Tôi biết thông tin về mô hình nhà kính công nghệ cao hoàn thiện của thầy và trò Trường Cao đẳng Nghề Ðà Lạt khi tình cờ xem được phóng sự ngắn phát trên Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV).
Tôi biết thông tin về mô hình nhà kính công nghệ cao hoàn thiện của thầy và trò Trường Cao đẳng Nghề Ðà Lạt khi tình cờ xem được phóng sự ngắn phát trên Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV). Thông tin mà thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng khoa Ðiện - Ðiện tử, Trưởng nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm phát biểu trên truyền hình rằng, nhóm của anh hoàn toàn làm chủ được công nghệ và có thể thiết lập, lắp đặt hệ thống nhà kính công nghệ cao hoàn thiện (full options) hoặc từng phần tùy vào nhu cầu của nông dân với giá thành chỉ bằng một nửa so với hàng ngoại nhập, đã thật sự hấp dẫn tôi và ngay lập tức tôi nhờ một người bạn đang công tác tại trường liên hệ để hẹn gặp thầy Nguyễn Mạnh Cường.
|
Thầy Nguyễn Mạnh Cường cùng cộng sự bên mô hình nhà kính thông minh. Ảnh: N.Thi |
Từ mô hình hợp tác quốc tế
Đầu tuần, tôi ngồi cà phê trò chuyện với thầy giáo Cường trong căn tin của Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, trước mặt là một khoảng không gian xanh ngát đầy hoa lá, cạnh đó là Văn phòng của Khoa Điện - Điện tử. Một phần của mô hình nhà kính công nghệ cao hoàn thiện vừa xuất hiện trên VTV cách đây mấy hôm đang được đặt phía trước cửa khoa. Phía trong văn phòng, một vài giảng viên cùng sinh viên vẫn đang cắm cúi làm việc. Thầy Nguyễn Mạnh Cường mở đầu câu chuyện bằng giọng khá ấm áp và truyền cảm, anh kể về rất nhiều những phát minh, công trình nghiên cứu khoa học thành công của cả thầy và trò Khoa Điện - Điện tử những năm gần đây.
“Là một trường đào tạo nghề nên khối lượng thời gian dành cho nghiên cứu và thực hành của chúng tôi khá nhiều, chiếm tới 70% thời gian, nên việc tham gia sáng tạo, chế tạo các sản phẩm ứng dụng vào thực tế không phải là chuyện hiếm ở trường. Sản phẩm nhà kính công nghệ cao hoàn thiện cũng chỉ là một trong những mô hình nghiên cứu, sáng chế ứng dụng vào thực tế thành công của trường mà thôi. Mô hình này thực ra đã được chúng tôi bắt đầu thực hiện từ năm 2014, hoàn thiện và làm chủ được công nghệ từ năm 2016, nhưng đến nay mô hình sản phẩm này mới nhận được sự quan tâm từ phía truyền thông và người dân là bởi đến bây giờ mọi người mới quan tâm nhiều tới công nghệ 4.0 và muốn ứng dụng nó vào thực tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp” - Cường chia sẻ.
Duyên đến với thầy và trò Nguyễn Mạnh Cường là vào năm 2006, khi Khoa Công nghệ sinh học của trường có hợp tác đào tạo với Pháp nên đã nhận được một mô hình nhà kính thông minh do Pháp tặng phục vụ công tác đào tạo. Mô hình còn khá đơn điệu nhưng lúc bấy giờ vô cùng có ích cho việc đào tạo và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên nhà trường. Và chính từ mô hình này mà thầy Nguyễn Mạnh Cường cùng với nhóm cộng sự của mình, bao gồm các đồng nghiệp và sinh viên đã mày mò, xây dựng thành công nên mô hình nhà kính công nghệ cao hoàn thiện ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay. Là ngôi trường nằm trên địa bàn của một tỉnh phát triển mạnh về nông nghiệp nên việc nhà trường giới thiệu một mô hình “made in” Cao đẳng Nghề Đà Lạt tại buổi triển lãm về công nghệ 4.0 đặc biệt được quan tâm.
Hy vọng sản phẩm sẽ được sản xuất đại trà để giới thiệu cho nông dân
Phải đến khi nhà trường đưa mô hình giới thiệu tại cuộc triển lãm các sản phẩm, giải pháp xây dựng thành phố thông minh tại Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng vào cuối tháng 12 năm 2018 vừa qua thì sản phẩm của thầy và trò Trường Cao đẳng Nghề mới bắt đầu được quan tâm bởi độ thông minh, đặc tính dễ sử dụng của sản phẩm và giá thành thì lại cực kỳ tiết kiệm.
“Mô hình được thiết kế theo kiểu nhà kính, với hệ thống tưới tự động, có trung tâm điều khiển, các van điện, máy bơm và dàn ống tưới. Khu vườn còn có các bộ phận giám sát khí hậu nhà kính, bộ phận quan sát thời tiết với độ chính xác cao. Ngoài hệ thống tưới tự động, còn lắp đặt camera để quan sát sâu bệnh. Tất cả đều hoạt động dựa trên phần mềm do chính Cường viết ra, và điều khiển trên nền tảng Internet kết nối vạn vật nên người nông dân dù có ở bất cứ đâu, thậm chí ra nước ngoài vẫn có thể theo dõi, lập trình, chăm sóc vườn của mình bình thường, miễn là điện thoại có kết nối wifi”, thầy Nguyễn Mạnh Cường cho biết.
Sản phẩm được thực hiện bám sát trên yêu cầu của người sử dụng nên được thi công với giá rẻ. Và thầy giáo Cường cho biết, do làm chủ hoàn toàn về công nghệ, cả việc lắp ráp kỹ thuật lẫn phần mềm số hóa nên việc thiết lập, lắp đặt hệ thống hoàn toàn có thể cơ động theo nhu cầu và túi tiền cũng như lựa chọn từng công đoạn ứng dụng hợp lý nhất. Nông dân muốn nó “thông minh” ở công đoạn nào, nhóm của thầy Cường cũng đều có thể đáp ứng. Về giá thành, ví dụ, với một hệ thống full options, kinh phí giảm một nửa so với bộ nhà kính thông minh nhập ngoại. Nhưng người nông dân nếu muốn cắt giảm chi phí ở một số công đoạn khác nữa, như đo độ pH của đất, độ ẩm không khí... họ không cần ứng dụng kỹ thuật thông minh mà muốn làm thủ công thì cũng có thể làm được trong quá trình triển khai chỉnh sửa từ phần mềm.
Thầy Cường cũng cho biết, công nghệ này sử dụng cực kỳ đơn giản. Với hệ thống các nút bấm điều khiển hoàn toàn có thể dịch sang tiếng Việt cho nông dân, sau khi lắp đặt, chỉ cần 30 phút hướng dẫn chuyển giao công nghệ là người nông dân đã có thể làm chủ được nó.
Hiện mô hình đang được nhóm cho triển khai thực tế lại một khu vườn của người dân ở Lâm Hà để tiếp tục rút kinh nghiệm từ thực tế. Thầy Nguyễn Mạnh Cường cùng nhóm cộng sự và nhà trường đang rất mong muốn sản phẩm sớm được liên kết sản xuất đại trà thông qua doanh nghiệp đối tác để giới thiệu đến nông dân không chỉ trên địa bàn thành phố Đà Lạt mà mở rộng ra cả nước.
NGUYÊN THI