Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên sự đổi thay đặc biệt tại xã Ða Quyn (Ðức Trọng) trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như hệ thống chính trị và đời sống người dân. Hôm nay, người dân Ða Quyn không còn lo cái ăn qua ngày mà đang ấp ủ những ước mơ lớn lao hơn là trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung…
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo nên sự đổi thay đặc biệt tại xã Ða Quyn (Ðức Trọng) trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như hệ thống chính trị và đời sống người dân. Hôm nay, người dân Ða Quyn không còn lo cái ăn qua ngày mà đang ấp ủ những ước mơ lớn lao hơn là trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung…
|
Người dân Đa Quyn nỗ lực cùng chính quyền ổn định cuộc sống và xây dựng nông thôn mới. Ảnh: L.H |
Từ một xã nghèo được thành lập năm 2009, Đa Quyn bắt tay vào xây dựng NTM với 2 giai đoạn rõ rệt. Trong giai đoạn I (2009-2012), Đảng bộ và chính quyền xã Đa Quyn bắt đầu triển khai công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, lộ trình… Đến năm 2012, Đa Quyn tập trung vào những tiêu chí cần được Nhà nước đầu tư và những tiêu chí cần được người dân phấn đấu.
5 năm tiếp sau năm 2012, xã Đa Quyn được tỉnh công nhận đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM và là xã cuối cùng của huyện Đức Trọng về đích NTM. Qua thời gian triển khai, đời sống nhân dân được nâng cao. Nếu năm 2009, thu nhập của người dân chỉ ở mức hơn 7 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 này, mức thu nhập đã nâng lên 35,8 triệu đồng/người/năm - là mức tăng rất cao. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa 100% theo quy chuẩn đường nông thôn và được trồng cây xanh. Đường giao thông nội đồng có 70% được cứng hóa, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa của người dân.
Các cơ sở hạ tầng khác như, trường học, các công trình văn hóa, trạm y tế, phát thanh và các công trình phụ trợ khác đều được đầu tư theo chuẩn mới khang trang và thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Theo số liệu tổng kết năm học 2017-2018, Đa Quyn có 100% học sinh ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học đến trường, 98% học sinh trung học cơ sở đến lớp đều đặn. Từ năm 2009, xã có 43% hộ nghèo, nhưng đến cuối năm 2018 này, còn 6,98% (chưa trừ hộ nghèo bảo trợ xã hội). Đây cũng là một bước tiến kỷ lục trong xây dựng NTM.
Nhờ hoàn chỉnh về hệ thống giao thông, Đa Quyn thu hút được tư thương và doanh nghiệp thuê đất, mua đất, mở đại lý để kích cầu sản xuất, chuyển đổi ở những vùng không có điều kiện từ lúa 1 vụ sang trồng rau, đặc biệt là trồng cà chua rất năng suất do đất mới và gần biển, nắng nhiều nên ít bị bệnh và rất có tiềm năng để xây dựng vùng sản xuất rau thương phẩm. Hiện đã có 5 doanh nghiệp đang thuê khoảng 200 ha sản xuất rau. Đa Quyn cũng đang còn hơn 1.000 ha đất nông nghiệp còn trống.
Ông Hồ Đăng Thành - Bí thư Đảng ủy xã Đa Quyn ví von: Nếu mỗi hộ dân Đa Quyn chỉ cần thâm canh 1 ha rau thôi, thì Đa Quyn sẽ trở thành vùng sản xuất hàng hóa vững chắc. Đa Quyn là xã vùng sâu vùng xa, có 83% dân là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng tiếp cận kỹ thuật sản xuất rất nhanh, do đa số đồng bào chuyển đến từ vùng Thạnh Mỹ, Đơn Dương (Cơ Ho, Chu Ru), tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp cũng rất cao, nên nhận thức của bà con không có sự chênh lệch khác biệt đối với người Kinh.
Riêng năm 2018, đã có nhiều hộ dân chuyển đổi 11 ha đất trồng lúa thiếu nước sang trồng cây rau màu, như ớt, đậu, cà chua tại thôn Tơ Mrang, Chơ Rung, Tân Hạ, Chơ Ré, Ma Bó; 21 hộ dân liên kết sản xuất và tiêu thụ trái mác mác với Công ty Trường Hoàng; có hơn 76 ha đất sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao; nhiều hộ dân cải tạo trồng mới cây cà phê, trồng sầu riêng ghép, trồng mắc ca ghép, nuôi bò lai…
Tháng 6/2018, Đa Quyn được Agribank chi nhánh Lâm Đồng II hỗ trợ 1 tỷ đồng để xây dựng 20 căn nhà, người dân tự xây mới và được hỗ trợ kinh phí sửa chữa 42 căn nhà khác, giúp cho xã đạt được tiêu chí về nhà ở dân cư và hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM. Đến nay, 75% nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn, 78,2% hộ có nhà đạt quy định “3 cứng”, không còn hộ phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập của người dân chủ yếu từ trồng cà phê và hoa màu, có 476 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, trên 90% dân số trong độ tuổi lao động có việc làm…
Đa Quyn bước vào năm 2019, không chỉ là một xã vừa hoàn thành chương trình xây dựng NTM, mà phấn đấu trở thành một vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng sản xuất rau thương phẩm lớn của tỉnh, tăng trưởng kinh tế ở mức khá với thu nhập bình quân đầu người/năm trên 38 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ tăng dân số, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Đồng thời, xã đặt ra mục tiêu tăng độ che phủ rừng, tăng số hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, tăng số người biết trồng và sử dụng cây thuốc nam; giữ vững quốc phòng - an ninh, tăng cường cải cách hành chính, giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới…
LÊ HOA