Nấu bánh chưng nơi trùng khơi Trường Sa

08:01, 24/01/2019

Những cơn mưa kéo dài, những cơn gió to, sóng lớn mùa biển động nhưng những cây quất, hoa giấy, hoa lan… vẫn tươi sắc, đem hơi thở mùa xuân bừng lên trên các hòn đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa. Như ở đất liền, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa cũng tổ chức gói bánh chưng đón tết...

Những cơn mưa kéo dài, những cơn gió to, sóng lớn mùa biển động nhưng những cây quất, hoa giấy, hoa lan… vẫn tươi sắc, đem hơi thở mùa xuân bừng lên trên các hòn đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa. Như ở đất liền, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa cũng tổ chức gói bánh chưng đón tết. Nguyên liệu đầy đủ từ gạo nếp, lá dong, thịt, đỗ xanh, đặc biệt bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông. 
 
Cán bộ và nhân dân Trường Sa gói bánh chưng chuẩn bị ngày tết. Ảnh: H.Y
Cán bộ và nhân dân Trường Sa gói bánh chưng chuẩn bị ngày tết. Ảnh: H.Y

Cùng đoàn công tác đi trên chuyến tàu 561 đưa tết ra các đảo: Đá Lớn, Cô-Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan và Phan Vinh, chúng tôi cảm nhận được không khí háo hức, nhộn nhịp, khẩn trương và tình cảm hướng về những người đang thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Trên chuyến hải trình dài ngày dưới điều kiện khí hậu khắc nghiệt giữa trùng khơi nên việc bảo quản thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Do đó, những vị trí thoáng mát nhất trên tàu đều được dành để chỗ cho quà, hàng hóa chuyển ra đảo, nhất là các loại rau, củ, quả, cây xanh… Chút chút anh em trong tổ hậu cần lại đi kiểm tra, làm tốt công tác bảo quản hàng hoá, quyết tâm không để hàng hóa hỏng khi ra đến đảo trong suốt hải trình. Những khó khăn, vất vả của chuyến hải trình những ngày cận tết đều được khắc phục triệt để, tất cả vì Trường Sa thân yêu.
 
Cùng với thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ... tất cả là tình cảm của “đất liền” gửi đến quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc chuẩn bị đón một cái tết cổ truyền của dân tộc ấm no và đủ đầy hơn. Quà tết năm nay mang hương vị của mọi miền đất nước như các loại thực phẩm khô, rau, củ quả, bánh kẹo, mứt, gạo nếp, đậu xanh, lá dong, heo, gà… để các đơn vị sửa soạn, chuẩn bị cho mâm cỗ tết. 
 
Thượng tá Lương Xuân Giáp - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), cho biết: Ngay từ rất sớm, Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) đã xây dựng kế hoạch bảo đảm các mặt hàng cho bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Trong đó, có 2,5 tấn gạo nếp, 120 con heo, hơn 4 tấn nhu yếu phẩm thiết yếu, 4 tấn hoa quả… Đặc biệt, những nhu yếu phẩm đó còn có lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo để quân dân các đảo góp bánh chưng chuẩn bị cho mâm cỗ ngày tết.
 
Nhiều phần quà từ đất liền gửi ra cũng nhanh chóng được chuyển lên đảo. Những cây quất, hoa giấy, hoa lan kiên cường với gió biển suốt mấy ngày qua vẫn tươi sắc, đem hơi thở mùa xuân đến với quân dân trên đảo. Khắp đảo tràn ngập trong sắc màu của mùa xuân. Cánh lính trẻ í ới gọi nhau cùng mổ gà, mổ heo, bày mâm ngũ quả. Đặc biệt, ai cũng có ước muốn được tự tay mình gói bánh chưng chuẩn bị cho mâm cỗ đêm giao thừa. Không cần khuôn mẫu, chỉ với bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và nhanh nhẹn của bộ đội, hơn 3 tiếng đồng hồ, hàng chục bánh chưng vuông vức đã hoàn thành…
 
Điều đặc biệt, bên cạnh những chiếc bánh chưng gói bằng lá dong vừa được mang ra từ đất liền, bánh chưng còn được gói từ lá cây bàng vuông - một loài cây đặc trưng ở Trường Sa. Những người lính đảo tâm sự, nhiều năm trước, tàu tiếp tế đi lại khó khăn, chưa đưa được lá dong ra, lính đảo chủ yếu gói bằng lá bàng vuông. Giờ đây, có lá dong rồi nhưng do lá chuyển từ đất liền ra đảo trải qua hành trình dài, khi đến đảo lá đã chuyển màu ngà vàng. Bởi thế, để bánh chưng xanh, cán bộ, chiến sỹ dùng lá bàng vuông còn tươi xanh lót bên trong lá dong. Chính từ sự kết hợp hài hòa này, bánh chưng sẽ mang mùi thơm của lá bàng vuông quyện cùng lá dong để làm nên vị bánh đặc trưng ở Trường Sa. “Ăn vào rất ngon và bánh mang hương vị đặc trưng của Trường Sa, không nơi đâu có được” - Thượng úy Nguyễn Thanh Tùng (đảo Phan Vinh) chia sẻ.
 
Lần đầu được đón tết nơi đầu sóng ngọn gió, chiến sĩ Lê Hoàng Bảo (đảo Đá Lớn A) không khỏi bùi ngùi, chất chứa nhiều cảm xúc. “Dù lần đầu tiên em đón tết xa gia đình nhưng được sự quan tâm của thủ trưởng, đồng đội cũng như không khí tết nơi đây làm em vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè, tết ở đất liền. Ở đây, tết cũng có hoa, các món ăn ngày tết và đặc biệt được nấu bánh chưng làm em nhớ những ngày còn ở nhà được cùng với gia đình ngồi bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng ngày 30 tết. Năm mới, em mong ba mẹ trong đất liền giữ gìn sức khỏe, an tâm vui xuân, đón tết” - chiến sĩ Thao cho biết.
 
Các chiến sỹ bên bếp lửa hồng để cùng nấu bánh chưng. Ảnh: H.Y
Các chiến sỹ bên bếp lửa hồng để cùng nấu bánh chưng. Ảnh: H.Y

Gói bánh xong cũng là thời điểm những câu chuyện trong lúc nấu bánh của những chiến sỹ trẻ trên rôm rả, mang đến sự sum họp ấm cúng của một đại gia đình ở đảo Trường Sa. Sau một đêm nồi bánh sôi sục dưới ngọn lửa, chúng tôi được các chiến sỹ mời ăn bánh chưng nóng hổi, tôi thấy vị thơm ngon đậm đà rất khác so với những chiếc bánh mình đã từng ăn. Những chiếc bánh như thế đã cùng với các cán bộ, chiến sỹ nơi đây làm nên một cái tết đầm ấm, yên vui ở nơi đầu sóng ngọn gió. Bánh chưng xanh thật đẹp ấy như những người lính kiên cường, đầy nhiệt huyết ngọn lửa của ý chí quyết tâm luôn coi “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. 
 
HOÀNG YÊN