Rừng đã không còn "giàu có" để ban nhiều đặc ân cho người dân Nam Tây Nguyên, dẫu muộn nhưng giờ là lúc để họ trả nghĩa lại cho rừng theo những cách tốt đẹp nhất có thể.
Rừng đã không còn “giàu có” để ban nhiều đặc ân cho người dân Nam Tây Nguyên, dẫu muộn nhưng giờ là lúc để họ trả nghĩa lại cho rừng theo những cách tốt đẹp nhất có thể.
|
Người dân Bảo Lâm đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng khi được nhận giao khoán. Ảnh: Đ.L |
Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các phương án, giải pháp trọng tâm theo đúng hướng bảo vệ rừng tại gốc gắn liền với công tác phát triển rừng; năm 2018, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại Ban quản lý (BQL) rừng Nam Huoai (huyện Đạ Huoai) đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực.
BQL rừng Nam Huoai hiện đang quản lý, giao khoán hơn 15.200 héc ta rừng cho hơn 500 hộ nhận khoán. Với phương châm rừng được giao trực tiếp cho người dân quản lý và người dân tự chia tổ, nhóm để tuần tra, canh gác, bảo vệ, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng thuộc lâm phần BQL rừng Nam Huoai đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Từ địa phương có nhiều điểm nóng về khai thác trái phép lâm sản và lấn chiếm đất rừng thì nay tình trạng này đã giảm đi đáng kể. Để ngăn chặn tình trạng phá rừng trái phép, đơn vị đã duy trì thường trực 24/24 giờ hàng ngày tại các trạm, chốt quản lý bảo vệ rừng.
Ông Võ Đức Trí - Trưởng BQL rừng Nam Huoai cho biết: “Để ngăn chặn và bảo vệ rừng khỏi bị xâm hại, chúng tôi đã tổ chức cho các hộ nhận khoán lập nhiều chốt chặn tại các điểm ở cửa rừng. Tại đây, các hộ luân phiên cắt cử người bảo vệ và canh gác, qua đó sớm phát hiện những trường hợp vi phạm để kịp thời ngăn chặn”.
Năm 2018, BQL rừng Nam Huoai đã giao cho 27 tổ nhận khoán, trong đó chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương với số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng gần 10 tỷ đồng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống người dân và hơn hết là ý thức, trách nhiệm của người dân đối với rừng.
Theo ông K’Đảo - Tổ quản lý bảo vệ rừng Nam Huoai thì việc giữ rừng không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của người dân bản địa đã bao đời nay sống gần rừng, hít hơi thở của rừng. Đồng thời, số tiền nhận giao khoán bảo vệ hàng năm cũng giúp ích rất nhiều cho các hộ khó khăn có cơ hội để mua sắm vật tư nông nghiệp, cây trồng, con giống để thay đổi đời sống.
Trong bối cảnh đóng cửa rừng tự nhiên như hiện nay thì suy nghĩ của những người như ông K’Đảo và những người dân ở Tổ quản lý bảo vệ rừng Nam Huoai là điều hết sức cần thiết. Điều này, thêm một lần nữa khẳng định sức mạnh đồng bộ, quyết liệt trong hành động, tạo nên sức mạnh tổng hợp của người dân và các đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.
Với địa hình đồi núi phức tạp, diện tích rừng thuộc Công ty TNHH Lâm nghiệp Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) quản lý trước đây thường xuyên xảy ra các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện, người dân đã có trách nhiệm hơn với rừng.
Ông Nguyễn Minh Trí - Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật bảo vệ rừng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Lộc Bắc cho biết: “Trước đây người dân xem rừng như là tài sản chung, mạnh ai nấy phá. Mỗi khi khó khăn, họ lại vào rừng, xem đây là phương kế duy nhất để vượt qua cái đói. Việc giao khoán, giao trách nhiệm đã giúp cho họ thay đổi nhận thức, tự đó xem mỗi héc ta mình nhận khoán là tài sản riêng, là máu thịt để họ thật sự thấy ý nghĩa trong việc gìn giữ và bảo vệ rừng”.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm hiện đang quản lý, bảo vệ hơn 23.000 héc ta rừng, trong đó diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng là hơn 22.000 héc ta cho gần 1.300 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Gia đình ông K’Bách là một trong nhiều hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng sử dụng nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng quý để phục vụ tăng gia sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Hiện nay, gia đình ông đã có cơ ngơi khang trang, con cái được học hành đầy đủ, đời sống kinh tế gia đình ổn định.
Có thể nói, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là hướng đi đúng đắn trong việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Minh chứng rõ nét nhất, đó là những cánh rừng thuộc sự quản lý của Công ty TNHH Lâm nghiệp Lộc Bắc, một trong những điểm nóng về vi phạm Luật Quản lý bảo vệ rừng thời gian trước đây, nay đã khá bình yên, không còn tình trạng phá rừng trái pháp luật hay khai thác rừng trái phép.
100% số xã, thị trấn ở huyện Lạc Dương đều có rừng với tổng diện tích gần 120.000 héc ta, trong đó có hơn 99.000 héc ta giao khoán cho hơn 3.000 hộ và 12 đơn vị quản lý, bảo vệ.
Bằng hình thức tuyên truyền, vận động cùng với các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ kiểm lâm địa phương đã phối hợp với các cá nhân, đơn vị nhận khoán, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số tuần tra, canh gác, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ vi phạm Luật Quản lý bảo vệ rừng.
Ông Đồng Văn Lâm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cho biết: “Với các giải pháp thiết thực, dựa vào sức dân để quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua, tình trạng vi phạm Luật Quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương đã giảm đáng kể. Công tác quản lý, bảo vệ rừng không chỉ được chú trọng trong thời gian cao điểm mà được xem là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả cũng từ khi người dân hiểu và được hưởng lợi chính đáng từ rừng”.
Trước đây, do nhiều khu sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Lạc Dương gần kề với đất rừng nên xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng để sản xuất. Diện tích này sau khi giải tỏa, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương đã chọn giải pháp gieo hạt tại chỗ để phủ xanh đất rừng.
Hàng trăm héc ta rừng bị phá trước đây đã và đang được phủ xanh nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đồng thời nhận được sự đồng thuận và giúp sức rất nhiều của người dân trên vùng đất Nam Tây Nguyên.
ÐĂNG LỘ