Một năm nhìn lại

08:01, 09/01/2019

Tuy chưa có báo cáo đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) của tỉnh năm 2018, nhưng với một số thông tin bước đầu, chúng tôi phân tích ở mức tổng quan nhất. Năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện Luật Lâm nghiệp, tỉnh Lâm Ðồng làm thế nào đạt được mục tiêu tăng độ che phủ rừng lên 54,4-54,8%; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 20%, diện tích thiệt hại giảm 30%.

Tuy chưa có báo cáo đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) của tỉnh năm 2018, nhưng với một số thông tin bước đầu, chúng tôi phân tích ở mức tổng quan nhất. Năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện Luật Lâm nghiệp, tỉnh Lâm Ðồng làm thế nào đạt được mục tiêu tăng độ che phủ rừng lên 54,4-54,8%; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 20%, diện tích thiệt hại giảm 30%.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra rừng đầu năm 2018. Ảnh: M.Ðạo
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra rừng đầu năm 2018. Ảnh: M.Ðạo

Số vụ vi phạm vắng chủ còn cao
 
Trong năm 2018, ở tỉnh Lâm Đồng, một trong các nhiệm vụ được tập trung là trồng rừng sau giải tỏa, trồng rừng thay thế, trồng cây phân tán, cây che bóng. Kết quả toàn tỉnh đã trồng được hơn 1.730 ha rừng tập trung; 48.723 cây phân tán; 1.158 ha trồng xen cây lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp lâu năm. Cùng đó là tiếp tục thực hiện chính sách khoán QLBV rừng với diện tích trên 431 ngàn ha, tăng hơn 5.100 ha so với năm 2017. Đối với nhiệm vụ QLBV rừng công tâm mà nói đã có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm trước đây, Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận, vẫn còn nhiều hạn chế. Những con số sau đây chứng minh nhận định này: Số vụ vi phạm vắng chủ còn rất cao, chiếm tới 53%. Cụ thể, số vụ vi phạm đã phát hiện lập biên bản là 900 vụ; trong đó, 422 vụ đã xác định đối tượng vi phạm và 478 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm. Theo đó, diện tích thiệt hại do phá rừng là 62,4 ha, lâm sản thiệt hại gần 3.692 m 3. So sánh với năm 2017, số vụ vi phạm giảm 135 vụ (bằng 13%); diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 27,15 ha (bằng 30%); lâm sản thiệt hại theo 4 hành vi giảm trên 85 m 3 (bằng 2%). 
 
Trong 3 tiêu chí thể hiện sự tác động đến tài nguyên rừng, tiêu chí thiệt hại về lâm sản do phá rừng chỉ giảm được 2% so với năm trước là điều hết sức cần lưu tâm. 
 
Bên cạnh đó, công tác QLBVR vẫn còn phức tạp, số vụ vi phạm vắng chủ còn cao; tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp còn nhiều; công tác giải tỏa và trồng lại rừng còn khó khăn, tỷ lệ tái lấn chiếm cao; công tác trồng rừng, trồng cây phân tán còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. 
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, tồn tại nêu trên. Về khách quan, diện tích rừng toàn tỉnh được phân bổ rộng, rải rác, gần khu vực sản xuất nông nghiệp, khu dân cư. Trong đó, cần phải hiểu căn cơ hơn, đó là do tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp diễn ra từ rất nhiều năm nay do công tác quản lý lỏng lẻo, xử lý không nghiêm và cả có những dung túng từ một số cán bộ chức năng và chính quyền địa phương. Mặt khách quan khác, so với nhu cầu của nhiệm vụ, kinh phí, phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng chưa đáp ứng yêu cầu; biên chế gặp nhiều khó khăn, cá biệt nhiều địa phương có cán bộ kiểm lâm phải kiêm nhiệm và quản lý khoảng 20.000 ha rừng. Cùng đó, công chức kiểm lâm ở độ tuổi từ 50 trở lên có tỷ lệ lớn, đây là yếu tố sức khỏe đã ảnh hưởng đến thực hiện các hoạt động về tuần tra, kiểm tra rừng gặp nhiều khó khăn. Về mặt chủ quan, như đã nêu, vẫn còn sự buông lỏng quản lý, xử lý chưa kịp thời và đủ được tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm của cơ quan chức năng liên quan. Một số chủ rừng còn lơ là, trách nhiệm chưa đủ mạnh để làm tốt công tác QLBV&PTR…
 
Năm đầu tiên thực hiện Luật Lâm nghiệp
 
Năm 2019 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Luật Lâm nghiệp với nhiều nội dung đổi mới, phù hợp hơn đối với thực tiễn. Với tỉnh Lâm Đồng, có thể nêu lên một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau. Đó là tiếp tục thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có. Cùng đó là cụ thể hóa các hoạt động tổ chức, chỉ đạo thực hiện các biện pháp chống chặt, phá, ken cây rừng trái phép và các hành vi trái pháp luật khác xâm hại tới rừng và đất lâm nghiệp. Xây dựng phương án phòng chống cháy rừng đến tận cơ sở để hạn chế cháy rừng đến mức thấp nhất; tổ chức lực lượng thường xuyên theo dõi và kịp thời xử lý các vụ cháy tránh để lan rộng, đặc biệt trong thời gian cao điểm mùa khô năm 2019. Tiếp tục triển khai hỗ trợ trồng rừng sản xuất và đổi mới mô hình sản xuất tại các công ty lâm nghiệp. Cơ quan chủ quản, cụ thể là Sở NN&PTNT chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chính sách dịch vụ môi trường rừng theo quy định. Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng cần chỉ đạo triển khai trồng cây lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, trong đó, có sự giám sát và kịp thời làm tốt công tác thi đua. 
 
Nhân đây chúng tôi cũng nêu ý kiến đánh giá và chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng - Chủ tịch UBND Đoàn Văn Việt. Tại Kỳ họp thứ VI, HĐND tỉnh khóa IX ngày 13/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn đánh giá: QLBV rừng là một trong những nhiệm vụ hết sức phức tạp và cũng đang là một trong những hạn chế của tỉnh Lâm Đồng. Ông cho rằng, cần tập trung làm tốt ở mấy địa bàn chủ yếu có diện tích và mật độ rừng lớn (trong đó chủ yếu là thông) thì công tác QLBV rừng sẽ có chuyển biến rõ rệt. Nguyên nhân để mất rừng, suy thoái rừng thì có nhiều, mặc dù cả 3 tiêu chí giảm nhưng năng lực, khả năng trong công tác quản lý của một số đơn vị vẫn đang còn mỏng và còn thiếu trách nhiệm, nhất là chủ rừng. 
 
Vì vậy, trong năm 2019, theo Chủ tịch Đoàn Văn Việt, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng, khôi phục trồng lại rừng, kiên quyết không để mét vuông đất lâm nghiệp nào bị lợi dụng làm việc khác mà phải để trồng rừng. Việc để sản xuất nông nghiệp trên đất rừng phải kiên quyết thực thi những giải pháp quyết liệt để trồng rừng lại mới khắc phục tồn tại thời gian qua là tỉ lệ trồng lại rừng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng cà phê còn đạt thấp. Hiện còn hơn 70.000 ha cần trồng phục hồi rừng, chủ trương, kế hoạch và đề án có nhưng thực hiện chưa tốt cho nên cần rà soát lại, kiên quyết xử lý vi phạm. Việc đền bù tài nguyên rừng bị thiệt hại tiếp tục cần rà soát và xử lý điểm để đạt được hiệu lực cao về quản lý nhà nước trong tình trạng chủ rừng vi phạm. Chủ tịch Đoàn Văn Việt cũng khẳng định kiên quyết không phát triển thủy điện ảnh hưởng đến môi trường rừng như tinh thần quán triệt của Thủ tướng Chính phủ.   
 
MINH ÐẠO