Từ khi những cây cầu dân sinh ở 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng được đầu tư xây dựng, bài toán "đò ngang cách trở" đã có lời giải, kéo theo đời sống người dân nơi đây cũng được nâng cao từng ngày.
Từ khi những cây cầu dân sinh ở 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng được đầu tư xây dựng, bài toán “đò ngang cách trở” đã có lời giải, kéo theo đời sống người dân nơi đây cũng được nâng cao từng ngày.
Một thời chưa xa
|
Cầu treo nối Thôn 11, xã Đạ Kho với Ấp 65, xã Nam Cát Tiên |
Theo lời ông Nguyễn Văn Duẩn (ngụ xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), người có 1,5 ha đất trồng cây ăn trái tại Thôn 11 (xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng), việc có cây cầu treo nối Ấp 65 (xã Nam Cát Tiên) với Thôn 11 (xã Đạ Kho) mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. “Trước đây, khi chưa có cây cầu, mỗi ngày tôi mất khoảng 40 ngàn đồng chi phí tiền qua sông. Ngoài ra, việc qua con sông bằng phà cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bằng chứng là có người đã bị rơi xuống sông” - ông Duẩn nói. “Đó là chưa nói đến bất tiện khác như gặp hôm mưa to, nước sông dâng cao người dân thì chậm trễ công việc rẫy vườn, các cháu học sinh buộc phải nghỉ học vì không có phương tiện qua sông. Thêm nữa, nếu bên kia sông có xảy ra chuyện đau ốm, tang ma vào ban đêm thì cũng đành... chịu chết bởi ban đêm phà không hoạt động, phải đợi đến sáng hôm sau mới có phương tiện để sang sông. Khi chưa có cây cầu, mỗi lần qua Thôn 11 làm vườn, tôi phải đem theo cơm trưa để tiết kiệm chi phí tiền phà - ông Trịnh Đình Bốn, người cùng xã với ông Duẩn, đang canh tác 3 ha cây ăn trái tại Thôn 11, nói thêm.
Trong khi đó, theo bà Lương Thị Yên, ở xã Quảng Ngãi (huyện Cát Tiên) thì “người dân chúng tôi khổ nhất là khi có người thân trong nhà bị đau ốm. Mùa khô thì còn đỡ, vì phà còn hoạt động, gặp mùa mưa nước dâng cao thì bệnh nặng mấy cũng phải nằm chờ. Đó là nỗi khổ mà người dân 2 xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) và xã Quảng Ngãi (huyện Cát Tiên) phải chịu đựng trong suốt thời gian dài khi cây cầu Đắc Lua bắc qua sông Đồng Nai chưa được đầu tư xây dựng.
Tương tự, nhu cầu qua sông Đạ Quay của khoảng 20 hộ dân ở Thôn 1 (xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) rất lớn nhưng chỉ có một cách duy nhất để qua lại là bơi. Thấu hiểu nỗi khổ của những người dân có đất sản xuất bên kia suối, cách nay hơn 10 năm, Báo Công an TP Hồ Chí Minh đã đứng ra vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí xây dựng giúp người dân xã Hà Lâm xây dựng một chiếc cầu treo Nghĩa Tình. “Có cây cầu giúp cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân và việc học hành của học sinh thuận lợi hơn rất nhiều” - bà Nguyễn Thị Dưỡng, Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâm, tâm sự.
Tạo động lực phát triển mới
Thôn trưởng Thôn 11 (xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh) Lê Hồng Khanh cho biết: “Từ lâu, người dân sống ở Thôn 11 và Ấp 65 (xã Nam Cát Tiên) hằng mơ ước có một cây cầu nối kết 2 địa phương với nhau, để sớm thoát khỏi cảnh “lụy phà”, nhất là nông sản làm ra không bị ép giá và giá cả các mặt hàng mua vào không bị đội giá quá cao bởi chi phí vận chuyển. Thế nên, ngày cây cầu nối Thôn 11 với Ấp 65 đưa vào sử dụng, rất khó có từ ngữ để diễn tả hết sự vui mừng của người dân địa phương”. “Từ ngày có cây cầu, mỗi kilogam trái cây làm ra, gia đình tôi tiết kiệm được từ 300 - 700 đồng, vì không phải mất tiền phà” - ông Nguyễn Văn Hào (ngụ xã Nam Cát Tiên), người có 1,5 ha đất trồng cây ăn trái tại xã Đạ Kho, phấn khởi. Niềm vui đó còn lây sang cả những người từng kiếm sống nhờ sự cách trở của dòng sông. Ông Tường Duy Thường, một người kéo phà ở bến phà Thôn 11, chân thành: “Quan trọng nhất là bà con ở đây được hưởng lợi. Mà tôi cũng là một người trong số những người được hưởng lợi từ chính cây cầu. Vậy, tại sao lại không vui”. Có cùng quan điểm với ông Thường, ông Nguyễn Văn Son, một người kéo phà khác ở bến phà Thôn 11, bày tỏ: “Nhờ có cây cầu, các cháu học sinh đi học không còn lo nơm nớp mỗi khi trời mưa to sợ không còn phà để qua sông nữa. Tôi cũng vui lây với các cháu”.
|
Cầu treo Thôn 3 đi Thôn 5, xã Đạ P’Loa |
Theo ông Khanh, từ khi cây cầu nối Thôn 11 với Ấp 65 đi vào hoạt động, lưu lượng người qua lại nơi đây tăng vọt, mỗi ngày có trên 500 lượt người. “Quãng đường từ Thôn 11 ra trung tâm Đạ Kho có chiều dài trên 10 km. Trong khi từ đây qua Nam Cát Tiên quãng đường chỉ 2 km. Đó là lý do khiến nhiều người chọn cho con em qua Nam Cát Tiên học hành, thay vì đi ra Đạ Kho”, ông Khanh trao đổi. Ông Nguyễn Văn Khới, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngãi (huyện Cát Tiên), địa phương có cây cầu Đắc Lua ngang qua, thừa nhận: “Năm 2017, cầu Đắc Lua hoàn thành, việc đi lại của người dân trở nên dễ dàng hơn, nhất là vào mùa mưa nước sông Đồng Nai dâng cao. Từ đó, việc làm ăn, buôn bán của người dân cũng có nhiều thuận lợi hơn, vì người mua và người bán không chỉ gói gọn trong phạm vi người địa phương mà người ở bên kia cầu Đắc Lua, phía tỉnh Đồng Nai cũng sang đây trao đổi”. “Qua hơn 10 năm hoạt động, cây cầu treo Nghĩa Tình do Báo Công an TP Hồ Chí Minh và các mạnh thường quân tài trợ người dân xã Hà Lâm xuống cấp, gây mất an toàn cho người và phương tiện giao thông. Vì vậy, năm 2017, Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Lâm Đồng đầu tư xây mới một cây cầu treo bên cạnh cây cầu treo Nghĩa Tình với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Hiện, cây cầu đang góp phần tích cực trong việc đi lại, vận chuyển nông sản của khoảng 20 hộ dân sinh sống phía bên kia Quốc lộ 20; trong đó, có hơn 10 em học sinh phải qua Quốc lộ 20 để đi học mỗi ngày” - Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâm Nguyễn Thị Dưỡng cho hay.
Trên thực tế, thời gian qua, ở 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng, không chỉ có 3 cây cầu kể trên, còn có nhiều cây cầu khác được đầu tư xây mới, có thể kể như cây cầu treo ở xã Đạ P’Loa, cây cầu treo ở xã Hà Lâm đi xã Đoàn Kết, cầu Hai Cô, cầu Suối Lớn, cầu Phước Hải... và đặc biệt cầu Vĩnh Ninh nối huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Phước. “Dự án này đang được huyện Cát Tiên phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị thi công triển khai thực hiện. Dự kiến, quý I năm 2020, cầu Vĩnh Ninh sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng” - ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho biết.
Theo ông Bùi Văn Hùng, việc đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Ninh, cũng như đầu tư nâng cấp đường ĐT 721 không chỉ tạo điều kiện thuận lợi lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cát Tiên, mà còn tạo động lực phát triển cho cả huyện Đạ Huoai và huyện Đạ Tẻh. Bởi một khi cầu Vĩnh Ninh hoàn thành, thế ngõ cụt của Cát Tiên được giải phóng, cơ hội thông thương giữa 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Phước cũng theo đó mà mở rộng thị phần, tạo đà phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho người dân.
TRỊNH CHU