(LĐ online) - Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là vấn đề nhức nhối được cả xã hội quan tâm. Có nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân sâu xa là sự kém ý thức của người tham gia giao thông, có đến trên 85% số vụ tai nạn xuất phát từ lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông...
(LĐ online) - Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là vấn đề nhức nhối được cả xã hội quan tâm. Có nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân sâu xa là sự kém ý thức của người tham gia giao thông, có đến trên 85% số vụ tai nạn xuất phát từ lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông. Vì vậy, để giải quyết tận gốc tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông, nhất thiết phải xây dựng được một nền tảng văn hóa giao thông (VHGT) trong suy nghĩ của người dân.
Nền tảng văn hóa giao thông
Hiện nay, an toàn giao thông (ATGT) đang là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm; thông điệp “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” không chỉ là lời nhắc nhở, khuyến cáo mà còn là lời cảnh báo cho những người tham gia giao thông, hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Hàng ngày, mỗi người ít nhiều đều tham gia vào hoạt động giao thông và là chủ thể của hoạt động này. Do đó, TNGT có thể xảy ra ở bất kỳ chỗ nào, lúc nào nếu người tham gia giao thông chủ quan, bất cẩn. Trong những năm gần đây, mặc dù công tác ATGT được triển khai thực hiện quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn đang phải đối mặt với tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông ở mức cao. Mỗi ngày trôi qua đã có không biết bao nhiêu sinh mạng bị đe dọa bởi TNGT. Nguyên nhân một phần do cơ sở hạ tầng giao thông còn kém, phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn (quá hạn, quá cũ, xe tự chế,…), sự cố thời tiết,… nhưng chủ yếu là do ý thức của người tham gia hoạt động giao thông quá kém, thiếu nền tảng VHGT. Vì vậy, việc TNGT có giảm, cuộc chiến đẩy lùi TNGT có thành công hay không còn tùy thuộc vào ý thức VHGT của từng công dân. Và chỉ khi nào những kiểu hành xử thô thiển, thiếu văn hóa trên đường đi không còn tồn tại thì khi ấy mới hạn chế những cái chết thảm do TNGT gây ra.
VHGT là người tham gia hoạt động giao thông có hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông; phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi của bản thân mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người khác; có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông, từ tốn, bình tĩnh, biết nhường nhịn, ưu tiên người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt. Nói cách khác, VHGT là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. VHGT được thực hiện thông qua hai yếu tố là tính pháp lý và tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Từ đó, mục đích xây dựng VHGT là hình thành ý thức của người tham gia hoạt động giao thông có văn hóa cả trong hành vi cũng như cách ứng xử, có ý thức nhường nhịn, kiên nhẫn chờ đợi, tuân thủ sự điều hành của CSGT… Và mỗi khi VHGT của mỗi người được nâng lên, những hành vi sai trái, quậy phá trên đường bị cộng đồng lên án thì sẽ hạn chế tối đa tai nạn và ùn tắc giao thông.
Để có cơ sở pháp lý cho việc xây dựng VHGT, ngày 09 tháng 10 năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ban hành Quyết định số 3500/QĐ-BVHTTDL về Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ, trong đó có 9 tiêu chí chung và các tiêu chí cho từng đối tượng, bao gồm: Đối với cơ quan quản lý nhà nước về giao thông (7 tiêu chí); Đối với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (5 tiêu chí); Đối với người tham gia giao thông (8 tiêu chí); Đối với cư dân sinh sống ven đường giao thông (5 tiêu chí); Đối với chủ phương tiện tham gia giao thông (3 tiêu chí). Các cấp, ngành, đoàn thể cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền thấm sâu đến các đối tượng để cùng nhau tự giác thực hiện.
Chung tay xây dựng văn hóa giao thông
VHGT được cấu thành bởi 3 yếu tố: Chủ thể con người tham gia giao thông; Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông; Hệ thống chính sách, pháp luật quản lý giao thông. Nó tạo thành môi trường, nền tảng VHGT bền vững. Từ đó, để giải quyết những bất cập trong VHGT cần sự chung tay của toàn xã hội như hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, cấu trúc và cơ cấu phương tiện giao thông, năng lực quản lý, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, giáo dục VHGT trong trường học... để tạo nên ý thức, văn hóa người tham gia giao thông.
Trước hết, phải có biện pháp tác động đến các chủ thể tham gia hoạt động giao thông như: Các cá nhân và từng gia đình; cộng đồng xã hội; các cơ quan quản lý, cơ chức năng; cán bộ, đảng viên…. Bởi vì, mỗi khi các gia đình giáo dục, quản lý người thân của mình chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông; cả cộng đồng xã hội tạo được dư luận lên án đấu tranh với những biểu hiện thiếu ý thức, thiếu VHGT, xem đó là hành vi không có đạo đức thậm chí là tội ác cần phải loại trừ; các cơ quan chức năng làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu tham mưu ban hành các chính sách, pháp luật đồng bộ, phát triển cơ sở hạ tầng kĩ thuật đáp ứng việc hình thành VHGT, kết hợp tuyên truyền giáo dục với kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm những người tiêu cực, sai phạm thiếu văn hóa khi làm nhiêm vụ; cán bộ, công chức, viên chức, CBCS công an nhất là lực lượng CSGT, quân đội nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, có VHGT, không bao che, dung túng, hành vi tiêu cực để người dân noi theo…, thì nhất định sẽ hạn chế tối đa những người vi phạm VHGT và gây ra TNGT.
Thứ hai, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tham gia hoạt động giao thông, xây dựng VHGT. Đối tượng tuyên truyền là các trường học, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư... Nội dung tuyên truyền, giáo dục là Luật giao thông đường bộ, Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ và các văn bản liên quan khác. Hình thức tuyên truyền, giáo dục hấp dẫn,đa dạng, phong phú, phù hợp từng nhóm đối tượng. Tổ chức các cuộc thi về ATGT cho các đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên nhằm kéo giảm TNGT ở đối tượng này.
Thứ ba, xây dựng các mô hình ATGT như: Mô hình đám cưới theo nếp sống mới vừa tiết kiệm vừa ATGT, không uống nhiều rượu bia, để xe đúng khu vực, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không ùn tắc giao thông; Mô hình các tổ tự quản chống ùn tắc giao thông của chính người dân trên địa bàn, hoạt động với tinh thần tự nguyện và được sự quản lý, tạo điều kiện của chính quyến địa phương; Mô hình các gia đình, dòng họ ATGT, giảm, bỏ việc uống nhiều rượu bia trong các cuộc vui, tuyệt đối không uống bia rượu khi tham gia giao thông; Mô hình trường học không vi phạm trật tự ATGT…
Thứ tư, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, cấu trúc và cơ cấu phương tiện giao thông, năng lực quản lý, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT,… nhằm đáp đảm bảo cho nhân dân tham gia giao thông thuận tiện, an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường các trang thiết bị phục vụ hiệu quả việc quản lý đào tạo, sát hạch, kiểm soát ATGT của các cơ quan chức năng. Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin chống ùn tắc: Đặt camera ở những nơi đông người, thường xẩy ra tai nạn, các cung đường; ô tô có camera hành trình; có một ngân hàng thông tin về hành trình của các phương tiện,…
Thứ năm, biểu dương người tốt việc tốt, khen thưởng kịp những cá nhân, đơn vị có thành tích; xử lý nghiêm các vi phạm ATGT, đồng thời thông báo về cơ quan, đơn vị, nơi cư trú, gia đinh để cùng giáo dục…
Hiện nay, VHGT đang lan toả sâu rộng trong nhân dân. Người tham gia giao thông luôn thấu suốt thông điệp “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội”; từ đó đề cao tính tự giác, sự nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông, “đã uống rượu bia thì không lái xe” và ứng xử một cách có văn hóa, để mỗi ngày không còn những người bị chết oan ức, bị thương tật vì TNGT. Cả cộng đồng hãy cùng chung tay xây dựng VHGT để không chỉ làm giảm TNGT, làm cho “bức tranh giao thông” ngày càng an toàn, văn minh, đẹp đẽ; mà còn góp phần nâng cao uy tín, tôn thêm vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
VĂN NHÂN