Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nhiều cựu chiến binh vượt qua khó khăn thử thách để vươn lên thoát nghèo bằng việc xây dựng các mô hình sản xuất như trang trại hay vườn rau mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nhiều cựu chiến binh (CCB) vượt qua khó khăn thử thách để vươn lên thoát nghèo bằng việc xây dựng các mô hình sản xuất như trang trại hay vườn rau mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Vườn rau công nghệ cao của ông Phạm Ngọc Tổng. Ảnh: T.Hiền |
Tham quan mô hình trang trại sinh thái của ông Âu Xuân Hồng (60 tuổi - thôn Pré, Phú Hội, Đức Trọng), chúng tôi khá bất ngờ khi nhìn thấy cơ ngơi trang trại khang trang của ông. Với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, ông luôn tìm tòi và ham học hỏi để phát triển kinh tế trong gia đình. Nhận thấy mô hình trang trại nuôi heo siêu nạc và gà cho thu nhập cao, ông Hồng mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển mô hình trang trại chăn nuôi.
Tận dụng hết diện tích trong vườn và cả những thời gian rảnh rỗi, ông Hồng mở rộng trang trại và đầu tư với số lượng nhiều hơn 2.800 con heo, 30 ngàn con gà và 100 con bò. Đến nay cũng đã được 3 năm từ lúc ông có trang trại chăn nuôi, nhờ cần cù, chịu khó, người cựu quân nhân đã trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi được nhiều người biết đến. Mở rộng mô hình, ông Hồng liên kết với Công ty Thái Lan đầu tư tại Việt Nam để chủ động đầu ra và thu lãi gần 200 triệu đồng cho mỗi lứa heo và gà. Làm kinh tế giỏi, ông còn chủ động tạo công ăn việc làm cho người dân xung quanh với mong muốn sẽ giúp đỡ được phần nào cho cuộc sống của bà con trong vùng. Ông Hồng chia sẻ: “Vùng đất Pré chủ yếu là đất mỡ, nếu trồng cây hoa màu thì đến khi nào mới thoát nghèo được. Gọi là mô hình trang trại sinh thái vì cái này tôi làm đều đảm bảo môi trường sạch, các chất thải từ bò, heo, gà tôi đều có một quy trình để không gây ô nhiễm hay bốc mùi ảnh hưởng đến người xung quanh”.
Cũng giống như ông Hồng, trở về địa phương sau những năm tháng trong quân ngũ, ông Phạm Ngọc Tổng (xã Hiệp An - Đức Trọng) vẫn nêu cao tinh thần người lính. Năm 2011, ông bắt đầu triển khai mô hình trồng rau công nghệ cao trên mảnh đất mình đang có. “Hiện tại, tôi sử dụng diện tích đất của gia đình để trồng rau như: súp lơ, xà lách các loại, cà chua và cấy mô. Những loại rau, củ này sẽ được siêu thị ở Đà Lạt thu mua lại, trừ toàn bộ chi phí về điện, nước, công chăm sóc thì mỗi tháng gia đình tôi thu nhập 30 triệu đồng/sào”, ông Tổng cho hay.
Không chỉ hai mô hình tiêu biểu trên, nhiều mô hình phát triển và cải thiện kinh tế trong gia đình hội viên như: Mô hình nông nghiệp Hợp tác xã Bơ tại xã Hòa Bắc; mô hình phát triển nghề nuôi tằm ở Cát Tiên; mô hình phòng cháy, chữa cháy tại Lạc Dương; mô hình chế biến mắc ca Di Linh...
Có được phong trào “CCB làm kinh tế” là từ nhiều năm qua, Hội CCB tỉnh Lâm Đồng đã nêu cao được tinh thần tự lực, tự cường, chủ động và sáng tạo phát triển kinh tế trong các cá nhân, tập thể trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, xác định phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội CCB tỉnh đã phát động phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đến từng cán bộ, hội viên CCB. Vì vậy, những năm gần đây, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được triển khai rộng khắp, góp phần tạo sự đồng thuận, đoàn kết giữa các hội viên Hội CCB. Đồng thời tạo sự gắn bó mật thiết giữa tổ chức Hội với từng hội viên. Từ những việc làm cụ thể đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB tiêu biểu giúp nhau giảm nghèo, vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Trần Thống - Trưởng Ban Tuyên giáo CCB tỉnh cho biết, hiện nay, các CCB không chỉ chăm lo phát triển kinh tế mà còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau bằng việc xây dựng quỹ Hội với nhiều phong trào như: Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ hỗ trợ giảm nghèo, xóa nhà tạm. Thông qua những hoạt động làm kinh tế, giúp nhau giảm nghèo đã tăng cường đoàn kết, gắn bó tình đồng chí, đồng đội ngày càng khăng khít hơn.
Theo Hội CCB tỉnh, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 45/2.800 hội viên đang làm kinh tế giỏi và thu nhập bình quân mỗi hội viên là 1,5 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho từng hội viên phát triển, những năm qua, Hội CCB tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Dịch vụ, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến lâm... tổ chức 6-10 lớp tập huấn. Thông qua các lớp tập huấn, hội viên được nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.
Hình ảnh CCB một lần nữa được khẳng định cho vẻ đẹp ý chí, phẩm chất đáng quý của người lính giữa thời bình, góp phần xây dựng quê hương ngày một ấm no và tươi đẹp hơn.
THÂN THU HIỀN