Phải là những con số thực sự có hồn

08:01, 22/01/2019

Những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã hình thành nếp sống văn hóa văn minh; bồi đắp giá trị tinh thần; bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; tạo thành sức mạnh nội lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDÐKXDÐSVH) đã hình thành nếp sống văn hóa văn minh; bồi đắp giá trị tinh thần; bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; tạo thành sức mạnh nội lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
 
Tạo chiều sâu cho các hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Ảnh: Q.Uyển
Tạo chiều sâu cho các hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Ảnh: Q.Uyển

Ðẩy mạnh thực hiện 5 nội dung phong trào
 
Xây dựng môi trường văn hóa vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ theo Nghị quyết TW 9/khóa XI của Đảng. Những năm qua, Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đưa phong trào trở thành nếp sống, nếp nghĩ của mọi người, mọi nhà, từng cộng đồng dân cư, ngõ xóm, thôn buôn, tổ dân phố.
 
Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các tầng lớp nhân dân đã cùng nhau đóng góp tiền của, vật tư, ngày công lao động, giúp nhau vốn, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất, cùng với chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành về nhà ở, phát triển chăn nuôi, sản xuất đã tiếp sức cho trên 10 ngàn hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 2,91% hộ nghèo (giảm 1% so với 2017).
 
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương pháp luật, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không khiếu kiện đông người trái pháp luật; mâu thuẫn bất hòa được giải quyết tại cộng đồng; có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau, thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Nhiều địa phương đã phát huy tốt bản sắc văn hóa của các dân tộc, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; khai thác và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân như Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà... 
 
Thông qua các phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, gây dựng ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, có lối sống văn hóa, hòa thuận trong gia đình, kỷ cương trong xã hội. Phong trào đã làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy từng người dân nêu cao ý thức tự giác ở từng địa phương, cơ sở; đồng thời thấm sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của từng cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...; góp phần tạo sức đề kháng, ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm phi văn hóa, độc hại.
 
Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, các công trình phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng ở khu dân cư không ngừng được cải thiện, làm thay đổi cuộc sống của mọi người, mọi nhà. Nhân dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn, xây dựng mới và sửa chữa nhiều nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đáng ghi nhận, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình giao thông, thiết chế văn hóa, thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, như gia đình bà Lê Thị Quyền (Thôn 4 - Tiên Hoàng - Cát Tiên) hiến 5.000 m2 đất ruộng để làm đường; gia đình ông Dưng Gur Ha Long (Thôn 2 - Đạ Long - Đam Rông) hiến 300 m2 đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn; gia đình ông Nguyễn Văn Dần (tổ Đồng Tâm, thị trấn Lạc Dương) hiến hơn 1.100 m2 đất làm đường. Cùng với sự góp sức của nhân dân, trong năm 2018, Nhà nước đã đầu tư 33,8 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa, xây dựng 46 thiết chế văn hóa, thể thao ở thôn, tổ dân phố phục vụ nhân dân sinh hoạt, hội họp. Đến nay, toàn tỉnh có 136/147 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 1.280/1.541 thôn, buôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng. 
 
Quyết không gắn “nhầm” danh hiệu
 
Việc tổ chức rà soát, bổ sung các tiêu chí bình xét, đánh giá, công nhận các danh hiệu văn hóa đã được triển khai từ Ban chỉ đạo cấp tỉnh xuống Ban vận động cấp huyện, cấp xã. Thực hiện trên tinh thần công khai, dân chủ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chặt chẽ; kiên quyết loại bỏ “bệnh” hình thức, chạy theo thành tích nhằm nâng cao chất lượng phong trào; mạnh dạn không công nhận lại những gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị không còn đủ chuẩn văn hóa. Năm qua, toàn tỉnh có 266.480 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (88,5%), 1.435/1.541 thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa (93,1%, giảm 1,5% so với 2017); 117/147 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, văn minh (79,5%), trong đó 96/116 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 26/31 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 1.513/1609 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa (94%).
 
Bên cạnh đó, các phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng “người tốt, việc tốt” và điển hình tiên tiến... không ngừng được đẩy mạnh. Qua phong trào đã tạo ra những hạt nhân tích cực, các mô hình hay, các điểm sáng văn hóa. Có thể kể đến các mô hình như “Tổ an toàn” (Hương Lâm - Đạ Tẻh), “Tổ tự quản an ninh trật tự (Gia Viễn - Cát Tiên), “Khu dân cư và giáo họ không có người vi phạm pháp luật” (Lạc Lâm - Đơn Dương), “Khu dân cư văn hóa kiểu mẫu” (Đạ Chais - Lạc Dương)...
 
Không ngừng đưa phong trào đi vào chiều sâu chất lượng, được “đo, đếm” bằng những con số thực sự có hồn, ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH chỉ đạo: Trong năm 2019, phải bám sát, đưa phong trào đi sâu và phù hợp với thực tiễn từng địa phương; tránh chạy theo hình thức, thành tích; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động quần chúng nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp phát triển phong trào sâu rộng, bền vững trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư và mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
 
QUỲNH UYỂN