(LĐ online) - Tôi nhớ như in lời bài hát rằng "Mỗi cánh thư về từ đảo xa, nơi thành phố này, Trường Sa đó xa xôi" khi dạo trên Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hoà). Và, vỡ oà trong niềm bồi hồi xúc động, vinh dự, tự hào khi được chứng kiến những chiến sĩ Trường Sa chuyền tay nhau lá thư, bức ảnh, rồi cánh thiệp báo tin Xuân từ đất liền.
(LĐ online) - Tôi nhớ như in lời bài hát rằng "Mỗi cánh thư về từ đảo xa, nơi thành phố này, Trường Sa đó xa xôi" khi dạo trên Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hoà). Và, vỡ oà trong niềm bồi hồi xúc động, vinh dự, tự hào khi được chứng kiến những chiến sĩ Trường Sa chuyền tay nhau lá thư, bức ảnh, rồi cánh thiệp báo tin Xuân từ đất liền.
|
Các chiến sĩ Hải quân đọc thư của các em học sinh Thủ đô Hà Nội gửi Trường Sa |
Ngày tác nghiệp đầu tiên của chúng tôi trên tuyến đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc vô cùng đáng nhớ khi được chứng kiến cảnh những món quà từ đất liền đến với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân hải đảo. Tuy nhiên, có một món quà đặc biệt về tinh thần là những lá thư của các em học sinh Thủ đô Hà Nội gửi cán bộ chiến sĩ Trường Sa.
Chúng tôi tranh thủ thời gian quý báu để đọc qua một vài lá thư của các em. Lá thư của em Nguyễn Thanh Huyền, học sinh lớp 12 có đoạn viết: Ở nơi đảo xa ấy, chỉ có nắng và gió, cuộc sống của các chú thế nào? Điều kiện sinh sống ngoài đó ra sao? Chỉ mới đọc lá thư đến những câu hỏi ân cần quan tâm này, những chiến sỹ trẻ đã bùi ngùi xúc động, ngân ngấn nước mắt.
Một nữ đồng nghiệp trong đoàn của chúng tôi đọc tiếp: Ngày hôm nay, chúng cháu được đến trường, cơm no, áo ấm là nhờ vào sự đóng góp, hy sinh của biết bao nhiêu thế hệ cha ông. Chúng cháu vô cùng biết ơn, tự hào, khâm phục các chú - những người anh hùng thầm lặng đang ngày đêm chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những lời bộc bệch trong thư của các em không chỉ cho thấy sự chân thành, tình cảm yêu thương dành cho những người lính biển mà còn thể hiện tình yêu bao la với Tổ quốc.
Còn em Đỗ Anh Dũng, học sinh lớp 10 chia sẻ: Cháu viết thư này với mong muốn gửi lời cảm ơn và tình cảm của cháu đến các chú. Các chú phải đối mặt với phong ba, bão táp để gìn giữ đảo quê hương. Cuối thư cháu chúc các chú luôn mạnh khỏe, vững chắc tay súng, chúc các chú đón một mùa Xuân mới vui vẻ, hạnh phúc.
Điều đặc biệt trong lá thư của em học sinh có tên là Anh Dũng này chính là sự ngưỡng mộ của em đối với các chiến sỹ Hải quân. Từ sự ngưỡng mộ này của em sẽ dẫn đến những ước mơ, những hy vọng và một ngày nào đó em cũng sẽ trở thành chiến sĩ Hải quân đứng gác cho biển đảo, đất trời vào Xuân.
Nói về những cánh thư thân yêu từ đất liền, anh Trần Vũ Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” tâm sự: Những lá thư của các em học sinh đến với biển đảo trong mùa Xuân này mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt, là món quà tinh thần, là tình yêu sâu đậm với biển đảo, là sự cảm thông; chia sẻ những gian lao, vất vả với người lính đảo. Qua đó, thể hiện tinh thần và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những cánh thư từ đất liền là những lời hỏi thăm ấm áp, chân tình còn đối với các cán bộ, chiến sỹ nơi hải đảo trong những lá thư là cả mùa Xuân, cả một góc phố rêu phong nơi quê nhà, cả cành mai, câu đối đỏ và cả Hồ Gươm, Hồng Hà, Cửu Long… lắng hồn núi sông.
|
Câu lạc bộ (Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" cùng cán bộ bưu điện chuẩn bị cho những cánh thư về đất liền từ đảo xa |
Anh Phạm Hoàng Dũng - nhân viên Bưu điện thị trấn Trường Sa cho biết: Mặc dù phương tiện thông tin liên lạc được trang bị một cách đồng bộ và hiện đại nhưng những lá thư với màu mực xanh, tím học trò luôn là món quà tinh thần của các chiến sỹ hải đảo. Nhiều lúc khi trao thư người thân đến các cán bộ chiến sỹ, họ chuyền tay nhau đọc rồi bất chợt khoe với nhau rằng: chữ của con gái tớ này các cậu, có đẹp không cơ chứ. Rồi những chiến sỹ tuổi mười chín đôi mươi nhận được lá thư của người yêu, bạn gái nơi đất liền chưa kịp đọc xong thì bị giật trên tay, người này chuyền người kia rồi đọc vang lên cho cả tốp nghe. Người thẹn thùng đỏ mặt, còn mọi người thì vỗ tay reo hò. Chứng kiến những thời khắc ấy tôi bồi hồi xúc động, rồi có chút gì đó nghĩ mình là anh quân bưu vui tính chăng.
Lời từ đất liền thấm đẫm tinh thần động viên, mong sao cho các anh "chân cứng đá mềm". Còn lời thư từ hải đảo xa xôi là sự khẳng định chắc chắn của các anh luôn sẵn sàng, luôn vững chắc tay súng để canh giữ biển trời.
Trong những cánh thư đi từ đảo xa, chúng tôi lại một lần nữa không kìm được cảm xúc khi chứng kiến bàn tay chai sạm đi vì nắng gió nhưng nét chữ thì vẫn hoa mỹ của người lính đảo.
Bức thư của chiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc từ đảo Trường Sa có đoạn: Gửi lời chào thân yêu của những đứa con biển khơi đến đất mẹ bao la, dõi ánh mắt nhìn những cánh tay vẫy chào tạm biệt như gửi gắm yêu thương, gửi gắm niềm tin và hy vọng nơi người thân, bạn bè, đồng chí, đồng đội đặt niềm tin nơi ta. Hay, một phút chóc thăng hoa giữa trời biển với câu thơ viết vội của một chiến sỹ: Những chân tình thắm đượm chốn quê hương/Nắng và gió khó phai nhoà ý chí.
Và trong mỗi cánh thư từ đảo xa, các cán bộ chiến sỹ không quên dành những "tín vật" Trường Sa là những lá bàng vuông, phong ba, bão táp để minh chứng rõ ràng rằng anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi.
Đức Tú