Tổng kết năm 2018, Hội Phụ nữ tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Tổng kết năm 2018, Hội Phụ nữ tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
|
Hội viên phụ nữ Đà Lạt nhạy bén trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng năng suất cây trồng. Ảnh: A.N |
Qua nhiều năm triển khai hiệu quả chương trình này, năm 2018, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh tiếp tục hỗ trợ phụ nữ tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh, bền vững. Hội tiếp tục tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên phụ nữ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ toàn tỉnh trên 1.172 tỷ đồng với 36.957 hộ vay tại 924 tổ, nợ quá hạn 2,189 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,19%). Tiếp tục thu hồi và giải ngân Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ nghèo với dư nợ trên 4,6 tỷ đồng cho 1.218 thành viên vay vốn; duy trì hoạt động Quỹ quay vòng vệ sinh với dư nợ 2,4 tỷ đồng cho 409 thành viên.
Thực hiện hướng dẫn liên ngành về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ, đến nay, tổng dư nợ vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hơn 134 tỷ đồng, có 1.169 hộ vay thuộc 39 tổ tại 5 huyện Di Linh, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương.
Hội Phụ nữ các huyện, thành phố đang nỗ lực để thực hiện đạt chỉ tiêu đào tạo nghề, phối hợp giới thiệu đào tạo nghề cho 5.000 lao động nữ, hỗ trợ 50 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, phối hợp hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã do phụ nữ quản lý. Các cấp Hội tiếp tục chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng gắn với bảo vệ môi trường; vận động phụ nữ tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể như tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã... theo chuỗi giá trị, chú trọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn; vận động hội viên phụ nữ không sử dụng chất cấm trong sản xuất chăn nuôi, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Phát huy nội lực trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các cấp Hội tiếp tục duy trì các tổ tiết kiệm, tổ hùn vốn, tổ quay vòng vốn tại 1.576/1.576 chi, tổ hội. Trong năm 2018, thành lập mới 17 tổ tiết kiệm có 293 thành viên tham gia với số tiền 217 triệu đồng. Bên cạnh đó, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế luôn được các cấp Hội quan tâm, duy trì, giúp cho 2.041 chị có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 981 triệu đồng, 6.805 cây con giống, 3.240 kg lúa, gạo, 69.562 ngày công lao động và 2.800 kg phân bón. Thành lập và tổ chức ra mắt 1 hợp tác xã (HTX) sản xuất nông sản tại xã Đà Loan (Đức Trọng) với 28 thành viên và 1 tổ hợp tác (THT) tranh thêu tay tại xã Đại Lào (Bảo Lộc) có 44 thành viên.
Các cấp hội đã tích cực vận động hội viên phụ nữ tham gia các mô hình kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị, hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế hợp tác phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đến nay, các cấp Hội đã thành lập được 1 HTX và 12 THT, 7 tổ liên kết với 185 thành viên, như: THT trồng dâu nuôi tằm, THT đan nong né tại huyện Lâm Hà; THT đan móc len tại Lạc Dương; các tổ liên kết nuôi cá nước ngọt, nuôi gà thả vườn, trồng bơ tại Bảo Lộc... tiếp tục duy trì tốt hoạt động các mô hình kinh tế tập thể đã thành lập.
Đi đôi với công tác hỗ trợ các nguồn vốn là hoạt động giúp hội viên phụ nữ nông thôn, phụ nữ DTTS trang bị kiến thức góp phần tăng năng suất cây trồng, chăn nuôi, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với Phòng nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông, Hội nông dân tổ chức 75 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hội thảo về sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc cây chè, điều, trồng dâu nuôi tằm, nuôi cá nước ngọt, xử lý chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cho 8.182 chị; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.455 chị làm ở các công ty trong và ngoài tỉnh, 32 chị đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập, Nhật Bản....
Thực hiện tiêu chí “không đói nghèo” của cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo hội các huyện, thành phố tập trung khảo sát và phân tích các nguyên nhân nghèo theo tiêu chí đa chiều, từ đó xây dựng kế hoạch phân công giúp đỡ từng đối tượng có địa chỉ phù hợp với điều kiện của địa phương. Chỉ tiêu mỗi cơ sở hội giúp ít nhất 5 hội viên phụ nữ nghèo và 5 hộ phụ nữ cận nghèo thoát nghèo bền vững theo tiêu chí đa chiều. Kết quả khảo sát đầu năm 2018, toàn tỉnh có 12.168 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, trong đó hội viên phụ nữ nghèo là 7.841 (chiếm 64,4%); phụ nữ DTTS nghèo 5.571 (chiếm 60,5%); hộ nghèo do nữ làm chủ hộ 2.656 (chiếm 33,9%). Bằng các hình thức giúp đỡ, trong năm đã có 6.209 phụ nữ nghèo được giúp (đạt 83%), trong đó, có 5.548 hộ phụ nữ nghèo DTTS được giúp (đạt 99%), có 2.656 hộ hội viên phụ nữ nghèo làm chủ hộ được giúp (đạt 100%). Qua đánh giá hoạt động giúp phụ nữ nghèo của Hội Phụ nữ các huyện, thành phố trong tỉnh, ước có 3.302 phụ nữ nghèo được giúp thoát nghèo (đạt 53%), có 2.108 phụ nữ nghèo DTTS được giúp thoát nghèo (đạt 38%) và có 1.037 phụ nữ nghèo làm chủ được giúp thoát nghèo (đạt 39%).
Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm và chị em phụ nữ ủng hộ 1,71 tỷ đồng xây dựng được 41 mái ấm tình thương và sửa chữa 12 căn nhà cho hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, Hội LHPN tỉnh đã huy động hỗ trợ xây dựng 19 căn nhà với tổng trị giá 970 triệu đồng cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các huyện, thành phố trong tỉnh.
AN NHIÊN