Ninh Thuận là "vùng đất nắng như rang, gió như phan" (Phan Rang), gắn liền với cát nóng, đá sỏi. Vào mùa khô hạn nhất, vùng đất này như biến thành "tiểu sa mạc" nên cây trồng cứ đụn lại vì sự khô cằn. Vậy mà một người trẻ từ Ðà Lạt lại tìm đến mảnh đất cằn cỗi ấy để rồi "phù phép" cho những chậu hoa lan kiêu hãnh khoe sắc trong thênh thang nắng gió của đất trời.
Ninh Thuận là “vùng đất nắng như rang, gió như phan” (Phan Rang), gắn liền với cát nóng, đá sỏi. Vào mùa khô hạn nhất, vùng đất này như biến thành “tiểu sa mạc” nên cây trồng cứ đụn lại vì sự khô cằn. Vậy mà một người trẻ từ Ðà Lạt lại tìm đến mảnh đất cằn cỗi ấy để rồi “phù phép” cho những chậu hoa lan kiêu hãnh khoe sắc trong thênh thang nắng gió của đất trời.
|
Anh Phan Thanh Sang gửi tặng hoa và giống rau cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Ảnh: Xuân Trung |
Một ngày đầu năm, khi Đà Lạt chìm trong mưa phùn và giá lạnh, tôi ngược đường đi về phía biển để mong tìm chút nắng gió. Đi hết đèo D’ran mây mù sương phủ lại đến đèo Ngoạn Mục hiểm trở quanh co. Và khi sương mù dần ở lại sau lưng, thay thế bằng ánh mặt trời nhảy nhót trên đầu, khi ngỡ đã bỏ hết cao nguyên lạnh giá những ngày tháng Chạp, cũng là lúc đập vào mắt tôi một cái tên quen ở vùng đất cát nóng: Trang trại YSA Orchid. Bước vào vì tò mò bởi cái tên đó tôi đã nghe quen ở Đà Lạt. Và tôi thật sự ngỡ ngàng khi bày ra trước mắt mình cả một thế giới hoa lan ở đó xanh mướt, rực rỡ sắc hương của lan Hồ điệp, Mokara, Dendro, Ngọc điểm,...
Hoa dưới chân đèo
Đèo Ngoạn Mục, hay còn gọi là đèo Sông Pha là một trong những cung đường đèo đẹp nhất Việt Nam nhưng cũng không kém phần hiểm trở. Con đèo uốn lượn theo chân núi, lòng vòng quanh những sườn núi, khi lộ diện giữa cái nắng, lúc lại lấp mình giữa vô số cỏ cây. Chỉ khi cảm giác mát lạnh dần được thay thế bởi sắc nắng vàng và làn gió thênh thênh, tôi biết mình đã đến với đầu Ninh Thuận.
Nghe nói, huyện Ninh Sơn của Ninh Thuận là vùng cát độc, không đứng nhất nhì thì cũng là trong top 10 cả nước. Thiếu nước phục vụ sản xuất là câu chuyện kinh niên ở đây. Nguồn tưới tắm cho đồng ruộng, nương rẫy một phần từ những ống nước thủy điện dẫn từ đập Đa Nhim từ tút trên cao chảy xuống hòa vào suối, sông. Vậy mà ngay chính ở vùng đất đó, “ông vua lan” Đà Lạt Phan Thanh Sang lại tìm đến lập trang trại và “bắt” loài lan kiêu sa phải thích ứng và nở hoa.
|
Hoa địa lan được chở xuống Vùng 4 Hải quân tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Ảnh: X.Trung |
Tôi đã từng có cơ hội tham quan trang trại trồng địa lan ở Đà Lạt, và trang trại trồng lan nhiệt đới tại Đạ Ròn (Đơn Dương) cũng của YSA Orchid, nên trong đầu bật ra suy nghĩ so sánh là điều không thể tránh khỏi, dù là không cố ý. Mặc dù trước đó đã có nghe qua trang trại YSA Orchid đặt ở Ninh Thuận, nhưng vẫn không khỏi bất ngờ khi đứng trước cả một thế giới hoa lan ở YSA Orchid Lâm Sơn. Ở đó, có những chậu hoa phong lan treo trên giàn đã nở hoa khoe sắc, tỏa hương thơm ngát, cũng có hàng ngàn chậu địa lan trên giá tốt tươi, tràn trề sức sống, đang chờ những bàn tay người đến chăm sóc hàng ngày. Và cả những cành lan đến độ đẹp nhất, đang được công nhân tất bật đóng thùng để tỏa đi khắp muôn nơi, cho nhiều người, nhiều nhà nghênh xuân, vui tết.
Trang trại sản xuất hoa lan theo hướng nông nghiệp công nghệ cao được Phan Thanh Sang đặt tại thôn Lâm Bình (xã Lâm Sơn, Ninh Sơn), với các loài hoa lan nhiệt đới. Năm 2015, sau nhiều lần đi khảo sát tại nhiều nơi, anh Sang quyết định trồng thử nghiệm 1 ha các giống lan nhiệt đới như Hồ điệp, Mokara ngay dưới chân đèo Ngoạn Mục.
Ở một nơi mà người người than khó vì nắng và gió, anh Sang lại nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với đặc tính sinh trưởng, phát triển của các giống lan nhiệt đới này. Vậy là chỉ trong một năm, diện tích 1 ha được mở rộng lên 5 ha, với số vốn đầu tư lên đến 15 tỷ đồng.
Ninh Thuận được ví như là một “sa mạc của Đông Nam Á”. Đa phần mọi người nghĩ, làm nông nghiệp sẽ rất khó trên đất này, vậy mà anh Sang đã làm được, bằng cách tận dụng những yếu tố thuận lợi, còn những yếu tố khó khăn sẽ được khắc phục bằng công nghệ. Tại trang trại hoa lan YSA Orchid Lâm Sơn, hoa lan được trồng trong nhà kính, có trang bị hệ thống quạt thông gió, điều chỉnh ánh sáng, nước tưới, bón phân, lắp đặt đồng hồ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm tự động. Quy trình chăm sóc, thu hoạch hoa được áp dụng công nghệ hiện đại.
Khi được trồng theo công nghệ cao, mọi yếu tố thời tiết được cho là khắc nghiệt tại xã Lâm Sơn được Phan Thanh Sang biến thành điều kiện thuận lợi cho cây hoa lan: nhiệt độ ban đêm từ 21-24 độ C, ban ngày trên dưới 30 độ C trở thành nhiệt độ lý tưởng. Nếu trồng ở Đà Lạt, hoa lan phải có hệ thống sưởi ấm vào những tháng thời tiết lạnh thì khí hậu không quá nóng, không quá lạnh ở Ninh Sơn lại hoàn toàn phù hợp để trồng lan Hồ điệp.
Sau khi trồng cây con từ 15-18 tháng, hoa lan sẽ được vận chuyển lên Đà Lạt, tiếp tục trồng từ 4-5 tháng sẽ cho hoa và thu hoạch. Hiện nay, trang trại tại Ninh Thuận đang trồng 200.000 chậu lan Hồ điệp, trên 31.000 cây lan Mokara, 3.000 cây lan Ngọc điểm, 3.000 cây lan Trầm và hàng ngàn giò phong lan ngát hương. Đến đây tôi vỡ lẽ một điều, có trình độ, hiểu công nghệ và lòng đam mê thì dẫu trên vùng đất khó khăn cũng có thể khiến cho sỏi cát trổ hoa.
Hoa đi muôn nẻo
Mô hình trồng hoa lan theo hướng công nghệ cao của YSA Orchid Lâm Sơn đã nhận được đánh giá cao của người dân và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Rất nhiều những đợt tham quan, học hỏi của người dân và sinh viên các trường đại học tại Ninh Thuận được anh Phan Thanh Sang cập nhật trên facebook cá nhân giúp tôi một phần hình dung được sự đánh giá đó. Bởi việc này đã mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp công nghệ cao, khắc phục được nhược điểm và tận dụng ưu điểm của khí hậu nơi này.
Sau 3 năm hoạt động, farm YSA Orchid Lâm Sơn đã tạo công việc ổn định cho hơn 30 bà con nông dân địa phương với mức lương dao động từ 4,5-6 triệu đồng/tháng. Họ có thể không giống với nông dân Đà Lạt, bởi làn da có thể nâu sạm hơn một chút vì nắng gió, áo quần có thể thấm đẫm mùi mồ hôi nhiều hơn một chút, nhưng nụ cười ở đâu thì cũng vẫn cứ chân chất, thật thà. Tôi thầm nghĩ, hình ảnh người nông dân ở đâu cũng “một nắng hai sương” nhưng dẫu vất vả, nhọc nhằn xưa nay là thế, song bao giờ cũng đẹp. Và còn gì đẹp hơn khi những người nông dân đó lại nâng niu, chăm sóc cạnh những chậu hoa lan bung nụ nở hoa, cho xuân về trên những bàn tay thơm tho và mang mùa xuân đến với khắp nơi trên đất nước.
|
Công nhân Farm YSA Orchid Lâm Sơn đưa lan vào chậu nuôi trồng. Ảnh: Xuân Trung |
“Tốc độ tăng trưởng của YSA Orchid tăng 30% so với năm ngoái. Về sản lượng ước tính khoảng 500.000 chậu, doanh thu dự kiến khoảng 60 tỷ đồng” - anh Sang cho hay. Đây là con số không nhỏ, và có sự đóng góp lớn từ trang trại ở Ninh Thuận. Đó là điều trước đó không ai dám nghĩ tới, cho đến khi Phan Thanh Sang đến, và dựng nên nhà kính ở nơi này.
Những ngày tháng Chạp này, những nhành hoa lan, chậu lan rực rỡ sắc màu lớn lên giữa nắng gió Ninh Thuận và sương lạnh của Lâm Đồng lại được YSA Orchid tất bật đóng thùng, chuẩn bị đưa đi khắp nẻo để làm đẹp hơn cho cái tết sắp đến gần. Hoa lan của anh Phan Thanh Sang được phân phối thông qua các đại lý trên cả nước, bán tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… và xuất bán sang thị trường Campuchia với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ra tới Trường Sa
Và, hoa lan của YSA Orchid không chỉ nở hoa khoe sắc trên đất liền, đặc biệt hơn những năm gần đây còn được theo các đoàn tàu vượt ngàn trùng hải lý đến nơi, biển đảo xa xôi. Bởi trên những chuyến tàu chở quà tết ra các điểm đảo của huyện đảo Trường Sa, nay đã điểm thêm sắc màu của những thùng hoa lan được Phan Thanh Sang gửi tặng các cán bộ, chiến sĩ.
Hôm tôi ghé thăm trang trại, cũng là lúc công nhân tất bật chuẩn bị những thùng lan cuối cùng để kịp đưa xuống Quân cảng Cam Ranh cho ngày tàu hú còi xuất phát. Nhiệt thành và hào hứng khi chia sẻ về các kế hoạch trong năm mới, anh Sang khẳng định rằng: Chắc chắn trong các dự định của mình, tôi sẽ vẫn viết tiếp hành trình đem hoa từ “sa mạc” Ninh Thuận ra Trường Sa và nhiều vùng đảo của Tổ quốc thêm nhiều lần nữa...
|
Lan hồ điệp xuống tàu ra Trường Sa. Ảnh: Xuân Trung |
Năm nay đã là mùa xuân thứ 6 gia đình anh gửi tặng hoa phong lan cho bộ đội Trường Sa, nhà giàn DK1 mỗi khi tết đến, xuân về với hơn 800 chậu hoa. Đây là giống hoa đã được nuôi trồng 9 tháng tại vùng khí hậu khô nóng Ninh Thuận, sau đó mang về Lâm Đồng chăm sóc tiếp 5 tháng để kích thích trổ bông để hoa có độ bền, màu sắc rực rỡ, lâu tàn. Đó không chỉ là tình yêu biển đảo lớn lao, mà còn là sự sẻ chia với những thiếu thốn của những cái tết nơi vùng phên dậu của Tổ quốc.
Và tết này, hoa lan Đà Lạt trồng trên đất Ninh Thuận nắng gió lại nở hoa khoe sắc giữa sóng biếc Trường Sa.
Phóng sự: VIỆT QUỲNH