Sân chơi khoa học thú vị với học sinh

08:01, 14/01/2019

Lâm Ðồng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Ðây thực sự đã trở thành sân chơi cho những học sinh say mê nghiên cứu khoa học.

Lâm Ðồng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học. Ðây thực sự đã trở thành sân chơi cho những học sinh say mê nghiên cứu khoa học.
 
Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, Đam Rông với đề tài “Hệ thống lọc nước tự động bằng năng lượng mặt trời”. Ảnh: T.H
Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, Đam Rông với đề tài “Hệ thống lọc nước tự động
bằng năng lượng mặt trời”. Ảnh: T.H

Đây là năm đầu tiên có dự án lọt vào vòng thi cấp tỉnh Cuộc thi KHKT năm học 2018 - 2019, thầy trò Trường THPT Phan Đình Phùng (huyện Đam Rông) vui mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng. Bởi, “trường chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học. Mặt khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị để các em thực hiện đề tài còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy vậy, thầy trò vẫn động viên nhau cố gắng thử sức ở sân chơi lớn này”, thầy Cao Xuân Trúc - giáo viên Vật lý cũng là người hướng dẫn đề tài cho hai học sinh của trường dự thi tâm sự.
 
Vốn đam mê về môi trường và công nghệ thông tin, hai học sinh Đỗ Trung Hậu - lớp 12A5 và Đào Thanh Tùng - lớp 11A2 Trường THPT Phan Đình Phùng mạnh dạn tham gia cuộc thi với đề tài “Hệ thống lọc nước tự động bằng năng lượng mặt trời”. Cậu học sinh lớp cuối cấp Đỗ Trung Hậu cho hay: “Trước thực trạng nhà trường đang sử dụng nguồn nước giếng khoan nên phải dùng máy lọc nước tạo nước uống cho học sinh. Việc này tốn nhiều điện năng tiêu thụ và phải thay màng lọc nước thường xuyên nên chi phí cao. Vì vậy, chúng em đã nghiên cứu ra hệ thống lọc nước tự động bằng năng lượng mặt trời. Trong quá trình lọc sẽ thu được thêm nguồn nước cất có thể kinh doanh. Không những vậy, khi vận hành máy sẽ tạo ra năng lượng điện sử dụng trong gia đình”. Đề tài đã được Ban giám khảo đánh giá cao bởi tính ứng dụng vào thực tế và đoạt giải tư. 
 
Không chỉ riêng Trường THPT Phan Đình Phùng, Cuộc thi KHKT năm nay, bên cạnh những đơn vị đã có truyền thống và thành tích cao trong công tác tổ chức, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học như THPT Chuyên Thăng Long, THPT Chuyên Bảo Lộc, THPT Bảo Lộc, THPT Đức Trọng, THPT Bùi Thị Xuân,…; một số đơn vị tham gia chưa nhiều nhưng đã đạt được những kết quả cao như THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS&THPT Xuân Trường, THPT Quang Trung… Số lượng các dự án tham gia ngày càng tăng qua cuộc thi từng năm. 
 
Nếu như năm đầu tiên 2008 - 2009, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GDÐT) Lâm Ðồng tổ chức Cuộc thi KHKT cấp tỉnh, chỉ có 27 đề tài, nhưng đến năm học 2018 - 2019, đã có 189 đề tài.
 
Nhiều đề tài thể hiện được tính sáng tạo, có sự đầu tư nghiên cứu công phu, phương pháp nghiên cứu khoa học và sản phẩm nghiên cứu có giá trị thực tiễn.
 
Một điều dễ nhận thấy, các đề tài đều xuất phát từ ý tưởng quan sát từ thực tế, học sinh dự thi đã vận dụng những kiến thức lý thuyết của các môn học trong nhà trường để giải quyết vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Nếu như ở lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi, các đề tài đã đề cập đến những vấn đề như bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sự đa dạng của bản sắc văn hóa, tác động của công nghệ thông tin, các yếu tố văn hóa, xã hội… đến việc rèn luyện kỹ năng học tập, kỹ năng sống, hình thành nhân cách của lứa tuổi thanh thiếu niên; thì về lĩnh vực Khoa học tự nhiên - kỹ thuật, các đề tài đã đưa ra các sáng kiến, tìm tòi các giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn, tháo gỡ những ách tắc nhằm bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe con người, phục vụ cuộc sống…
 
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Toàn Phan - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi KHKT năm học 2018 - 2019, điều gây ấn tượng ở cuộc thi này là hầu hết các em học sinh chủ động thuyết phục Ban giám khảo và khách tham quan trưng bày; khi gặp câu hỏi khó các em vẫn bình tĩnh để giải thích và sẵn sàng tiếp thu để cải tiến dự án của mình tốt hơn. Các đề tài đã chứng tỏ được sự nhiệt tình tham gia vào môi trường nghiên cứu khoa học một cách thực tế, năng động của học sinh phổ thông, khẳng định được năng lực tìm tòi, nghiên cứu của các em, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, ý thức xã hội đối với môi trường sống và sinh hoạt cộng đồng của học sinh dự thi. 
 
“Có thể khẳng định rằng, cuộc thi KHKT đã tạo nên một sân chơi hết sức trí tuệ và bổ ích, thúc đẩy và khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh. Đây là hoạt động giúp học sinh trải nghiệm, làm quen với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, uơm mầm ước mơ, sáng tạo và thúc đẩy nhận thức cao đẹp trong học sinh về việc xây dựng một xã hội văn minh, khoa học và tiến bộ. Qua đó, góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, phát triển năng lực học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường phổ thông cũng như triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng cho hay.
 
TUẤN HƯƠNG