Tình người xa xứ

09:01, 31/01/2019

Xa cách quê cha đất tổ hàng chục năm, vật lộn với cuộc sống nơi xứ người, họ cũng dần quen với tuyết trắng, với những đêm Giáng sinh rực rỡ. Nhưng sâu thẳm trong trái tim, những người con ấy không thể quên mùi nhang tết vương vấn, những đêm ngồi canh nồi bánh chưng, bánh tét, lời chúc tụng tốt đẹp mỗi dịp đầu năm...

Xa cách quê cha đất tổ hàng chục năm, vật lộn với cuộc sống nơi xứ người, họ cũng dần quen với tuyết trắng, với những đêm Giáng sinh rực rỡ. Nhưng sâu thẳm trong trái tim, những người con ấy không thể quên mùi nhang tết vương vấn, những đêm ngồi canh nồi bánh chưng, bánh tét, lời chúc tụng tốt đẹp mỗi dịp đầu năm. Trong cái lạnh Đà Lạt rưng rưng ngày cuối năm, những kiều bào về quê ăn tết đều chung một nỗi niềm, dù có đi xa tới đâu họ vẫn là những người con đất Việt.
 
Gặp nhau đầm ấm giữa Xuân Đà Lạt. Ảnh: D.Quỳnh
Gặp nhau đầm ấm giữa Xuân Đà Lạt. Ảnh: D.Quỳnh
Như truyền thống từ nhiều năm nay, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đều tổ chức ngày gặp mặt trân trọng, ấm cúng với những kiều bào về quê đón tết cổ truyền dân tộc. Gần 200 kiều bào đang sinh sống ở nhiều vùng đất, nhiều quốc gia trên thế giới đã về chung vui. Chúng tôi trò chuyện với cô Nguyễn Thị Hạnh, kiều bào đang sống ở San Francisco, Mỹ, quê gốc thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng. Cô Hạnh bảo, dù đã xa Việt Nam hơn 30 năm, trong những giấc mơ của cô vẫn vẹn nguyên hình ảnh quê nhà. Nhưng điều làm cô Hạnh vui mừng nhất là mỗi lần về thăm quê lại được thấy thêm sự thay đổi vượt bậc của quê nhà. Cô Hạnh nói: “Mình già rồi, giờ mỗi lần về quê, thấy đường sá, nhà cửa mỗi ngày mỗi thay đổi, càng ngày càng phát triển, đời sống lên cao nên tôi thật sự rất vui mừng. Dù đi xa thế nào mình cũng không quên được quê hương, gốc gác ông bà cha mẹ”. 
 
Tôi mong mỏi được cấp quốc tịch Việt Nam
 
Ông Nguyễn Văn Huân, kiều bào sống ở Paris, Pháp chia sẻ, ông mong mỏi được Nhà nước chấp thuận cho ông có quốc tịch Việt Nam. Xa Đà Lạt mấy chục năm, nói tiếng Việt vẫn rất tốt, ông mong muốn được quay lại, sống những ngày êm đềm tại quê nhà. Nhưng do thiếu giấy tờ chứng minh người gốc Việt nên dù đã làm hồ sơ, việc nhập quốc tịch Việt Nam còn khó khăn. Ông tha thiết đề nghị Nhà nước xem xét, tạo điều kiện cho ông nhận được quốc tịch Việt như người con sau những chuyến đi xa quay lại dưới mái nhà của cha mẹ.

Ông Ngô Đình Hiếu - “chuyên gia” bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa lại là một kiều bào khá đặc biệt. Người gốc Huế, ông sinh sống ở Mỹ gần 40 năm. Nhưng năm 2000, nhận được lời mời của người bạn, ông chọn Bảo Lộc, Lâm Đồng làm nơi trở về sau chặng đường viễn xứ dài dằng dặc. Người đàn ông Huế nho nhã có đam mê đặc biệt với văn hóa cổ của dân tộc Châu Mạ. Những chuyến điền dã dài ngày, cùng ăn cùng ở với người Châu Mạ giúp ông sưu tầm được vô số vật dụng trong đời sống người Châu Mạ và cả những tài sản phi vật thể, những bài ca, những câu chuyện, những phong tục của một trong những dân tộc sinh sống nơi đại ngàn hùng vĩ. Với tư cách là chuyên gia văn hóa của Công ty trà Tâm Châu, ông đã góp phần để bè bạn bốn phương biết, hiểu thêm về văn hóa, truyền thống, nếp sống của người Châu Mạ. Nói chuyện với chúng tôi, ông Hiếu khẳng định ông tìm thấy niềm vui, thấy đam mê của đời mình nơi những bếp lửa, nơi những góc suối, nơi những buôn Châu Mạ xa xôi mà gần gũi. Chọn Bảo Lộc như chốn dừng chân sau cuộc lữ hành, người đàn ông gốc cố đô đã tìm thấy lẽ sống. 

 
Chú Đinh Gia Lập, Trưởng Ban liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Đà Lạt chia sẻ, Ban liên lạc có 179 thành viên trong và ngoài nước. Nhiệm vụ của các thành viên là thu hút kiều bào khắp nơi, đem tới cho họ những thông tin sống động nhất về cuộc sống của người trong nước, về tình cảm của bà con quê hương với những người đang sống xa Tổ quốc. Ông bảo, vì lịch sử, vì đi xa quá lâu, thiếu thông tin, một số người Việt ở nước ngoài vẫn nghĩ về quê hương với cái nhìn thiên kiến, chưa chính xác. Công việc của ông và bạn bè chính là cầu nối, giúp người Việt khắp thế giới có cái nhìn chính xác nhất về quê hương. Mang tình cảm của quê hương tới với người Việt xa xứ, nhiều kiều bào ban đầu còn ngại ngần đã quay lại, chứng kiến sự đổi thay vượt bậc của quê hương và từ đó, gần lại tình cảm của đất mẹ với khúc ruột xa quê. 
 
Và ngay trong cuộc gặp gỡ, trao đổi của lãnh đạo tỉnh với bà con kiều bào và thân nhân, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng tha thiết chia sẻ tình cảm chân thành của người trong nước với kiều bào đang sinh sống khắp các quốc gia trên thế giới. Dù đi xa tới đâu, chúng ta vẫn là đồng bào, cùng chung “một bọc trăm trứng”, cùng dòng máu không thể tách rời. Hướng về quê hương, chung tay vun đắp quê hương là tâm nguyện không chỉ của người trong nước mà còn là của hàng triệu kiều bào gần - xa. 
 
DIỆP QUỲNH