Lâm Đồng - Sau 10 năm giảm nghèo

08:01, 07/01/2019

Hôm nay, về các vùng nông thôn trong tỉnh, đường sá đi lại thoáng rộng; các công trình công cộng và nhà ở của Nhân dân khang trang, vườn tược sum suê cây trái; điện thắp sáng, nước sạch đã về từng thôn vùng sâu… Ðây là thành quả sau 10 năm thực hiện "Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững"… 

Hôm nay, về các vùng nông thôn trong tỉnh, đường sá đi lại thoáng rộng; các công trình công cộng và nhà ở của Nhân dân khang trang, vườn tược sum suê cây trái; điện thắp sáng, nước sạch đã về từng thôn vùng sâu… Ðây là thành quả sau 10 năm thực hiện “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững”… 
 
Nông dân thu hoạch bơ sáp ở xã Lộc Phú, Bảo Lâm. Ảnh: Phan Nhân
Nông dân thu hoạch bơ sáp ở xã Lộc Phú, Bảo Lâm. Ảnh: Phan Nhân

Nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân
 
Ngày 27/12/2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30a về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững”; lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng xác định đây là chủ trương rất thiết thực để địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện công tác xóa nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong giai đoạn mới.
 
Được sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND; UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quyết định triển khai Nghị quyết 30a trên địa bàn tỉnh: Quyết định số 561/QĐ-UBND ngày 13/3/2009 về “Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững”; Quyết định số 23/2011-UBND và Quyết định số 20/2013-UBND về các chính sách đầu tư, hỗ trợ kinh phí, vay vốn sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, dạy nghề, phát triển ngành nghề… trong nhân dân tại các thôn nghèo, xã nghèo, hộ nghèo.
 
Ngoài huyện Đam Rông được Trung ương hỗ trợ đầu tư đến năm 2020, tỉnh đã chọn thêm 16 xã và giao các huyện, thành phố chọn thêm các thôn nghèo để đầu tư hỗ trợ. Đến năm 2013 nâng lên 29 xã và 94 thôn nghèo (trong đó, 29 xã nghèo và 72 thôn nghèo do tỉnh chọn; 22 thôn do các huyện chọn) để hỗ trợ giảm nghèo…
 
Việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ được Lâm Đồng mở rộng địa bàn thực hiện bằng việc chủ động chỉ đạo rà soát, đưa thêm các xã nghèo, thôn nghèo, nhất là vùng dân tộc thiểu số (DTTS) khó khăn vào diện đầu tư, xóa nghèo của tỉnh. Nội dung này được  tiến hành  kịp thời, đồng bộ các chính sách giảm nghèo và các chương trình, dự án hỗ trợ khác đối với vùng nghèo, người nghèo của Chính phủ; tăng nguồn lực đầu tư của địa phương, huy động toàn xã hội tham gia giúp vùng nghèo, người nghèo. Chương trình giảm nghèo thực hiện theo cơ chế: Trung ương hỗ trợ huyện nghèo Đam Rông; tỉnh hỗ trợ các xã nghèo; các huyện, thành phố đầu tư, hỗ trợ các thôn nghèo, khó khăn khác.
 
Địa phương thực hiện vận động các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo mới được hỗ trợ thêm để khai hoang, phục hóa, thâm canh, chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ phát triển ngành nghề, vay vốn không lãi suất…; chỉ đạo các xã, thôn xem xét hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện về đất đai, lao động, tay nghề từng hộ nghèo; không chia đều nguồn hỗ trợ cho các hộ. Tại xã nghèo, thôn nghèo, tỉnh chia làm 3 giai đoạn đầu tư; năm 2009, tỉnh hỗ trợ mỗi xã nghèo 3 tỷ đồng, mỗi thôn nghèo từ 200 - 300 triệu đồng; năm 2010, hỗ trợ mỗi xã nghèo 1 tỷ đồng. Ngoài nguồn kinh phí này, mỗi xã nghèo còn được đầu tư 1,356 tỷ đồng, mỗi thôn nghèo 266 triệu đồng từ Chương trình 135 giai đoạn II. 
 
Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh duy trì hỗ trợ sản xuất cho 29 xã nghèo 1 tỷ đồng/xã; các huyện, thành phố hỗ trợ mỗi năm từ 72 - 92 thôn nghèo mức 150 triệu đồng/thôn; hơn 32.400 lượt hộ được hỗ trợ từ chương trình này. Ngoài ra, trên 8.000 người được học nghề gắn với hỗ trợ sản xuất; 1.180 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội được hỗ trợ lãi suất thời gian 2 năm, số tiền vay 7,08 tỷ  đồng. Giai đoạn 2016 - 2018, UBND tỉnh đã phân bổ 16 tỷ đồng cho 21 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 15% (thuộc 8 huyện)…
 
Với huyện Đam Rông, hàng năm, trên cơ sở nguồn vốn được UBND tỉnh phân bổ, huyện đã phân khai và giao chủ đầu tư thực hiện; chủ yếu giao các xã làm chủ đầu tư; đồng thời giám sát việc thực hiện theo đúng các quy định, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh. Tổng nguồn vốn được bố trí thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo là 578,692 tỷ đồng (các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tổng kinh phí 154,756 tỷ đồng đã thực hiện 50 công trình công cộng phục vụ dân sinh); trồng rừng 3.658,45 ha/2.635 hộ; giao khoán quản lý, bảo vệ rừng 38.555,28 ha/2640 hộ - nâng độ che phủ rừng Đam Rông lên 63,9%; nhân rộng 118 mô hình giảm nghèo có hiệu quả; hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho 41.349 lượt hộ nghèo; mở 148 lớp đào tạo, dạy nghề nông thôn cho 3.628 nông dân; 62 lớp bồi dưỡng về tin học, tiếng dân tộc cho 4.868 lượt cán bộ, công chức; tuyển dụng, bố trí việc làm 40 trí thức có trình độ ĐH, CĐ; 7 cán bộ trẻ theo đề án 500 về công tác tại các xã và 5 trí thức được bố trí chức danh Phó chủ tịch UBND xã…
 
Những con số ấn tượng
 
Cùng với kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới và thành tựu sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đặc biệt, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ hiện diện rõ nét trên mọi mặt đời sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. 
 
Theo chuẩn nghèo (3 giai đoạn của quốc gia), đến nay, số xã nghèo, thôn nghèo và hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm đáng kể. Cuối năm 2008 (chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010), toàn tỉnh có 11,5% hộ nghèo; 16 xã và 72 thôn có trên 30% hộ nghèo. Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh còn 4,97% hộ nghèo; hộ nghèo vùng DTTS còn 14,81%.
 
Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (tiêu chí về thu nhập đầu người điều chỉnh tăng gấp đôi), đầu năm 2011 hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 12,6%; trong đó, hộ nghèo vùng DTTS chiếm 32,7%; toàn tỉnh có 29 xã và 78 thôn (ngoài huyện Đam Rông) có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%. Giai đoạn này, mỗi năm toàn tỉnh giảm 5.868 hộ nghèo (2,17%/năm); hộ nghèo DTTS giảm 3.263 hộ (5,73%/năm); 29 xã do tỉnh đầu tư giảm 1.877 hộ/năm (8,1%)…
 
Giai đoạn 2016 - 2020 (áp dụng tiêu chí nghèo đa chiều); qua điều tra, rà soát, toàn tỉnh có 20.094 hộ nghèo (6,67%) và 15.411 hộ cận nghèo (5,12%); tại 29 xã nghèo tỉnh đầu tư có 4.592 hộ nghèo (17,11%). Cuối năm 2017, toàn tỉnh còn 12.168 hộ nghèo (chiếm 3,91%); trong đó, hộ nghèo vùng DTTS (chiếm 11,56%).
 
Từ 11,5% hộ nghèo (năm 2008), qua hơn 10 năm phấn đấu nỗ lực bằng nhiều biện pháp, phương thức đầu tư hiệu quả, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm chỉ còn 2,91%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS còn 9,56% (giảm 2% so với năm 2017). GRDP bình quân đầu người năm 2008 khoảng trên 10 triệu đồng/năm, đến nay nâng lên 54,2 triệu đồng/năm…
 
Tại Đam Rông, trước năm 2008 toàn huyện chiếm 73,19% hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2,6 triệu đồng/năm; cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống về vật chất và tinh thần của Nhân dân hết sức khó khăn… Được sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh, các doanh nghiệp và nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần; năm 2010 còn 52,22%; năm 2011: 34,19%; năm 2012: 22,17%;… đến nay, toàn huyện còn 3.498 hộ nghèo (chiếm 27,47%); hộ cận nghèo 2.860 (chiếm 22,46%); GRDP bình quân đầu người tăng gần 10 lần. Nhiều chỉ tiêu phấn đấu đạt khá cao: 100% số xã có đường nhựa đến trung tâm; 8/8 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và có nhà văn hóa; 49/56 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 1/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 97% hộ dùng điện; 90,06% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… 
 
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt thực hiện đề án bố trí 3 điểm định canh định cư tại các xã Phi Liêng, Liêng S’rônh và Rô Men; đến nay đã sắp xếp định cư cho 377 hộ/2.002 nhân khẩu là người Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào. Đặc biệt, điểm định cư Thôn 5, xã Rô Men trở thành “điểm sáng” - năm 2009 đạt Thôn văn hóa!...  
 
THANH DƯƠNG HỒNG