(LĐ online) - Ngày 15/1, tại TP Đà Lạt, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa kỳ Chương trình "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế" (Chương trình Tây Nguyên 2016-2020).
(LĐ online) - Ngày 15/1, tại TP Đà Lạt, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa kỳ Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” (Chương trình Tây Nguyên 2016-2020).
Theo đó, giai đoạn 2016-2018, Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã tuyển chọn 32 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, phòng trách thiên tai; lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học xã hội và an ninh chính trị; với sự tham gia của 918 nhà khoa học thuộc 14 bộ ngành, hội khoa học trong cả nước.
|
Toàn cảnh buổi sơ kết Chương trình Tây Nguyên 2016-2020. |
Tổng các sản phẩm đăng ký trong chương trình gồm 31 quy trình, 28 mô hình; bảy giải pháp hữu ích, sở hữu trí tuệ và hỗ trợ đào tạo hơn 70 tiến sĩ, thạc sĩ, sẽ công bố khoảng 125 bài báo khoa học trong nước và quốc tế. Với mục tiêu, cung cấp luận cứ khoa học về liên kết vùng, ngành và hội nhập kinh tế quốc tế; đề xuất các chính sách, cơ chế, giải pháp; ứng dụng hiệu quả và chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp; cung cấp giải pháp khoa học công nghệ nâng cao năng lực quản lý của các tỉnh Tây Nguyên trên nhiều lĩnh vực…
Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã lựa chọn, nhân rộng nhiều mô hình công nghệ thành công từ Chương trình Tây Nguyên 3, như chất giữ ẩm đặc biệt AMS, MPK nhả chậm, chế phẩm sinh vật CAFÉ HTD01, HOTIEU HTD03… phục vụ phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ LED cho nông nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu phát triển chăn nuôi bò sữa, heo rừng… Các kết quả ban đầu đã góp phần tăng năng suất, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và là giải pháp chính sách liên kết các nhà khoa học, công nghệ, nông dân với thị trường. Cùng với đó, một số kết quả bước đầu của Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 cũng đã được chuyển giao các địa phương, doanh nghiệp phối hợp theo dõi mô hình nghiên cứu.
Trong khuôn khổ chương trình, diễn ra hội thảo với hai chủ đề “Giải pháp khoa học công nghệ quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên, sản xuất nông lâm nghiệp và phòng tránh thiên tai tại Tây Nguyên”, “Luận cứ khoa học cho liên kết vùng - hội nhập quốc tế và phát huy nguồn nội lực khoa học công nghệ tại Tây Nguyên”, với 46 báo cáo thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và khoa học xã hội, của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ nhiều bộ, ngành và hội khoa học trong cả nước.
C.PHONG