(LĐ online) - Bên cạnh những giống cây đặc hữu như bàng vuông, tra, mù u, phong ba, bão táp… có sức chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, những năm gần đây tại các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã có thêm nhiều loài hoa phong lan, góp thêm nhiều sắc màu tươi mới ở hải đảo quê hương.
(LĐ online) - Bên cạnh những giống cây đặc hữu như bàng vuông, tra, mù u, phong ba, bão táp… có sức chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, những năm gần đây tại các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã có thêm nhiều loài hoa phong lan, góp thêm nhiều sắc màu tươi mới ở hải đảo quê hương.
|
Hoa phong lan đã khoe sắc trên Quần đảo Trường sa |
Trong cái nắng, cái gió cộng thêm hơi mặn khốc liệt giữa muôn trùng biển khơi, những loài hoa phong lan được mang đến từ Đà Lạt (của Hiệp Hội hoa lan Đà Lạt) vẫn vươn mình khoe sắc, tạo thêm sắc xuân mỗi khi Tết đến xuân về và đem lại niềm vui cho những người lính ở nơi đảo xa.
Tại các Đảo Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây…, các cán bộ, chiến sỹ nơi đây đã có những cách “chơi” hoa rất riêng để các loài hoa phong lan sống thích nghi với khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Giò hoa thường treo bên góc nhà, trên cành cây bàng vuông, làm giàn… để tránh hướng gió, hơi mặn. Trong cái nắng và gió mang theo hơi mặn của biển, nhưng nhờ sự đam mê và qua bàn tay khéo léo chăm sóc, nâng niu của cán bộ, chiến sỹ, những giò lan đã dần bén rễ và thích nghi với môi trường mới. Qua mỗi mùa, các giống lan hồ điệp, phi điệp, quế lan, nghênh xuân, giả hạc… vốn là những giống lan “khó tính” nhất đã được nở hoa, khoe sắc.
Đại úy Trần Văn Chinh – Đảo Sinh Tồn Đông, huyện Trường Sa, chia sẻ: do điều kiện khó khăn về nguyên vật liệu, nên cán bộ, chiến sỹ ở đây đã tận dụng những khúc gỗ bị trôi dạt trên biển để trồng lan, lấy các tấm ván của thùng thịt hộp để đóng làm chậu trồng lan. Đến nay, ở Đảo Sinh Tồn Đông đã có khoảng 30 giò lan các loại. “Ở đây mặn từ trong khí ra, cho nên khi trồng không thể để một nơi cố định. Nhiều người mang về trồng chăm sóc nhưng hầu như cây bị chết hết. Phải trồng thay đổi theo hướng gió, ánh sáng…, tận dụng các góc nhà, tán cây bàng vuông để phong lan thích nghi với điều kiện khí hậu ở đây. Trồng chăm sóc lan ở ngoài này cũng không có chất kích thích như trong bờ, cái chính là mình phải thường xuyên dùng nước ngọt tưới, xịt rửa hơi mặn bám vào cây. Thường thường chúng tôi 2 ngày tưới một lần”.
Đến nay, tại các đảo nổi ở Trường Sa, hoa phong lan đã trở thành loài hoa khá phổ biến. Đảo ít nhất có một giàn, đảo nhiều thì có từ 3 – 4 giàn hoa lan. Công việc chăm sóc lan mỗi ngày cũng được giao cho các đoàn viên, thanh niên ở các chi đoàn trên đảo đảm nhiệm.
Tại Đảo Nam Yết, một trong các đảo có nhiều cây dừa nhất ở Quần đảo Trường Sa, điều thú vị ở đây là các cán bộ, chiến sỹ đã tận dụng vỏ quả dừa để làm giá thể và chậu trồng hoa lan. Bởi vỏ trái dừa giữ nước, giữ ẩm rất tốt và tạo mùn ở bên trong để lan phát triển.
Đại úy Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Bí thư Liên chi Đoàn Đảo Nam Yết, huyện Trường Sa, cho biết: “Do bị tác động trực tiếp của hơi mặn, nên việc trồng và chăm sóc lan ở đây phải kỹ hơn so với trong bờ, ở đây cần phải thường xuyên quan tâm đến việc che chắn, tưới rửa… thì lan mới ra hoa được. Cán bộ, chiến sỹ thường tận dụng nước vo gạo để ngâm thay phân bón và tưới cho lan thì lan sẽ phát triển rất tốt. Hiện trên đảo có 2 giàn lan, chúng tôi sẽ chăm sóc để lan phát triển tốt và tiếp tục nhân giống cung cấp cho các đơn vị, các cụm trên đảo”.
|
Hoa phong lan trên Quần đảo Trường sa |
Sau những giờ huấn luyện, làm việc căng thẳng thì việc trồng và chăm sóc lan đã tạo thêm niềm vui mới cho các cán bộ, chiến sỹ ở nơi đảo xa. “Khi trông lan, nó tạo cho bản thân tôi và các đồng chí trên Đảo Sinh Tồn Đông có thêm niềm vui riêng. Lan ra nụ, nở hoa là thành quả công sức của chúng tôi. Và sau mỗi ngày học tập, công tác chúng tôi có thời gian để giải trí, thư giãn, ngắm hoa để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”, Đại úy Trần Văn Chinh – Đảo Sinh Tồn Đông, huyện Trường Sa phấn khởi.
Giờ đây, ở Quần đảo Trường Sa không chỉ có màu xanh của cây bàng vuông, phi lao, mù u, dừa, phong ba, bão táp…, những giò phong lan mang hơi ấm của đất liền đến từ xứ sở ngàn hoa Đà Lạt, với sức sống mãnh liệt đã vươn mình, hiên ngang khoe sắc nơi đầu sóng ngọn gió, tạo nên một không gian tươi mới, gần gũi, tràn đầy sắc xuân, là động lực để những người lính yên tâm canh giữ vùng trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
NDONG BRỪM