Chúng ta nói nhiều đến công nghiệp 4.0, trong đó, trí tuệ nhân tạo đóng vai trò cốt yếu. Vậy TTNT là gì? Vai trò của nó như thế nào? Người trẻ cần có những bước chuẩn bị gì để không bị tụt hậu khi bước vào thời đại mới có nhiều cơ hội và thách thức như vậy?...
Chúng ta nói nhiều đến công nghiệp 4.0, trong đó, trí tuệ nhân tạo (TTNT) đóng vai trò cốt yếu. Vậy TTNT là gì? Vai trò của nó như thế nào? Người trẻ cần có những bước chuẩn bị gì để không bị tụt hậu khi bước vào thời đại mới có nhiều cơ hội và thách thức như vậy?...
|
Nhà báo Tạ Bích Loan thảo luận với sinh viên Trường Đại học Đà Lạt về trí tuệ nhân tạo. Ảnh: V.Quỳnh |
Những câu hỏi này đã được giải đáp trong talk show “Tinh thần lãnh đạo và đổi mới trong thời đại TTNT” diễn ra tại Trường ĐH Đà Lạt vào tháng 12 vừa qua, dưới sự dẫn dắt của nhà báo Tạ Bích Loan và khách mời của chương trình: ông Nguyễn Anh Tuấn - cựu sinh viên khóa 4 (1980 - 1984), Khoa Toán, Trường ĐH Đà Lạt, được biết đến nhiều nhất với vai trò là Tổng Biên tập đầu tiên của báo VietNamNet.
Cơ hội và thách thức
Ông Nguyễn Anh Tuấn hiện đang là Giám đốc điều hành Diễn đàn toàn cầu Boston, Hoa Kỳ; Giám đốc Viện Michael Dukakis về lãnh đạo và sáng tạo Hoa Kỳ. Tại buổi talk show, ông Tuấn đã giúp các bạn sinh viên (SV) hiểu hơn về TTNT bằng cách đưa ra định nghĩa dễ hiểu: TTNT có thể được định nghĩa như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh, đó là trí tuệ của máy móc được tạo ra bởi con người. Trí tuệ này có thể tư duy, suy nghĩ, học hỏi,... như trí tuệ con người, tuy nhiên xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người.
Rất nhiều hãng công nghệ nổi tiếng có tham vọng tạo ra được TTNT vì giá trị của chúng là vô cùng lớn, giải quyết được rất nhiều vấn đề của con người mà loài người đang chưa giải quyết được. “TTNT vô cùng tốt cho chúng ta. Việc ứng dụng TTNT sẽ giúp cải tiến tốt nhất đời sống, kinh tế, xã hội, hệ thống chính trị, quản lý xã hội trong mọi quốc gia. TTNT sẽ định hình lại toàn bộ thế giới, cách chúng ta tiếp cận TTNT như thế nào thì tương lai của chúng ta sẽ như thế ấy” - ông Tuấn khẳng định.
TTNT cũng sẽ là cơ hội rất lớn để Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển, khắc phục những hạn chế để mơ giấc mơ sánh vai với các nước hùng cường.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, TTNT cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Rất nhiều chuyên gia lo lắng rằng khi TTNT đạt tới một ngưỡng tiến hóa nào đó thì đó cũng là thời điểm loài người bị tận diệt. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng giám sát kinh tế số của Chính phủ Anh quốc, một trong những thách thức mà TTNT mang đến nữa là con số 1,2 tỷ người trong số 3,2 tỷ người lao động trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, cùng rất nhiều những mối đe dọa khác nếu như TTNT được đặt vào bàn tay sử dụng không đúng mục đích.
Đứng trước vấn đề này, nhà báo Tạ Bích Loan đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể làm gì để hạn chế những thách thức đã nhìn thấy trước?”.
Trả lời câu hỏi đưa ra, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Không có công nghệ mới nào không đặt ra thách thức, bởi cơ hội luôn đi kèm với rủi ro. Ví dụ, thời đại TTNT khiến công ăn việc làm của nhiều người bị đe dọa, nhưng đồng thời sẽ mang lại rất nhiều cơ hội công việc mới. Vấn đề là chúng ta phải chuẩn bị một tư duy mới, một cách nhìn mới để tiếp cận, phát huy hiệu quả và hạn chế rủi ro trong tương lai”.
Tự đổi mới tư duy lãnh đạo
Để người trẻ sớm có những bước chuẩn bị cần thiết trong thời đại TTNT, ông Nguyễn Anh Tuấn cùng các cộng sự của mình đã sớm xây dựng nên các “Bài giảng đặc biệt”, đem những tư duy mới, thành quả mới để trao đổi, chia sẻ vào các trường đại học. Và Trường ĐH Đà Lạt là địa chỉ đầu tiên của khu vực phía Nam có được cơ hội này. Bài giảng sẽ chọn những nhân vật đặc biệt xuất sắc hàng đầu thế giới về lĩnh vực TTNT để nói về những vấn đề mà xã hội đặt ra, sau đó cùng tương tác, thảo luận.
Tại buổi talk show, ông Tuấn đã đưa ra hình ảnh về chiến thắng của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam tại AFF Suzuki cup vừa mới diễn ra để thông qua đó thể hiện khát vọng: Người trẻ phải dành tất cả tâm huyết, mong muốn, nhiệt thành để viết nên những giấc mơ đẹp, những câu chuyện đột phá, tạo ra những thành quả về kinh tế, du lịch, nông nghiệp,... TTNT sẽ giúp chúng ta thấy rằng đó không phải là ảo tưởng.
Với câu hỏi: “Điều gì khiến huấn luyện viên Park Hang Seo đưa đội tuyển Việt Nam đi đến thành công?”, ông Tuấn đã cùng thảo luận với các bạn SV để đưa ra khẳng định về vai trò quan trọng của tinh thần lãnh đạo nói chung và tinh thần lãnh đạo trong thời đại TTNT nói riêng với những yêu cầu quan trọng như: Phải có tầm nhìn và ý tưởng độc đáo; Phải truyền được cảm hứng; Phải có giải pháp thực thi để biến ý tưởng thành hiện thực; Cần có tư duy và cách tiếp cận mới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn là người đã thực hiện rất nhiều những điều đầu tiên, một trong số đó là người viết nên phần mềm tuyển sinh đầu tiên của Trường Đại học Đà Lạt. Ông Tuấn chia sẻ rằng: “Bạn muốn làm gì mới thì phải dám giơ tay trước đã. Và khi gặp những ý kiến trái chiều, hãy giữ vững tinh thần tự tin. Hãy dám mơ để thực hiện ước mơ, và hãy trân trọng những giấc mơ đẹp”.
Phạm Tiến Đạt (Sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh) đặt câu hỏi: “Vậy cơ hội của SV ĐH Đà Lạt như thế nào trong thời đại TTNT?”. Trước câu hỏi này, ông Tuấn đã lấy hình ảnh chính bản thân mình để khẳng định: Cơ hội của SV Đà Lạt là ngang bằng với tất cả những nơi khác. Tất cả các ngành đều cần tận dụng TTNT để có những cơ hội vượt lên và tạo nên những sự đột phá. Chúng ta sẽ biến thách thức thành cơ hội khi có tư duy mới, có tinh thần lãnh đạo và sớm tiếp cận với thời đại mới.
VIỆT QUỲNH