Với tổng doanh thu 40,2 tỷ đồng trong năm 2018, cao hơn năm trước trên 33%, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Ðà Lạt đã ngày càng đưa nhiều hơn các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và ứng dụng liên quan vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.
Với tổng doanh thu 40,2 tỷ đồng trong năm 2018, cao hơn năm trước trên 33%, Viện Nghiên cứu Hạt nhân (NCHN) Ðà Lạt đã ngày càng đưa nhiều hơn các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và ứng dụng liên quan vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.
|
Ban Giám đốc Viện NCHN khen thưởng các đơn vị trực thuộc có nhiều hoạt động triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội xuất sắc trong năm 2018. Ảnh: V.T |
Là Lò phản ứng Hạt nhân duy nhất tại Việt Nam đang hoạt động hiện nay, theo Ban Giám đốc Viện, trong năm 2018, Lò đã vận hành 16 đợt dài ngày ở công suất 500 kW, thêm một số đợt ngắn ngày khác nhằm sản xuất đồng vị phóng xạ và phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo. Tính tổng thời gian hoạt động của Lò ở công suất 500 kW trong năm đạt 2.200 giờ, tăng 48% so với năm trước.
Viện NCHN trong năm đã khai thác hiệu quả 2 nguồn chiếu xạ Co-60 với thời gian vận hành đạt 3.900 giờ, phục vụ cho công tác nghiên cứu của các trung tâm trực thuộc trong Viện như Trung tâm Công nghệ bức xạ, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất đồng vị phóng xạ, Trung tâm Công nghệ sinh học và một số cơ quan nghiên cứu trong nước.
Song song với việc hiện đại hóa trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm của các đơn vị trực thuộc tại đây, đơn vị đã tăng cường vận hành hệ thống trang thiết bị hiện đại này phục vụ cho nghiên cứu khoa học, triển khai các nhiệm vụ thường niên của Viện cũng như tăng cường các dịch vụ phục vụ trong nhiều lĩnh vực kinh tế - đời sống của đất nước hiện nay.
Nổi bật nhất trong các hoạt động của Viện NCHN năm 2018 vẫn chính là việc điều chế, cung cấp các dược chất phóng xạ cùng bộ công cụ (kit) đánh dấu của Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ. Dược chất này cùng bộ công cụ được sử dụng tại các khoa y học hạt nhân, các cơ sở y tế trong nước, chủ yếu dùng điều trị ung thư cùng nhiều loại bệnh khác. Hoạt động này đã và đang đóng góp doanh thu lớn nhất cho Viện NCHN trong nhiều năm nay, chỉ tính riêng trong năm 2018 vừa qua, Trung tâm này đã đạt mức doanh thu 27,29 tỷ đồng, vượt gần gấp đôi doanh thu của mình vào năm 2017 trước đó.
Cụ thể, Trung tâm này năm 2018 đã sản xuất và cung cấp được 620,55 Ci đồng vị phóng xạ các loại cho 25 bệnh viện và cơ sở y tế trong nước, trong đó khoảng 352,12 Ci được sản xuất trên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, vượt hơn năm 2017 trên 150 Ci; số còn lại được nhập khẩu. Trong sản xuất bộ công cụ (kit), Trung tâm đã cung cấp 2.413 lọ các loại, vượt hơn năm trước 615 lọ.
Đặc biệt, trong năm 2018, đơn vị đã bước đầu cung cấp dược chất phóng xạ cho các bệnh viện lớn của Campuchia với 11 đợt giao, tổng cộng 4,21 Ci, đồng thời hỗ trợ cho các bệnh viện tại quốc gia này phát triển các khoa y học hạt nhân.
Một trung tâm khác của Viện cũng đang có những hoạt động nổi bật trong năm 2018 chính là Trung tâm Phân tích, với việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại để phân tích chất lượng các mẫu môi trường như nước, đất, không khí, trầm tích…; phân tích dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi sinh trong các mẫu nông sản xuất khẩu.
Hiện Trung tâm Phân tích này đã có các chương trình hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và trong nước để phân tích mẫu. Trong năm 2018, đơn vị đã phân tích trên 3.500 mẫu với khoảng 35.000 chỉ tiêu, trong đó khoảng 70% lượng mẫu kiểm định để phục vụ cho xuất khẩu các loại nông sản của 10 công ty có 100% vốn nước ngoài (tổng kim ngạch xuất khẩu của các công ty này đạt khoảng 7 triệu USD); 10% lượng mẫu tham gia kiểm định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho hơn 100 doanh nghiệp và hộ cá thể; 10% lượng mẫu để đánh giá và chứng nhận VietGAP, gần 10% lượng mẫu còn lại cho nhiều mục đích khác nhau.
Trung tâm Phân tích cũng tham gia giám sát môi trường cho nhiều đơn vị trong nước; trong năm đơn vị này đã tham gia đánh giá và chứng nhận mới VietGAP cho hơn 20 đơn vị, hộ cá thể. Tổng doanh thu của đơn vị trong năm đạt khoảng 4,74 tỷ đồng.
Một dịch vụ khác lâu nay Viện NCHN vẫn duy trì rất tốt chính là việc đo liều bức xạ cá nhân, kiểm chuẩn, kiểm định cho các đơn vị ngoài Viện. Năm qua, các đơn vị trong Viện đã thực hiện việc định liều cho hơn 6.000 nhân viên bức xạ của gần 500 cơ sở bức xạ trong nước. Viện cũng thực hiện việc kiểm chuẩn và kiểm định chất lượng cho 341 máy đo liều và máy X-quang y tế; đo và đánh giá an toàn bức xạ cho 182 phòng máy X-quang và nguồn phóng xạ với tổng doanh thu các dịch vụ này trên 4,8 tỷ đồng.
Rất nhiều lĩnh vực khác Viện NCHN cũng có những bước tiến đáng kể như cung cấp ra thị trường các chế phẩm nông nghiệp T&D, Ocilid, Tricoderma, Nano bạc, phân vi sinh, chất trồng nông nghiệp; cung cấp tiêu bản sai hình nhiễm sắc thể phục vụ dạy học trong các trường trung học phổ thông. Đồng thời, cung cấp giống cây trồng cho nông dân và doanh nghiệp; thực hiện hợp đồng quan trắc phóng xạ môi trường và phân tích phóng xạ trong lương thực, thực phẩm xuất khẩu; đào tạo bồi dưỡng kiến thức an toàn hạt nhân cho nhân viên bức xạ…
Như đánh giá của Ban Giám đốc, Viện NCHN trong năm 2018 đã có những bước tiến vượt bậc trong việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng - địa bàn Viện đóng chân nói riêng và của cả nước nói chung.
Con số thống kê cho thấy, các dịch vụ đang triển khai tại Viện NCHN hiện nay đang trực tiếp hỗ trợ hoạt động cho 25 bệnh viện và cơ sở y tế lớn trong nước; gần 500 cơ sở bức xạ; 134 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, trong đó có 10 công ty FDI; 20 cơ sở sản xuất VietGAP.
Trong năm 2019 này, Viện NCHN Đà Lạt cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và liên quan để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đối với các lĩnh vực có thế mạnh của mình lâu nay như sản xuất và cung cấp đồng vị phóng xạ trong y học hạt nhân, phân tích mẫu, đo liều cá nhân và kiểm chuẩn, quan trắc và đánh giá tác động môi trường…
Viện cũng sẽ tích cực mở rộng thị trường trong một số lĩnh vực như đánh giá tác động môi trường các dự án, tham gia kiểm định chứng nhận VietGAP; đồng thời đẩy mạnh việc xuất khẩu dược chất sang Campuchia và tiếp tục phát triển hợp tác, liên doanh, liên kết với các đơn vị tư nhân nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ mạnh hơn nữa.
VIẾT TRỌNG