Mùa bông đót ở Ðam Rông

08:01, 21/01/2019

Thời điểm cận tết là mùa bông đót nở rộ. Ði dọc Quốc lộ 27, qua những nẻo đường đèo dốc quanh co, qua các thung lũng, ở đâu cũng dễ dàng nhìn thấy những bông đót vươn lên, phất phơ trong gió. Khi bông đót bạc xanh trên những cánh rừng, những người dân ở Ðam Rông lại bước vào mùa đi "bứt bông đót", "thu hoạch bông đót".

Thời điểm cận tết là mùa bông đót nở rộ. Ði dọc Quốc lộ 27, qua những nẻo đường đèo dốc quanh co, qua các thung lũng, ở đâu cũng dễ dàng nhìn thấy những bông đót vươn lên, phất phơ trong gió. Khi bông đót bạc xanh trên những cánh rừng, những người dân ở Ðam Rông lại bước vào mùa đi “bứt bông đót”, “thu hoạch bông đót”.
 
Cuối ngày thu hoạch, bông đót được vận chuyển về các điểm thu mua. Ảnh: V.Xuân
Cuối ngày thu hoạch, bông đót được vận chuyển về các điểm thu mua. Ảnh: V.Xuân

Mùa bông đót ở Đam Rông đến sớm hơn so với các huyện còn nhiều rừng như ở phía nam của tỉnh. Năm nay, nhờ thời tiết mưa nhiều và kéo dài đến tận mùa khô nên bông đót nở nhiều, người đi bứt đót nhận định năm nay bông đót được mùa lại được giá. Bởi vậy, sau khi xong vụ thu hoạch cà phê không mấy vui vẻ do mất mùa, sụt giá, thì nhiều người lại rủ nhau đi bứt đót. Người đi bứt đót tuy không thể khá hơn nhờ cái nghề này, nhưng cũng không thể bỏ qua “cái lộc trời cho” trong thời điểm xuân về tết đến, để có thêm nguồn thu nhập mua sắm tết cho gia đình.
 
Một mùa bông đót nữa đang về. Những ngày giá lạnh cùng sương mù buổi sớm không cản được bánh xe lăn của những người đi bứt đót. Sau những đêm mưa lạnh của núi rừng, không ít người nơi đây vẫn đợi bông đót sẽ nở trong ngày mai.
Gặp anh Giàng Seo Sính - một người dân tộc H’Mông ở Thôn 5, xã Rô Men trên đường đi bứt đót, anh cho biết: “Năm nào đến mùa đót tôi cũng đi, ngày ít cũng được vài chục ký, ngày được nhiều thì được ba, bốn chục”. Còn anh Hoàng Văn Dũng ở thôn Đồng Tâm, xã Phi Liêng cho hay, cả hai vợ chồng mỗi ngày cũng thu được trên dưới 100 kg. Với giá bình quân hiện tại 6.000 đồng/ký, mỗi người cũng có thu nhập từ vài ba trăm nghìn đồng.
 
 Người dân làm nghề đi bứt bông đót ở Đam Rông tập trung nhiều nhất là ở các xã: Phi Liêng, Rô Men, Đạ Sal, Liêng Srônh. Đông thì đi làm theo nhóm, ít thì một vài người. 
 
Những ngày này, có dịp ngược xuôi tại các xã ở Đam Rông, chúng tôi được chứng kiến những người đi bứt đót từng nhóm gọi nhau í ới trên những cánh rừng. Từ sáng sớm đã có những chiếc xe máy lướt nhanh trong màn sương giá lạnh của núi rừng, để đến cuối ngày từng bó đót lại tập trung về các điểm thu mua. Vào những ngày đầu vụ, họ bứt đót ở những khu vực ven đường, ven rẫy. Khi bông đót ở gần vơi đi, họ tiến sâu vào những cánh rừng xa hơn. Thường trong những chuyến đi xa, người bứt bông đót kiếm được nhiều hơn và kiếm được nhiều tiền hơn sau một ngày cực nhọc.
 
Người đi bứt bông đót thích nhất là gặp những khóm, những vùng bông đót vừa mới xòe bông, những bông đót chưa ngả màu vàng xám. Bởi lẽ, với loại bông đót non này, giá trị cũng cao hơn bông đót già, loại có màu vàng xám. Đơn giản là loại bông đót non khi phơi được nắng, sẽ có màu xanh dịu và có độ óng ả hơn loại bông đót già. 
 
Có người đi bứt đót, thì cũng có người thu mua bông đót. Người đi bứt đót ở đây bán đót tươi cho các chủ vựa. Sau khi thu gom, các chủ vựa phơi khô, sơ chế, trước khi xuất đi các tỉnh, thành phố, để xuất khẩu hoặc sản xuất ra thành phẩm tiêu thụ trong nước.
 
Chị Ngô Thị Thêu - một người thu mua đót lâu năm ở thôn Đồng Tâm, xã Phi Liêng cho biết, bình quân mỗi vụ chị thu mua được 10 tấn tươi, sau khi phơi khô còn được 4 tấn. Hiện nay, trên bàn xã có đến gần chục điểm thu mua. Ước tính mỗi vụ sản lượng đót thu gom được cũng có đến hàng trăm tấn tươi. 
 
Nếu ví người đi bứt bông đót là người đi thu gom “lộc trời”, thì người thu mua bông đót chỉ lấy công làm lời, mỗi kg sau khi phơi khô cũng kiếm được trên dưới 10 nghìn đồng. Nỗi lo lắng nhất của những người làm nghề thu mua bông đót là đang phơi mà bất chợt trời mưa. Gặp mưa, bông đót khô sẽ không có màu tươi mà sậm hơn và bị mốc, dễ hư, giá bán sẽ giảm, có khi còn bị thua lỗ.
 
Người đi bứt bông đót ở Đam Rông có đủ thành phần già, trẻ, gái, trai, người Kinh, người dân tộc thiểu số, tất cả tranh thủ đi trong thời điểm nông nhàn. Sau mỗi vụ, người kiếm được ít thì cũng vài ba triệu, người nhiều thì cũng được hàng chục triệu đồng. Một số tiền cũng kha khá đối với những người nghèo để mua sắm cho cái tết ở vùng sâu.
 
VI XUÂN