Với chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng trong năm 2019 của tỉnh đặt ra đạt 54,4-54,8% sẽ là nhiệm vụ nhiều khó khăn đối với cả hệ thống chính trị.
Với chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng trong năm 2019 của tỉnh đặt ra đạt 54,4-54,8% sẽ là nhiệm vụ nhiều khó khăn đối với cả hệ thống chính trị.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt trong đợt đi kiểm tra công tác QLBVR. Ảnh: M.Đ |
Ngay trong dịp nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 6 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 2 vụ so với tết năm 2018. Trong 6 vụ vi phạm này cho thấy, tình hình vẫn chưa cải thiện được so với trước đây: đó là số vụ xác định được đối tượng vi phạm chỉ 2/6 vụ và xảy ra tại các địa bàn được cho là “điểm nóng” phá rừng của tỉnh. Trong đó, khai thác rừng trái phép 3 vụ, lâm sản thiệt hại gần 8,8 m3; phá rừng trái pháp luật 2 vụ, diện tích thiệt hại hơn 1,6 m2 và lâm sản thiệt hại hơn 12 m3. Ngoài ra, 1 vụ mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của Nhà nước được phát hiện tại Lâm Hà với hơn 9 m3 lâm sản vi phạm. Năm 2018, bên cạnh một số kết quả đã đạt được, về tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đó là: chưa đạt tiêu chí giảm số vụ vi phạm theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tỉ lệ số vụ vi phạm chưa phát hiện được đối tượng còn chiếm tới 53%. Bên cạnh đó, diễn biến phá rừng tại một số địa phương có chiều hướng trở thành “điểm nóng”. Trong đó, phá rừng tự nhiên, khai thác lâm sản vẫn diễn ra ở một số nơi, nhiều vụ việc diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm phát hiện và xử lý. Một thực tế khác, chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị ở một số địa phương nơi xảy ra phá rừng, khai thác lâm sản có số vụ vi phạm cao chưa quan tâm, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ. Công tác trồng rừng tại nhiều địa phương và chủ rừng còn bị động và chuẩn bị diện tích trồng rất chậm, nhiều hồ sơ thiết kế không đảm bảo nên kéo dài thời gian thẩm định…
Để đạt độ che phủ rừng nêu trên, giảm 20% số vụ vi phạm và diện tích cũng như khối lượng lâm sản thiệt hại so với năm 2018; đồng thời giảm còn dưới 30% số vụ vi phạm không xác định đối tượng, cần khắc phục hiệu quả những tồn tại nêu trên và đồng bộ, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp vừa căn cơ vừa đạt tính bền vững.
Năm 2019 bắt đầu thực hiện Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Đây là những điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý cần được cả hệ thống chính trị quán triệt và triển khai ngay từ đầu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cũng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cần “chủ động và kịp thời tham mưu Ban chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và có hiệu quả công tác QLBVR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và phát triển rừng trong năm 2019”. Lực lượng nòng cốt là kiểm lâm, do đó, nâng cao trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp với các cơ quan trong và ngoài tỉnh; chủ động lập kế hoạch kiểm tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; tập trung các địa bàn trọng điểm diễn ra các vi phạm ảnh hưởng đến mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng; đồng thời kiểm tra, giám sát, đôn đốc đơn vị chủ rừng, các dự án đầu tư… là những nhiệm vụ luôn luôn đặc biệt chú trọng. Vấn đề quản lý chặt chẽ các dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo và nghèo kiệt; quản lý, xử lý vi phạm cơ sở chế biến gỗ… trực tiếp từ ngành NN&PTNT cũng cần phối hợp với các ngành, chính quyền cấp huyện phải có kế hoạch hành động thực chất cùng những kết quả cụ thể.
Phó Chủ tịch Phạm S cũng chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể đối với các sở như: TN&MT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Thông tin và Truyền thông đồng lòng góp phần hoàn thành nhiệm vụ QLBV&PTR của tỉnh. Đó là những vấn đề như liên quan với từng ngành trong vai trò quản lý nhà nước: khai thác khoáng sản; quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp; đầu tư dự án; bố trí nguồn kinh phí; thực hiện các quy định của công trình thủy điện; tuyên truyền chính sách pháp luật… Cũng cần nói thêm, khi Chỉ thị số 30/CT của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được quán triệt, triển khai thực hiện sâu, rộng đến đâu thì công tác QLBV&PTR hiệu quả đến đó, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh về QLBV&PTR. Riêng vấn đề “lãnh đạo chính quyền cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong quản lý nhà nước về QLBV&PTR, PCCCR trên địa bàn” không chỉ là tinh thần chỉ đạo chung chung mà thiết nghĩ đã đến lúc phải thực sự có tác động một cách thiết thực nhất.
MINH ĐẠO