Từ khi đưa vào áp dụng thí điểm tại các trường tiểu học ở Bảo Lộc, mô hình bán trú được đánh giá khá hiệu quả, nhận được sự đồng tình của các bậc phụ huynh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Từ khi đưa vào áp dụng thí điểm tại các trường tiểu học ở Bảo Lộc, mô hình bán trú được đánh giá khá hiệu quả, nhận được sự đồng tình của các bậc phụ huynh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
|
Bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học Lộc Sơn 2. Ảnh: Hồng Thắm |
Đây đã là năm học thứ 3 Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Bảo Lộc triển khai mô hình bán trú với học sinh ở bậc tiểu học. Đã có 7/26 trường tiểu học trên địa bàn áp dụng với 1.260 học sinh tham gia. Học sinh bán trú sẽ học hành, ăn, nghỉ trưa tại trường.
Cô Trần Thị Đông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Sơn 2 cho biết, nhà trường hiện nay đã tổ chức bán trú cho trên 80% học sinh, số còn lại là các em có nhà ở gần trường. Cô Đông cho biết, hình thức bán trú đã được triển khai từ 2006, ngay sau khi thành lập trường. Khi đó, với đặc trưng ở một trường tiểu học của khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, phụ huynh học sinh đa phần là người lao động, người làm nương rẫy nên nhà trường đã tạo điều kiện để nấu ăn cho học sinh tại trường với những gia đình không có điều kiện đưa đón con về nhà buổi trưa. Trường đã vận động nguồn xã hội hóa, tận dụng những phòng học, cử cán bộ của nhà trường nấu bếp để giúp học sinh có nơi ăn, chỗ ngủ buổi trưa.
Từ khi được triển khai bán trú, nhiều phụ huynh cũng trở nên an tâm hơn. Chị Vũ Thị Ngọc Bích (phường Lộc Sơn) cho biết, với công việc buôn bán bận rộn, gia đình đã phải khá vất vả để sắp xếp thời gian đưa, đón con mỗi ngày nên đã lựa chọn cho bé học bán trú. “Bé cũng khá thích thú với những bữa ăn cùng với bạn ở trường, về nhà khen thức ăn ngon. Thỉnh thoảng tôi cũng ghé qua trường để kiểm tra thì thấy chất lượng bữa ăn cũng khá tốt, vệ sinh nên cũng yên tâm”, chị Ngọc Bích chia sẻ.
Theo cô Trần Thị Đông, khi tổ chức bán trú rộng ra toàn trường theo chủ trương của Phòng GD&ĐT thì cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh học sinh. Đa phần đều lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như cơ sở vật chất không đủ điều kiện… Sau khi khắc phục những khó khăn ban đầu, giờ đây hầu như tất cả các phụ huynh đều an tâm để trẻ học bán trú. Năm học 2016 - 2017, trường được đầu tư xây dựng nhà ăn trên 900 triệu đồng, trường đã hợp đồng với 1 đầu bếp và 2 phụ bếp, các thầy cô giáo đều ở lại buổi trưa để cùng học trò sinh hoạt, nghỉ ngơi… Hiện tại, mỗi tháng, học sinh bán trú đóng 700.000 đồng/người.
“Với các em học sinh, khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý vào buổi trưa cũng sẽ góp phần giúp tâm sinh lý của trẻ ổn định, chuẩn bị tinh thần tốt cho những giờ học tiếp theo”, cô Ðông chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hữu - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT TP Bảo Lộc cho biết, qua triển khai, mô hình bán trú đã nhận được phản hồi tích cực, số lượng học sinh đăng ký bán trú ngày một tăng lên. Với hình thức này, phụ huynh sẽ tiết kiệm được khoảng thời gian đưa đón trẻ khi không có điều kiện, hạn chế tình trạng gửi học sinh về nhà trông giữ - một hình thức khác của dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên, để có thể tiến đến áp dụng trên tất cả các trường trên địa bàn thì còn rất nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề về cơ sở vật chất. Phần lớn các trường đều không đáp ứng đủ điều kiện về bếp nấu, nhà ăn, phòng ngủ cho học sinh. Ngoài một vài trường được đầu tư mới thì một số trường cũng đang tự xoay sở để cải tạo một số hạng mục cơ sở vật chất khác. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm - nỗi lo hàng đầu không chỉ của phụ huynh mà của các trường cũng cần được chú trọng. Các trường cũng cần có giải pháp để phụ huynh thấy được lợi ích của học bán trú để tăng cường cơ sở vật chất. Vì vậy, để mô hình bán trú đạt hiệu quả cao và duy trì bền vững, bên cạnh sự nỗ lực của các thầy, cô giáo thì cũng cần các cấp, các ngành và chính quyền địa phương quan tâm, có hướng phát triển, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường bán trú.
HỒNG THẮM