Chưa có nhiều kinh nghiệm và điều kiện về tổ chức nghiên cứu khoa học trong học sinh như các trường ở thành phố, nhưng những năm gần đây, Trường THPT Ðơn Dương (huyện Ðơn Dương) đã bắt đầu ghi danh vào "bảng vàng" từ sân chơi trí tuệ này.
Chưa có nhiều kinh nghiệm và điều kiện về tổ chức nghiên cứu khoa học trong học sinh như các trường ở thành phố, nhưng những năm gần đây, Trường THPT Ðơn Dương (huyện Ðơn Dương) đã bắt đầu ghi danh vào “bảng vàng” từ sân chơi trí tuệ này.
|
Học sinh Trường THPT Đơn Dương với đề tài “Robot tự động thu gom rác”. Ảnh: V.Hùng |
Nhìn chú robot tự động di chuyển để thu gom rác, niềm vui hiện rõ trong ánh mắt của cô và trò Trường THPT Đơn Dương. Vậy là sau hơn 3 tháng miệt mài nghiên cứu, chú robot được chế tạo từ bàn tay và khối óc của hai học sinh đã hoạt động. Nói về đề tài “Robot tự động thu gom rác” của mình, Phan Kim Kiên - lớp 11A5 và Ngô Thị Mỹ Tâm - lớp 10A5 hào hứng: “Chúng em rất thích robot và thật sự say mê khi nhìn robot hoạt động qua những bộ phim. Trước vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng cao thì việc sáng chế ra robot có thể tự động thu gom rác mọi lúc, mọi nơi sẽ giảm sức lao động cho con người, lại vừa giữ được môi trường xanh, sạch, đẹp. Do vậy, chúng em quyết định chế tạo robot thu gom rác tự động hóa để góp phần làm tăng ý thức bảo vệ môi trường cho các bạn học sinh nói riêng và người dân nói chung”.
Là thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, cũng là người say mê và tâm huyết với lĩnh vực chế tạo robot cho rằng: “Là học sinh nhưng các em đã ban đầu chế tạo thành công robot tự động, đây là sự nghiên cứu công phu, sáng tạo và đầy trí tuệ của lứa tuổi học trò”.
Đó là một trong 3 đề tài của Trường THPT Đơn Dương tham dự Cuộc thi Khoa KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2018 - 2019. Với 3 đề tài thuộc lĩnh vực cơ khí và hệ thống nhúng đã nối dài thêm thành tích về lĩnh vực này cho trường khi đoạt 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải tư cấp tỉnh. Trong đó, 2 đề tài được chọn tham dự Cuộc thi KHKT cấp quốc gia trong tháng 3 tới.
Đã 4 năm liên tục, từ năm học 2015 - 2016, Trường THPT Đơn Dương góp mặt trong sân chơi trí tuệ này. Đặc biệt, năm học 2017 - 2018, 1 đề tài của học sinh nhà trường đoạt giải nhì Cuộc thi KHKT cấp quốc gia. Đề tài này sau đó dự thi và đoạt giải đặc biệt Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên tỉnh Lâm Đồng và giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc.
Nói về phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh, thầy Thái Anh Long - Hiệu trưởng Trường THPT Đơn Dương khẳng định: “Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhà trường đề ra ngay từ đầu mỗi năm học. Tuy điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm và thực hành còn nhiều khó khăn, nhưng nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa cũng như liên hệ nhờ sự giúp đỡ, phối hợp của các đơn vị chuyên môn để học sinh tiếp cận với lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, hàng năm nhà trường tổ chức Cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp trường, qua đó, chọn ra những đề tài xuất sắc tham dự cuộc thi cấp tỉnh”.
Cũng theo thầy Long, giáo viên hướng dẫn chính là người đã thắp lên ngọn lửa đam mê, khơi nguồn cảm hứng cho học sinh nghiên cứu khoa học. Vì vậy, nhà trường cử những giáo viên có tâm huyết, không quản ngày đêm hướng dẫn học sinh thực hiện dự án. Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - giáo viên Vật lý của trường là người đã dìu dắt học sinh lần lượt đi tới những thành công từ phong trào nghiên cứu khoa học. Để có được những đề tài đoạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia các cuộc thi khoa học dành cho học sinh, cô là người luôn sát cánh cùng học trò. Cô chia sẻ: “Nghiên cứu khoa học là lĩnh vực khá mới mẻ với học sinh. Tuy nhiên, nếu được khơi gợi kiến thức, hướng dẫn, định hướng phương pháp tìm tòi tri thức và triển khai dự án, các em sẽ nhanh chóng tiếp cận. Các em đã vận dụng những kiến thức lý thuyết của các môn học trong nhà trường để giải quyết vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Do đó, thực hiện được nhiều đề tài có tính ứng dụng vào thực tế rất cao”.
“Thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng mũi nhọn nói chung, chất lượng dạy - học nói riêng. Cùng với đó là đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, đẩy mạnh việc đọc, nghiên cứu tài liệu, sách giáo khoa để chiếm lĩnh, vận dụng kiến thức và từng bước hình thành tư duy phản biện trong học sinh thông qua việc tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong nhà trường. Từ đó, góp phần thực hiện tốt việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và chương trình sách giáo khoa”, thầy Long cho biết thêm.
VIỆT HÙNG