(LĐ online) - Chiều ngày 21/1, dưới sự chủ trì của UVBTV, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nguyễn Trọng Ánh Đông, hội nghị giám sát chuyên đề công tác bảo vệ môi trường về quản lý, thu gom, xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được tổ chức với sự tham dự đầy đủ của các sở ngành, chính quyền các cấp, đơn vị liên quan.
(LĐ online) - Chiều ngày 21/1, dưới sự chủ trì của UVBTV, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nguyễn Trọng Ánh Đông, hội nghị giám sát chuyên đề công tác bảo vệ môi trường về quản lý, thu gom, xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được tổ chức với sự tham dự đầy đủ của các sở ngành, chính quyền các cấp, đơn vị liên quan.
|
Toàn cảnh buổi đối thoại trực tiếp về môi trường |
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, mọi vấn đề thu gom đều chưa đúng quy trình, còn ô nhiễm môi trường. Sắp tới giải pháp được Sở Tài nguyên và Môi trường nêu ra đó là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật làm sao để người dân và tất cả các tổ chức đều biết về vấn đề này, tăng cường giám sát, nhất là giám sát sau hậu kiểm, có chế tài xử phạt, thẩm định, phê duyệt các báo cáo về bảo vệ môi trường. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBMTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục giám sát, phản biện để vấn đề bảo vệ môi trường được ngày càng tốt hơn.
Theo UBND thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng cũng như nhiều địa phương trong cả nước việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị đang là vấn đề nan giải. Khối lượng phát sinh lớn nhưng không tập trung, tỷ lệ thu gom còn hạn chế, chất thải rắn phát sinh chưa được thu gom và xử lý triệt để là nguồn gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí tại hầu hết các địa phương. Tại các bãi đổ rác, nước rò rỉ và khí bãi rác là mối đe dọa đối với nguồn nước mặt và nước ngầm trong khu vực và sức khỏe cộng đồng dân cư xung quanh. Khối lượng chất thải rắn của các khu đô thị gia tăng ngày càng nhanh chóng theo tốc độ gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội. Lượng chất thải rắn nếu không được quản lý tốt, xử lý hiệu quả sẽ dẫn đến hàng loạt các hậu quả môi trường không thể lường trước được.
Ngoài hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, các huyện vẫn còn xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hoặc đổ lộ thiên đơn giản. Các bãi rác này tồn tại rất nhiều nguy cơ rủi ro cho môi trường và sức khỏe con người. Các chất ô nhiễm có thể phát tán ra môi trường nước mặt, nước ngầm, không khí của khu vực. Bên cạnh đó, phương tiện thu gom rác tại nhiều huyện còn thiếu, các phương tiện thu gom, vận chuyển rác tại các xã chủ yếu là các xe tự chế (công nông, xe kéo tay…), không đảm bảo được vệ sinh trong quá trình vận chuyển rác và đây còn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm và mất vệ sinh trên các tuyến đường vận chuyển.
Rất nhiều vấn đề được các thành viên đoàn giám sát chất vấn trực tiếp các cơ quan liên quan về nhiều vấn đề thu gom rồi nhưng xử lý rác thế nào. Nhất là rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở đầu nguồn suối Vàng, suối Phước Thành, dọc suối Cam Ly gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏa con người.
Có ý kiến nhận định về ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức cá nhân chưa tốt, một bộ phận không nhỏ các cơ sở kinh doanh sản xuất chỉ quan tâm đến lợi nhuận kinh tế không coi trọng công tác bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm mang tính chất đối phó với các lực lượng chức năng. Công tác tuyên truyền tới nhân dân còn hạn chế, một bộ phận người dân còn rất thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh.
Nhiều cơ quan nêu nguyên nhân do kinh phí đầu tư cho việc xử lý ô nhiễm môi trường còn hạn chế, đặc biệt là cho phí xử lý các các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chi phí cải tạo phục hồi môi trường, chi phí đầu tư thu gom xử lý rác thải. Phía doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng gặp nhiều khó khăn về năng lực tài chính.
Kết luận buổi đối thoại, chủ trì Nguyễn Trọng Ánh Đông cho rằng: qua trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, nhà đầu tư cho thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề hạn chế trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải độc hại, lượng rác thải ra hàng ngày thật sự quá tải với khoảng 200 tấn rác/ngày, các huyện khoảng 80 tấn rác/ngày. Vấn đề đặt ra do công tác phối hợp chưa rõ ràng, chưa có cơ chế quản lý, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, còn buông lỏng quản lý rác khu vực dọc suối Cam Ly, công tác tuyên truyền chưa thật sự tới dân cần xem lại danh hiệu gia đình văn hóa có tiêu chí giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường đã đạt hay chưa. Đề nghị năm 2019 công tác bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu, xử lý thuốc bảo vệ thực vật phải được đưa vào trọng tâm công tác môi trường.
Vấn đề đặt ra là quy hoạch phải tạo mọi điều kiện cho công tác quản lý và thu gom rác, hệ thống thùng rác phải tương ứng với thành phố Đà Lạt. Phải xác định lại nội dung mà nhân dân cam kết thực hiện bảo vệ môi trường tại địa bàn khu dân cư ra sao, đó chính là công tác quản lý nhà nước phải được tăng cường. Mặt khác, cần phải xử lý mạnh tay những trường hợp, đối tượng vi phạm, nhất là các nhà hàng, khách sạn, quán ăn phát triển rầm rộ như hiện nay…
Ngay sau buổi đối thoại này, đề nghị các cơ quan liên quan phát huy trách nhiệm của mình bắt tay ngay vào xử lý. Đây là vấn đề thường xuyên và lâu dài cần phải làm để giữ gìn thương hiệu Đà Lạt xanh – sạch – đẹp, để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt an toàn, bảo đảm sức khỏe nhân dân, đây cũng là thực hiện trách nhiệm giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Nguyệt Thu