Không bằng lòng với hiện tại, Trần Vũ Trường (33 tuổi) - người thợ giỏi trẻ tuổi của Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Ðồng chọn con đường nhiều thử thách khi bắt mình phải luôn luôn quan sát, học hỏi, dám đổi mới để làm nên những thay đổi tích cực. Ðó có lẽ là lý do khiến trong 6 năm công tác, người thợ trẻ này đã có nhiều sáng tạo hữu ích cho nơi mình làm việc.
Không bằng lòng với hiện tại, Trần Vũ Trường (33 tuổi) - người thợ giỏi trẻ tuổi của Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Ðồng chọn con đường nhiều thử thách khi bắt mình phải luôn luôn quan sát, học hỏi, dám đổi mới để làm nên những thay đổi tích cực. Ðó có lẽ là lý do khiến trong 6 năm công tác, người thợ trẻ này đã có nhiều sáng tạo hữu ích cho nơi mình làm việc.
|
Đối với anh Trần Vũ Trường (bên trái), người trẻ có nhiều cơ hội để thử thách bản thân. Ảnh: V.Q |
Công ty Nhôm Lâm Đồng những ngày cuối năm. Không khí làm việc, sản xuất dường như tất bật, khẩn trương hơn. Anh Trường tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của mình.
Trường sinh năm 1985 ở vùng đất võ Bình Định. Đến năm 8 tuổi, anh rời quê hương, cùng gia đình lên xứ B’Lao lập nghiệp, và gắn bó với quê hương thứ 2 này cho đến tận bây giờ.
Cũng chính vì sự gắn bó đó mà năm 2007, khi đang học dở năm 3 ngành Cơ khí động lực, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Trường đã quyết định bảo lưu kết quả để nắm lấy suất học bổng của Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam sang Trung Quốc học tập. Anh chia sẻ rằng, đó không chỉ là cơ hội để anh sang nước ngoài, học hỏi những yếu tố tiên tiến, mà còn là cơ hội để anh được phục vụ cho địa phương mình, ở lại, làm việc và gắn bó với mảnh đất anh đã lớn lên.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp ngành Luyện kim, Trường ĐH Côn Minh, Trung Quốc, Trường trở về và ngay lập tức nhận nhiệm vụ là trưởng ca phân xưởng cô đặc, sau đó công tác tại Phòng Điều hành sản xuất nhà máy alumin. Với vai trò là nhân viên giỏi nhóm A phụ trách công nghệ, Trần Vũ Trường đã cùng các cộng sự thực hiện tốt công việc, nhiệm vụ được giao. Anh xây dựng, đề ra kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị công nghệ cho phân xưởng phụ trách; Phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp nâng cao công tác vận hành thiết bị, hệ thống tối ưu hóa dây chuyền.
Bênh cạnh đó, anh đưa ra các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động của thiết bị, hệ thống; Lập phương án/giải pháp khắc phục tồn tại hoặc cải tạo hệ thống; Phân tích, đánh giá chỉ tiêu công nghệ kỹ thuật của các tháng, trên cơ sở đó xây dựng chỉ tiêu công nghệ kỹ thuật các kế hoạch dài hạn các năm tới,...
Anh Trường chia sẻ rằng: “Dù làm bất cứ công việc gì hay ở vị trí nào, tôi cũng luôn chú trọng việc học hỏi, trau dồi thêm kiến thức. Việc thường xuyên trao đổi cùng với các đồng nghiệp cũng giúp tôi thực hiện tốt công việc được giao. Ngoài ra, tôi thường chủ động đề xuất với lãnh đạo dự báo tình hình xử lý công nghệ trong thời gian tiếp theo để có hướng xử lý công việc tốt nhất”.
Có lẽ vì tinh thần ham học hỏi và đổi mới đó mà Trần Vũ Trường đã liên tục có nhiều sáng kiến hữu ích cho công ty. Năm 2016, Trường có sáng kiến lắp cải tạo đầu ra bơm chân không (S018) phân xưởng nung hydrat nhằm ngăn chặn hơi nước mang kiềm ra ngoài môi trường, đảm bảo sản xuất an toàn, đảm bảo cho người vận hành.
Sáng kiến cải tiến nâng cao hiệu quả của lưu trình công nghệ sản xuất tại Nhà máy alumin Tân Rai - Lâm Đồng đã nhận được giải ba của Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm D9ồng lần thứ 8. Sáng kiến này đã giúp cho công ty chủ động trong công tác dừng nhà máy, giảm tải sản xuất hoặc cách ly từng bồn kết tinh ra vệ sinh, khôi phục nhà máy nhanh chóng sau khi dừng sản xuất mà không làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu công nghệ, giảm chi phí làm sạch cho thiết bị.
Năm 2017, anh Trường có sáng kiến lắp hộp chứa axit HNO
3 để vệ sinh, ngâm rửa các thiết bị trao đổi nhiệt dạng tấm mang hiệu quả cho sản xuất, đảm bảo lưu trình sản xuất liên tục và ổn định, cân bằng nhiệt độ và mức lỏng cho toàn nhà máy. Riêng trong năm 2017, Trần Vũ Trường đã có tổng cộng 3 sáng kiến được công nhận, đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp công ty năm 2017.
Năm 2018, anh lại nghĩ ra việc đưa một phần nhiên liệu của thiết bị cô đặc cấp VI về bồn sau cô đặc mang lại hiệu quả cao cho sản xuất, loại nước dư thừa trong sản xuất ra môi trường, cân bằng mức lỏng trong toàn nhà máy, đảm bảo sản xuất tải cao liên tục và ổn định.
Theo Trần Vũ Trường, quan sát và nghiên cứu là 2 điều quan trọng nhất trong công việc. Bởi theo anh: “Ngành sản xuất nhôm alumin là một ngành công nghiệp rất mới đối với nước ta. Chúng tôi học ở Trung Quốc về, áp dụng kiến thức vào công việc, tuy nhiên phải ứng dụng một cách linh hoạt, bởi công nghệ sản xuất của Trung Quốc không phải là hoàn toàn phù hợp với điều kiện nguyên liệu quặng bôxit của Việt Nam. Chính vì vậy, trong quá trình làm việc, mình cần quan sát, nghiên cứu và đưa ra các cải tiến thật sự phù hợp”.
6 năm công tác, Trường cho rằng, đó vẫn chỉ là một khoảng thời gian rất ngắn. Thuận lợi của anh không chỉ nằm ở chỗ thông thạo tiếng Trung Quốc sau thời gian 5 năm sống và học tập - nên có thể đọc thêm nhiều tài liệu nguyên bản. Mà thuận lợi hơn, theo anh chia sẻ là: “Tôi vẫn đang là một người trẻ. Chính vì trẻ nên tôi nghĩ rằng mình phải dám suy nghĩ táo bạo, dám mạo hiểm để tạo nên những thay đổi. Điều quan trọng ở đây là tôi biết mình còn thiếu kinh nghiệm, nên khi đưa ra một phương án nào đó, tôi phải tham khảo, trao đổi nhiều với những người đi trước có kinh nghiệm hơn để thật sự chắc chắn về quyết định ấy”.
VIỆT QUỲNH