Nỗ lực đáp ứng nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế trong tỉnh

09:01, 23/01/2019

(LĐ online) - Chiều 22/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2019. Ông Nguyễn Văn Yên - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó CT UBND tỉnh và ông Trương Quốc Thụ - Giám đốc NHNN Lâm Đồng chủ trì hội nghị.

(LĐ online) - Chiều 22/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2019. Ông Nguyễn Văn Yên - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó CT UBND tỉnh và ông Trương Quốc Thụ - Giám đốc NHNN Lâm Đồng chủ trì hội nghị.
 
NHNN Lâm Đồng nhận cờ thi đua của Chính phủ
NHNN Lâm Đồng nhận cờ thi đua của Chính phủ

Đến cuối năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 52 tổ chức tín dụng (TCTD), bao gồm: 24 chi nhánh Ngân hàng Thương mại, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 chi nhánh Ngân hàng phát triển, 1 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã và 25 Qũy tín dụng nhân dân. Ngoài ra, mạng lưới hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh còn có 15 chi nhánh trực thuộc Agribank và 105 phòng giao dịch, tăng 4 phòng giao dịch so với năm ngoái. Toàn tỉnh có 207 máy giao dịch tự động (ATM) và 1.361 điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) trên tổng số 900 ngàn thẻ đang hoạt động. 
 
Số dư nguồn vốn huy động cuối năm 2018 trên địa bàn tỉnh đạt trên 48.328 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 4.434 tỷ đồng (+ 10,1%). Trong đó, tiền gửi tiết kiệm đạt 37.488 tỷ đồng; các loại tiền gửi, tiền thanh toán khác đạt 10.340 tỷ đồng.
 
Tổng dư nợ cho vay cuối năm 2018 đạt 86.561 tỷ đồng, tăng 23,2% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng trong cả nước (tăng 14%), nỗ lực đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế trong tỉnh, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh và góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Tổng nợ xấu cuối năm 2018 là 356 tỷ đồng, chiếm 0,41% trong tổng dư nợ, tăng 19 tỷ đồng so với năm 2017. Còn 6 đơn vị có tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ trên 1%. 
 
Đến cuối năm 2018, có 50/51 đơn vị ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân trên toàn tỉnh có chênh lệch thu nhập lớn hơn chi phí với số tiền 2.058 tỷ đồng, tăng 34,15% so với năm trước. Có 1 đơn vị lỗ do là chi nhánh mới hoạt động.
 
Bên cạnh hoạt động tín dụng, các TCTD trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện công tác an sinh xã hội với số tiền gần 13,5 tỷ đồng. Gồm: đóng góp các quỹ từ thiện; ủng hộ tổ chức các chương trình tại địa phương; xây dựng các công trình văn hóa, giáo dục, y tế,...
 
Năm 2019, NHNN tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động từ 14% trở lên để đến cuối năm đạt số dư khoảng 55 ngàn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tối thiểu là 14% để đến cuối năm dư nợ của toàn ngành trên địa bàn đạt khoảng 100 ngàn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu nội bảng trong tổng dư nợ cho vay và các cam kết bảo lãnh không quá 1%.
 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Yên biểu dương những kết quả nổi bật của ngành Ngân hàng trong năm 2018, đặc biệt là việc ngân hàng đã đưa các điểm giao dịch lưu động tại huyện Đơn Dương và Di Linh thuộc vùng sản xuất nông nghiệp, từ đó đã tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời nhắc nhở một số hạn chế cần khắc phục.
 
Phó Chủ tịch tỉnh cũng chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, trong đó chú trọng phát triển ứng dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại để theo kịp xu hướng phát triển mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường kết nối giữa Ngân hàng với doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ; triển khai kịp thời các chính sách tiền tệ an toàn và bền vững, đi đôi với cải cách hành chính và bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng; quan tâm công tác xây dựng Đảng và học tập làm theo tư tưởng đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh…   
                            
Dịp này, NHNN chi nhánh Lâm Đồng cũng đã nhận cờ thi đua của Chính phủ trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018.
 
Việt Quỳnh