảm bảo vệ sinh môi trường để phong trào xanh - sạch - đẹp trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển sâu rộng và đạt hiệu quả thiết thực hơn.
VIẾT TRỌNG