(LĐ online) - Miền Trung mấy tháng cuối năm hay mưa dai dẳng. Trời cứ âm u, rét buốt, sụt sùi, chẳng có xíu xiu rộn ràng của không khí Tết. Thế nhưng một buổi chiều, thấy ba bắt đầu lặt lá mai trước sân nhà, là tự nhiên thấy Tết đến gần lắm rồi.
(LĐ online) - Miền Trung mấy tháng cuối năm hay mưa dai dẳng. Trời cứ âm u, rét buốt, sụt sùi, chẳng có xíu xiu rộn ràng của không khí Tết. Thế nhưng một buổi chiều, thấy ba bắt đầu lặt lá mai trước sân nhà, là tự nhiên thấy Tết đến gần lắm rồi.
Thế nên, trong ký ức của hẳn là nhiều người, Tết đã bắt đầu từ những ngày đó.
Ở quê tôi, hầu như nhà nào cũng trồng một vài chậu cây cảnh trước sân nhà. Và trong số đó, lúc nào cũng có một chậu hoa mai. Để chi? Để giáp Tết có cái mà chăm chút, nâng niu, để mấy ngày cuối năm hàng xóm hò nhau khệ nệ bưng cả chậu vô ngay gian giữa căn nhà, ngay trước bàn thờ, và để 3 ngày Tết hoa mai nở vàng bừng sáng cả căn nhà.
Khách đến nhà chúc Tết nhau cũng cứ xúm vào chậu hoa mai để bình luận, rằng nhà anh năm nay mai nhiều nụ, nhiều lá là nhiều lộc lắm đây. Bọn trẻ con không quan tâm tới mấy cái đó lắm, chỉ thi nhau tìm được những bông hoa mai có 6 cánh hiếm hoi rồi tranh nhau ầm ĩ - chỉ tranh công nhau thôi, chứ không ngắt hoa bao giờ. Nay, cũng có nhà thay chậu mai bằng chậu sung, hoặc bây giờ là tầm xuân hoặc cành đào mua ở chợ hoa Tết, cũng đẹp, nhưng cứ thấy thiếu thiếu, sai sai.
Tầm giữa tháng 11 âm lịch là thời điểm thích hợp nhất để lặt lá mai. Hồi nhỏ xíu thấy ba hay làm nên hỏi cho biết, lớn lên một chút thì con gái bắt đầu tham gia, tranh lặt lá phần thấp, phần ngọn để ba làm. Lớn hơn xíu nữa thì bắt ghế, thay luôn phần của ba những ngày cuối năm ba mẹ bận rộn việc đồng áng. Những đứa trẻ sinh ra ở quê, lớn lên giữa hương cây cỏ làm bằng cái tâm thế háo hức và rộn ràng, nên chẳng bao giờ nhây hay lần lữa như việc lau dọn nhà cửa, bao giờ cũng thấy thích thú. Thích nhất lúc lặt xong lá, nhìn gốc mai khẳng khiu, trơ trụi lá giữa màu trời xám ngoét và tưởng tượng tới lúc nó nở vàng. Tết đã đến từ những ngày đó chứ đâu, khi cả tháng trời nữa mới tới Tết mà tụi nhỏ cứ vài ngày lại ra đếm cây mai đã ra được bao nhiêu nụ, chồi nào là chồi lá, nụ nào là nụ hoa.
Mà cũng lạ, như nhà tôi, chẳng bao giờ hoa mai nở đúng Tết. Hoặc sớm, hoặc muộn. Có năm đến Rằm tháng Giêng, gốc mai vẫn để giữa nhà từ Tết mới bung hoa vàng rực rỡ, rụng cả thảm dưới nền nhà. Con gái cứ ngẩn ngơ giá 3 ngày Tết mà nó nở được vậy thì có phải đẹp hơn không. Vậy là năm sau ba cố ý lặt lá sớm hơn 5- 10 ngày, nhưng mà trúng năm đó trời lạnh, mưa suốt, đợi miết gần Tết mà vẫn chưa thấy nụ đâu. Thế là ba sốt ruột, 3 cha con hò nhau khiêng trước lên thềm nhà, lấy chăn trùm xung quanh, thắp bóng đèn vàng cả mấy đêm cho cây ấm. Mẹ đi ra đi vô cằn nhằn: cây mai choáng hết thềm lấy chỗ nào cho mẹ phơi lá, mấy ba con toàn làm những việc chi lạ! Nhưng mà vẫn cười rạng rỡ và thỉnh thoảng ra ngó nghiêng xem nó đã chịu bung nụ chưa.
Trong ký ức tuổi thơ tôi, Tết đã đến rất sớm - ngay từ những ngày đó.
Chiều 30 Tết, sau khi đã tan tiệc Tất niên, chậu mai mới được bê vào nhà. Ba sẽ đổ thêm lên chậu một lớp cát mới để sạch những rong rêu của lớp đất cũ. Việc trang trí cho cây mai cũng khiến nhà nào nhà nấy tưng bừng, rộn ràng. Như là truyền thống, ở nhà nào, người lớn cũng sẽ giăng đèn nhấp nháy khắp cây mai, còn trẻ con - đây như là dịp để tụi nhỏ mang khoe hết những tấm thiệp được tặng trong cả một năm, treo lủng lẳng trên các cành mai.
Nay đã là cái Tết thứ 3 không có chậu hoa mai trong nhà. Từ lúc ba về với trời, dù tôi có chăm chút bao nhiêu thì cây mai trước nhà cũng không chịu ra nụ hoa nhiều như trước, chỉ ra lá xanh um. Mẹ bảo chắc do không phải tay quen, mà cây thì cũng có tình cảm như con người. Tết thiếu người, thiếu hoa nữa, nên chẳng còn rộn ràng như những Tết xưa.
May mà cả vườn mai sau nhà, ba trồng rồi để nó lớn tự nhiên, không uốn nắn gì, không cần canh ngày lặt lá mà ngày Tết vẫn cứ nở bung vàng rực cả vườn. Con gái đành lựa cắt một nhánh có nụ có hoa thiệt đẹp, mang vô cắm trong bình hoa giữa bàn. Tại ngày xưa, ba hay nhất quyết rằng: “Tết mà không có hoa mai thì còn gì là Tết” mỗi lần tôi đòi mua quất hay đào về chưng Tết. Người đàn ông Huế, bảo thủ nhưng chân thành với truyền thống là vậy, đến nỗi lây luôn sang cho suy nghĩ của cô con gái 9X là tôi.
Nên Tết này, con gái lại về nhà, ra vườn và cắt một nhành mai.
THIÊN BÌNH